Sinh viên phát triển thiết bị hạn chế phát thải hạt vi nhựa từ phương tiện đường bộ
Mỗi khi xe phanh gấp, tăng tốc hoặc vào cua, lốp xe bị mài mòn do ma sát, và các hạt nhựa nhỏ li ti bay vào không khí. Chỉ riêng ở châu Âu, ô tô tham gia giao thông đã tạo ra 500.000 tấn hạt nhựa lốp hàng năm. Trên toàn cầu, người ta ước tính độ mòn của lốp xe chiếm gần một nửa lượng khí thải dạng hạt qua vận chuyển đường bộ. Nó cũng là chất ô nhiễm vi nhựa lớn thứ hai bị rửa trôi xuống đại dương sau nhựa sử dụng một lần.
Để hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường này, một nhóm sinh viên cao học tại Đại học Hoàng gia London và Đại học Nghệ thuật Hoàng gia tại Anh đã sáng chế ra thiết bị có tên Tyre Collective.
Tyre Collective sẽ được lắp vào bánh xe và sử dụng tĩnh điện để thu nhận các hạt khi lốp xe bị bào mòn, tận dụng các luồng không khí xung quanh bánh xe đang quay.
Nhóm sáng chế cho biết, nguyên mẫu đầu tiên trên thế giới của thiết bị này đã thu nhận 60% các hạt vi nhựa trong không khí từ lốp xe trong môi trường thử nghiệm.
Sau khi được thu nhận, các hạt vi nhựa có thể được tái chế và tái sử dụng trong lốp xe mới hoặc các vật liệu khác. Nhóm đã in danh thiếp bằng mực làm từ bụi lốp thu thập được. Ngoài ra còn có các ứng dụng tiềm năng khác như in 3D, cách âm hoặc thậm chí sản xuất lốp xe mới, tạo ra một hệ thống khép kín.
Giải pháp thu gom hạt nhựa từ lốp xe được các chuyên gia đánh giá cao về tính hữu ích và thiết thực trong thực tế xu hướng xe điện (với trọng lượng lớn hơn nhiều so với ô tô chạy bằng xăng và dầu) đang ngày càng chiếm ưu thế trong ngành sản xuất hiện nay.
Thái An