Sinh viên Đà Nẵng đột phá nhiều ý tưởng mới lạ phục vụ cuộc sống
Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng phát biểu tại cuộc thi: “Đào tạo và nghiên cứu là hai mảng không thể tách rời nhau trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt nghiên cứu khoa học trong trường Đại học là xu thế phát triển ngày nay”.
Theo TS. Vũ Thị Bích Hậu: “Cuộc thi mang đến nhiều nghiên cứu phong phú về các lĩnh vực: từ xã hội đến kinh tế, kỹ thuật, du lịch, phục vụ nông nghiệp… mang tính thực tiễn ứng dụng”.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại cuộc thi
Trải qua nhiều tháng kêu gọi, cuộc thi thu hút 91 đề tài nghiên cứu ứng dụng được đăng ký và triển khai, 35 đề tài chất lượng được đề cử tham gia tranh tài tại 4 Hội đồng với hai hình thức trình bày báo cáo bằng hai hình thức.
Dưới góc nhìn xuất phát từ nhu cầu, sự quan sát nhạy bén của sinh viên trong nhịp sống công nghệ số, những vấn đề phát triển bền vững được đưa ra nhiều giải pháp mới mẻ.

Cuộc thi đã "thổi ngọn lửa" đam mê nghiên cứu khoa học cho nhiều sinh viên
Đề tài dự thi gần gũi xoay quanh đời sống hiện đại. Đáng chú ý có đề tài: “Nồi cơm điện thông minh điều khiển, giám sát qua điện thoại” là nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm sản phẩm của khoa Công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử, hướng đế sự tiện nghi, chủ động trong bữa ăn cho người sử dụng.
Nồi cơm điện thông minh áp dụng công nghệ tích hợp để tự động hóa quy trình nấu từ khâu đong gạo, đo lường nước, đóng nắp, lựa chọn chế độ nấu cho bữa ăn từ 1 - 4 người. Màn hình cảm ứng HMI giúp cho quá trình giao tiếp với người dùng được thuận tiện. Vi điều khiển Arduino thông dụng được sử dụng cùng với Module truyền nhận dữ liệu từ xa giúp điều khiển giám sát quá trình nấu cơm từ xa ở bất cứ đâu bằng di động thông minh, khi có sự cố mất điện hệ thống lại tự động gửi SMS thông báo đến người sử dụng.

Sinh viên mạnh dạn tự tin đưa ra những giải pháp đột phá tại cuộc thi nghiên cứu khoa học năm 2022
Bên cạnh đó, đề tài “Phát triển du lịch chậm tại Đà Nẵng” cũng tạo được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của hội đồng chấm thi. Đề tài mang tính nhân văn này hướng tới phát triển du lịch chậm cho đối tượng người cao tuổi trong nước, nhất là các đô thị lớn và quốc gia có cơ cấu dân số già dựa trên lợi thế về tài nguyên du lịch của Đà Nẵng.

Tự tin thuyết trình các dự án có tính ứng dụng cao.
Đề tài có 6 nhóm giải pháp và đề xuất. Đó là giải pháp về xây dựng bệnh viện du lịch kết hợp gần điểm du lịch; Xây dựng trạm dừng chân/trạm nghỉ dưỡng trên tuyến đường tới địa điểm du lịch; Xây dựng những resort, khách sạn, cơ sở ăn uống dành riêng người cao tuổi. Sinh viên cũng đề xuất ứng dụng công nghệ vận chuyển bằng xe điện chống xóc, đào tạo kỹ năng cho hướng dẫn viên khi dẫn tour du lịch chậm cho người cao tuổi, đồng thời xúc tiến bán tour thông qua kết hợp những mô hình du lịch khác.
Tại cuộc thi còn có nhiều đề tài xuất sắc liên quan tới mua sắm điện tử. Đó là: “Ảnh hưởng của hiệu ứng FOMO đến ý định mua sắm trực tuyến của thế hệ gen Z tại Đà Nẵng” giải pháp cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao ý định mua sắm trực tuyến trong các hoạt động truyền thông. Hay giải pháp mang tính khởi nghiệp thông qua dự án “MUSA – Nền tảng gamification trực tuyến kết nối giữa Brands và Khách hàng” chuyên các loại trò chơi công nghệ ảo, kết nối các nhãn hàng và khách hàng.
Cuộc thi được tổ chức thường niên lần thứ 8 với chủ đề “Sinh viên nghiên cứu khoa học: Đột phá tư duy, thi đua sáng tạo – chiếm lĩnh thành công”. Cuộc thi đã thúc đẩy, khuyến khích sinh viên sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
Bảo Hoà
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
