Sinh viên và quyền Sở hữu trí tuệ: Cuộc thi '5 tuổi' uy tín, cộng hưởng cảm hứng
Ngày 24/5 sắp tới, Hội trường Đa năng của Đại học Luật, Đại học Huế (20 Võ Văn Kiệt, TP Huế) sẽ trở thành tâm điểm của trí tuệ và sáng tạo, nơi 10 đội thi xuất sắc từ khắp ba miền tranh tài tại Chung kết cuộc thi “Sinh viên Sáng tạo và Quyền Sở hữu trí tuệ” lần thứ V – năm 2025.
Không chỉ là một sân chơi học thuật, cuộc thi là "điểm hẹn" thế hệ trẻ khẳng định tài năng, lan tỏa giá trị của sở hữu trí tuệ trong thời đại số.
Với vai trò bảo trợ truyền thông, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo tiếp tục là cầu nối, đưa hành trình này đến gần hơn với công chúng. Trước thềm Chung kết, hãy cùng nhìn lại hành trình đầy cảm hứng của cuộc thi và những giá trị mà nó mang lại.
Sân chơi của sáng tạo, đổi mới và bản lĩnh
Qua năm mùa tổ chức, cuộc thi “Sinh viên Sáng tạo và Quyền Sở hữu trí tuệ” không ngừng đổi mới để bắt kịp nhịp sống hiện đại. Từ một sân chơi học thuật nhỏ, cuộc thi nay được mở rộng quy mô quốc gia, thu hút 10 trường đại học danh tiếng như Đại học Mở Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Vinh, Đại học Duy Tân, Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Văn Lang, Đại học Đà Lạt và đội chủ nhà Đại học Luật - Đại học Huế.
Sự tham gia đa dạng từ các vùng miền không chỉ mang lại màu sắc độc đáo mà còn tạo nên một cộng đồng học thuật sôi động, nơi sinh viên cùng học hỏi và cạnh tranh lành mạnh.
PGS.TS Đoàn Đức Lương chia sẻ: “Điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là tinh thần chủ động học hỏi và khả năng kết nối kiến thức lý luận với thực tiễn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ của các đội dự thi.”

PGS.TS Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Huế trả lời phỏng vấn Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, Ảnh: NVCC.
Theo ông, các bạn trẻ không chỉ nắm vững luật mà còn biết cách áp dụng vào những tình huống thực tế, trình bày logic và thuyết phục. Điểm sáng của cuộc thi nằm ở phần “Sân khấu hóa tình huống” – nơi sinh viên biến ý tưởng thành kịch, ca kịch, kịch câm hay âm nhạc, thể hiện sự sáng tạo vượt ngoài mong đợi.

Poster chính thức của Cuộc thi Sinh viên Sáng tạo và Quyền Sở hữu trí tuệ lần thứ V - năm 2025.
Th.S Nguyễn Thị Thúy, Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Đà Nẵng (Văn Phòng 3) – đơn vị đồng tổ chức là người đã đồng hành bốn năm với vai trò giám khảo và thư ký cuộc thi, nhận xét: “Các đội thi ngày càng chuyên nghiệp hơn, sáng tạo hơn.” Nếu như ở những mùa đầu, sinh viên còn dè dặt, kiến thức đôi khi thiên về lý thuyết, thì nay các đội thi tự tin, hiểu sâu bản chất pháp lý và biết cách truyền tải ý tưởng một cách sống động.

Th.S Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng, đơn vị đồng tổ chức, thành viên Ban Giám Khảo cuộc thi Sinh viên Sáng tạo và Quyền Sở hữu trí tuệ trả lời phỏng vấn trước thềm Chung kết.
Bà Thúy nhấn mạnh rằng áp lực cạnh tranh chính là động lực để các đội đầu tư kỹ lưỡng, từ nội dung đến kỹ năng trình bày.
Sự tiến bộ của các đội thi đến từ nhiều yếu tố cộng hưởng. Thứ nhất, họ học hỏi kinh nghiệm từ các mùa trước, phân tích điểm mạnh và điểm yếu để xây dựng chiến lược bài bản. Thứ hai, sự hỗ trợ từ các khoa, trường đóng vai trò quan trọng, từ việc huấn luyện chuyên môn, định hướng đề tài đến rèn luyện kỹ năng mềm. Thứ ba, môi trường học thuật ngày nay cho phép sinh viên tiếp cận tài liệu, nền tảng trực tuyến và các sân chơi học thuật để nâng cao tư duy. Cuối cùng, uy tín ngày càng cao của cuộc thi đã thúc đẩy các đội nỗ lực vượt giới hạn bản thân.

