Siêu bão dồn dập đổ bộ, hơn 19.900 chuyến bay bị chậm, hủy chuyến trong 10 tháng năm 2020
Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố số liệu khai thác chuyến bay đúng giờ, chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 (gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, Bamboo Airways và Vasco).
Theo số liệu do Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố, trong 10 tháng đầu năm 2020, 5 hãng hàng không trong nước đã khai thác tổng cộng 177.034 chuyến bay, giảm 36,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, đứng đầu là Vietnam Airlines với 71.722 chuyến bay được khai thác (giảm 34,5% so với cùng kỳ); thứ hai là Vietjet với 63.935 chuyến bay (giảm 44,4% so với cùng kỳ); Jetstar Pacific đạt 12.410 chuyến (giảm 58,4%) và VASCO khai thác 6.997 chuyến bay (giảm 34,4%); Bamboo Airways khai thác 21.970 chuyến bay, ghi nhận tăng 52,8% so với cùng kỳ. Đây là hãng duy nhất khai thác vượt công suất cùng kỳ.
Về chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP), trong 10 tháng đầu năm 2020, 5 hãng bay đạt 159.302 chuyến. Trong đó, OTP của Bamboo Airways đạt 21.015 chuyến (chiếm tỷ lệ 95,7%); VASCO với 6.576 chuyến (chiếm tỷ lệ 94%); Vietnam Airlines đạt 65.369 chuyến (chiếm tỷ lệ 91,1%); Vietjet đạt 55.578 chuyến (chiếm tỷ lệ 86,9%) và Jetstar Pacific đạt 10.764 chuyến (chiếm tỷ lệ 86,7%).
Bên cạnh đó, 5 hãng bay có tổng cộng 17.732 chuyến bay bị chậm. Trong đó, Vietjet là hãng bay có số chuyến bay bị chậm nhiều nhất với 8.357 chuyến chậm (chiếm tỷ lệ 13,1%); vị trí thứ 2 là Vietnam Airlines với 6.353 chuyến chậm (chiếm tỷ lệ 8,9%); Jetstar Pacific với 1.646 chuyến (chiếm tỷ lệ 13,3%); Bamboo Airways là 955 chuyến và VASCO là 421 chuyến.
Theo thống kê, nguyên nhân chủ yếu khiến chuyến bay bị chậm là do tàu bay về muộn (10.520 chuyến, chiếm tỷ trọng 59%), lý do tiếp theo là do hãng hàng không (4.633 chuyến, chiếm tỷ trọng 26%). Ngoài ra, còn do trang thiết bị và dịch vụ tại Cảng (1.270 chuyến),...
Ngoài ra, 10 tháng đầu năm 2020, các hãng đã hủy tổng số 2.175 chuyến bay. Trong đó, chuyến bay bị hủy nhiều nhất là Vietnam Airlines với 1.833 chuyến (chiếm tỷ lệ 2,5%), tiếp theo là hãng hàng không Vietjet với 225 chuyến (chiếm tỷ lệ 0,4%).
Đáng chú ý, tháng 10/2020 chứng kiến diễn biến thời tiết phức tạp với nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ, gây lũ lụt và mưa lớn, ảnh hưởng tới việc khai thác nhiều chuyến bay.
Theo đó, tính riêng tháng 10/2020 (giai đoạn từ 19/9/2020 - 18/10/2020) 5 hãng hàng không đã khai thác tổng cộng 15.916 chuyến bay (giảm 44,3% so với cùng kỳ). Số chuyến bay cất cánh đúng giờ đạt 14.990 chuyến (chiếm tỷ lệ 94,2%). Số chuyến bay bị chậm đạt 926 chuyến (chiếm tỷ lệ 5,8%) và có 458 chuyến bay bị huỷ (chiếm tỷ lệ 2,8%).
Theo dự báo của Hãng hàng không quốc gia, từ nay đến cuối năm, dự báo lượng hành khách sẽ bay tương đương cùng kỳ năm trước, thậm chí tháng 12, nếu như Việt Nam không có các đợt dịch bệnh mới, lượng khách sẽ cao hơn so với cùng kỳ, nhưng doanh thu chỉ ở mức khoảng 70-75% so với năm 2019.
Các hãng hàng không Việt vẫn đang dốc sức đẩy mạnh các hoạt động khai thác ở thị trường nội địa với mục tiêu tạo việc làm cho người lao động, có dòng tiền để duy trì hoạt động, kích cầu du lịch, bảo đảm giao thương.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.676 tỷ đồng. Mức thua lỗ này thổi bay thành quả tổng lợi nhuận 10.380 tỷ đồng của hãng bay trong 5 năm 2015-2019. Doanh thu thuần của Vietnam Airlines là 32.411 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ 2019.
Tại Vietjet, lợi nhuận sau thuế của hãng cũng âm gần 925 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Doanh thu thuần của của hãng hàng không giá rẻ giảm tới 64% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 13.779 tỷ đồng.
Hoàng Long
vnfinance.vn
TIN LIÊN QUAN
-
'Chơi chiêu' với khách hàng, iPhone phải đền bù 113 triệu USD
-
Đến trường với niềm vui uống sữa của trẻ vùng cao Hà Giang đã không còn chỉ là ước mơ
-
Hạn sử dụng trên bao bì thực phẩm có ý nghĩa gì?
-
Chương trình đào tạo tóc L’Oreal - Làm đẹp để sống: Hỗ trợ những phụ nữ khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt