Sắp diễn ra triển lãm và hội nghị giao thương xúc tiến ngành dệt may năm 2022
Từ tháng 1 - 7/2022, xuất khẩu hàng dệt may của Đài Loan đạt trị giá 5,55 tỷ đô la Mỹ, Việt Nam là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Đài Loan. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang Việt Nam là 1,48 tỷ đô la Mỹ, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là vải.
Việt Nam là quốc gia nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Đài Loan. Ngược lại, hàng may mặc sẵn tại Đài Loan được nhập khẩu phần lớn từ Việt Nam. Ngành công nghiệp dệt may của Đài Loan có một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho sự phát triển thượng nguồn, trung lưu và hạ nguồn, đồng thời cam kết phát triển các sản phẩm sáng tạo, làm cho sợi và vải của Đài Loan được quốc tế công nhận rộng rãi.
Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng dệt may quan trọng trên toàn cầu. Thông qua các chương trình giao thương và hợp tác chặt chẽ, Đài Loan và Việt Nam có thể bổ sung lợi thế cho nhau để kiến tạo những có hội hợp tác song phương cùng phát triển.
Triển lãm năm nay tổ chức dựa trên những đánh giá về tính hiệu quả sau 3 lần tổ chức thường niên tại TP.HCM và TP Hà Nội. Bên cạnh đó, nhu cầu của doanh nghiệp (DN) cả hai phía được đánh giá rất triển vọng. Trong khi DN Việt tìm kiếm các nhà cung cấp có khả năng đáp ứng mẫu mã mới, tiêu chuẩn mới về chất lượng vải trong mảng may mặc nội địa và xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, các DN Đài Loan có thế mạnh dẫn đầu cải tiến kỹ thuật thuộc hàng tiên tiến trên thế giới, với các nghiên cứu và phát triển (R&D) được đầu tư và áp dụng cho ra kết quả về mẫu mã, khổ vải và chất liệu vượt trội, đi đầu trong xu hướng vải theo tính năng sử dụng.
Theo thống kê từ ban tổ chức, triển lãm giao thương lần này sẽ gồm 13 doanh nghiệp là các nhà sản xuất nguyên liệu dệt may Đài Loan (Trung Quốc), trong đó cả những doanh nghiệp đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Và gần 60 DN Việt Nam là các nhà sản xuất, xuất khẩu và nhãn hiệu may mặc lớn trong nước.
Chương trình sẽ tổ chức trên cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến được bố trí từng cuộc gặp với hình thức song phương theo từng khung giờ. Chương trình dự kiến sẽ có khoảng 150 cuộc giao thương diễn ra một cách chuyên nghiệp, đi đúng trọng tâm của hình thức “doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)”. Các nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tổng hợp và trao đổi sau đó, những điều này là nền tảng mở ra những hợp tác thiết thực giữa doanh nghiệp hai bên.
Võ Liên