PGS.TS Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Huế - đơn vị chủ trì đăng cai tổ chức cuộc thi, Ban giám khảo cuộc thi trao giải Nhất cho Trường Đại học Cần Thơ năm 2024.
Chủ đề năm nay “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ”, là lời nhắc nhở về mối liên hệ giữa sáng tạo nghệ thuật và hệ thống pháp lý bảo vệ nó. Trong kỷ nguyên số, khi trí tuệ nhân tạo và công nghệ phát triển mạnh mẽ, việc bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc trở nên cấp thiết. Bà Thúy khẳng định: “Hệ thống sở hữu trí tuệ đóng vai trò là cây cầu kết nối người sáng tạo, người sử dụng và nhà đầu tư, góp phần hình thành một hệ sinh thái âm nhạc công bằng, phát triển và bền vững.”
Bùng nổ ý tưởng, chạm đến thực tiễn
Phần thi “Sân khấu hóa tình huống” luôn là phần được mong chờ nhất của cuộc thi qua mỗi năm. Đó là nơi các đội thi tự do sáng tạo mà không bị giới hạn bởi kiến thức pháp luật. Đây là sân khấu để sinh viên thể hiện không chỉ kiến thức am hiểu pháp luật lẫn thực tiễn mà còn bộc lộ bản lĩnh, cá tính và khả năng làm việc nhóm. Từ những vở kịch đầy kịch tính, những bài ca mang thông điệp sâu sắc, đến những màn kịch cảm giàu cảm xúc, mỗi đội đều mang đến một bất ngờ riêng.

Phần thi Sân khấu hóa đặc sắc của đội thi đến từ Đại học Vinh - Quán quân cuộc thi Sinh viên sáng tạo và Quyền Sở hữu trí tuệ mùa III - năm 2023.
PGS.TS Đoàn Đức Lương vẫn nhớ như in một số phần thi để lại dấu ấn sâu sắc năm 2024. Đội Đại học Cần Thơ xuất sắc giành Giải Nhất từng khiến ban giám khảo xúc động với câu chuyện logic, lôi cuốn và thông điệp nhân văn. Đội Đại học Kinh tế (Đà Nẵng) gây ấn tượng với cách dẫn dắt thuyết phục, trong khi đội chủ nhà Đại học Luật, Đại học Huế làm ban giám khảo bất ngờ với kiến thức chuyên sâu và sự đầu tư nghiêm túc.
“Các phần thi không chỉ là cuộc tranh tài mà còn là hành trình thể hiện bản thân, nơi mỗi bạn sinh viên đều có cơ hội tỏa sáng theo cách riêng,” thầy Lương nói.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đại học Luật, Đại học Huế cho vòng Chung kết cũng đáng chú ý. Từ hội trường, hệ thống âm thanh ánh sáng đến các phòng chức năng, mọi thứ đều được kiểm tra và nâng cấp để đảm bảo chất lượng. Công tác hậu cần, lễ tân và truyền thông cũng được chú trọng, với đội ngũ sinh viên tình nguyện hỗ trợ các đoàn từ nơi ăn nghỉ đến phương tiện di chuyển. Tất cả nhằm tạo nên một sự kiện chuyên nghiệp, để lại ấn tượng đẹp trong lòng các đội thi và khán giả.

Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi luôn làm việc công tâm, nghiêm túc để lựa chọn những đội thi xuất sắc, ảnh: Đại học Luật, Đại học Huế.
Cuộc thi năm nay không chỉ là sân chơi mà còn là "lò tôi luyện" tư duy học thuật và bản lĩnh. Cuộc thi được tổ chức bởi sự chủ trì đăng cai của Đại học Luật, Đại học Huế với sự đồng hành đồng tổ chức của Cục Sở hữu trí tuệ, Công ty TNHH Tilleke & Gibbins (Việt Nam) và sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, sự kiện tiếp tục là hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (26/4). Chủ đề “Bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” của mùa thi V là lời kêu gọi thế hệ trẻ tham gia vào hành trình bảo vệ sáng tạo, thúc đẩy đổi mới.
Chung kết ngày 24/5/2025 hứa hẹn sẽ là một ngày hội của trí tuệ và cảm hứng. 10 đội thi đang chuẩn bị để sẵn sàng phá vỡ giới hạn, lan tỏa giá trị của sở hữu trí tuệ. Cùng chờ đón cuộc đua tài đầy cảm hứng, nơi ý tưởng đột phá lên tiếng và tài năng trẻ tỏa sáng.
Bảo Hòa
Đừng chỉ học thuộc Luật
Th.S Nguyễn Thị Thúy, Phụ trách Văn phòng 3 dành lời khuyên cho các đội thi trước Chung kết: “Hãy hiểu thật rõ chủ đề năm nay, không chỉ ở khái niệm pháp lý mà còn ở góc nhìn thực tiễn, gắn với đời sống sáng tạo. Đừng chỉ học thuộc luật, hãy tìm hiểu những vụ việc thực tế, những tình huống tranh chấp đã từng xảy ra – đó là cách tốt nhất để vận dụng luật một cách linh hoạt và sáng tạo.”
Lời nhắn của bà không chỉ là kim chỉ nam cho các đội thi mà còn là thông điệp gửi đến thế hệ sinh viên trẻ: hãy biến kiến thức thành công cụ để giải quyết vấn đề thực tế.
Duy Lương
TIN LIÊN QUAN
-
Cuộc thi lớn nhất dành cho sinh viên về sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ sắp trở lại
-
Cuộc thi Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ lần IV mở rộng
-
Phát động cuộc thi Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ lần III
-
Cuộc phiêu lưu của những người ‘đánh thức’ Tà Vạt, Tr'Đin: Vị ngọt từ rừng nhiệt đới
Tin khác
