SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 09/10/2024
  • Click để copy

Sau 'lùm xùm' đất Thủ Thiêm, HoREA đề xuất: Nâng cọc, bỏ đấu giá bằng lời nói

05:52, 27/01/2022
(SHTT) - Do “bất cập” về quy định nộp “tiền đặt trước” có giá trị thấp hơn so với “giá trúng đấu giá”, nên đã có nhiều trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng sau đó “xù”, không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất cọc.
tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị để ngăn ngừa lợi dụng đấu giá để thổi giá đất, chọn được nhà đầu tư có năng lực.

Theo HoREA, qua các cuộc đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) ngày 10/12/2021 đã cho thấy rõ các “bất cập” và sự cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 và các pháp luật có liên quan, nhằm xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, không làm thất thu ngân sách Nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, không để bị lợi dụng đấu giá để trục lợi bất chính.

HoREA nhận định: “Đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị hoàn toàn khác biệt với đấu giá từng nền nhà, từng căn hộ hoặc đấu giá một bức tranh, một món đồ cổ, hay đấu giá tài sản thanh lý…”.

Do vậy, cần xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA phân tích: “Tùy theo loại tài sản đấu giá mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá phù hợp. Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị thì phù hợp nhất là áp dụng hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá”, hoặc hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp” theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016; trên cơ sở nghiên cứu vận dụng tương tự phương thức “đấu thầu 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ” (quy định tại Điều 31 Luật Đấu thầu 2013)”.

Cụ thể, giai đoạn 1: Cơ quan có thẩm quyền xem xét "Báo cáo khả thi dự án đầu tư" do nhà đầu tư đề xuất, để chọn ra "danh sách ngắn" các nhà đầu tư có đề xuất có tính khả thi và đạt chuẩn điểm số theo hồ sơ mời đấu giá (có thể đạt từ 70 điểm trở lên như quy định của pháp luật về đấu thầu).

Giai đoạn 2: Tổ chức cuộc đấu giá đối với các nhà đầu tư trong "danh sách ngắn" theo hình thức "đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá", hoặc "đấu giá  bằng bỏ phiếu gián tiếp" để lựa chọn nhà đầu tư trúng đấu giá quy định tại Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016.

HoREA đánh giá, không nên áp dụng hình thức "đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá" (quy định tại Điều 41 Luật Đấu giá tài sản 2016) đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, như đã thực hiện trong thời gian qua vì không phù hợp.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị sửa đổi quy định nộp “tiền đặt trước” để được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị.

Do “bất cập” về quy định nộp “tiền đặt trước” có giá trị thấp hơn rất nhiều so với “giá trúng đấu giá”, nên trong thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng sau cuộc đấu giá đã “xù” không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất “tiền đặt trước”.

Như trường hợp đấu giá Lô đất 3.12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá khởi điểm chỉ là 2.942 tỷ đồng, “tiền đặt trước” là 588,4 tỷ đồng, nhưng “giá trúng đấu giá” lên đến 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần “giá khởi điểm” và gấp 41 lần “tiền đặt trước”, mà nay nhà đầu tư trúng đấu giá là Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xin chấm dứt hợp đồng mua bán Lô đất 3.12 và chấp nhận bị mất số tiền cọc 588,4 tỷ đồng, để lại các hệ lụy tiêu cực.

Ngoài ra, HoREA cũng cho rằng, quy định về “tiền đặt trước” tại Điều 39 Luật Đấu giá 2016 chưa thống nhất với các quy định pháp luật về chứng khoán, của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thay thế quy định về “tiền đặt trước” của Luật Đấu giá tài sản 2016 bằng quy định về “bảo đảm đấu giá” hoặc “tiền đặt cọc đấu giá” để đảm bảo sự thống nhất của các quy định pháp luật và bổ sung các quy định.

Quỳnh Chi

Tin khác

Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Nhận thấy hiệu quả trong xuất khẩu lao động, huyện Quan Sơn - Thanh Hóa không ngừng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động. Đây là hướng đi hiệu quả, là cơ hội để để giảm tỷ lệ hộ nghèo cao huyện Quan Sơn, giúp người lao động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Tổng cục Hải quan đang xây dựng đang xây dựng hệ thống để kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN...
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng, từ đó kiểm soát một cách hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo ghi nhận mới nhất, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm mạnh.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Nhằm tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử, đầu tháng 10/2024, Cục QLTT thành phố Hải Phòng đã kiểm tra 05 cơ sở kinh doanh hàng hóa trên môi trường TMĐT.