Sáng chế xe lăn điện giá rẻ của sinh viên Quảng Bình
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, chàng sinh viên khoa Điện Trường ĐH Quảng Bình, Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1994) chứng kiến cảnh người thân trong nhà bị chất độc màu da cam hành hạ, đi đâu cũng cần có người giúp đỡ, Hùng hiểu hơn ai hết sự khó khăn trong cuộc sống thường ngày của những người khuyết tật.
Xuất phát từ cái tâm thiện nguyện suốt 4 năm bôn ba đi tình nguyện khắp nơi, cùng với hoàn cảnh gia đình như vậy đã thôi thúc Mạnh Hùng sáng chế ra một chiếc xe lăn vận hành bằng động cơ giá rẻ
Trong suốt 2 tháng mày mò và chế tạo, Hùng cũng đã nhận được sự hỗ trợ của bạn cùng lớp Nguyễn Hữu Thắng và cậu em kém tuổi Bùi Thanh Vũ (SN 1996, lớp ĐH Sư phạm Lịch Sử k55, Trường ĐH Quảng Bình).
Được biết, chiếc xe lăn của Hùng chạy bằng động cơ 24V. Nhìn bề ngoài thì chiếc xe lăn này có hình dáng giống như những chiếc xe lăn bình thường khác. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở hệ thống vận hành của chiếc xe lăn này bởi nó được lắp đặt một động cơ điện gắn dưới trục bánh xe và một nút điều khiển nhỏ gắn vào tay vịn phía trên.
Với chiếc xe lăn do Hùng chế tạo, người sử dụng chỉ cần sử dụng bộ điều khiển đặt ở phía tay trái là chiếc xe sẽ tự động di chuyển mà không cần dùng sức để quay bánh xe như bình thường. Nhóm bạn trẻ cũng đã thiết kế cả chế độ tiến, lùi, tăng tốc, giảm tốc, dừng theo các nấc trên nút điều khiển. Việc điều chỉnh phương hướng di chuyển được thiết kế bằng một thanh sắt gắn vào trục bánh trước hướng lên vị trí tay phải người sử dụng.
So với mức giá bình quân của một chiếc xe lăn tự động trên thị trường khoảng 15 triệu đồng thì chiếc xe lăn tự chế này chỉ khoảng 3 triệu đồng. Mức giá rẻ này là bởi những linh kiện chế tạo nên chiếc xe đều do các em tận dụng lại từ đồ phế liệu. Vì vậy chiếc xe này rất phù hợp với những gia đình kinh tế thấp.
Mới đây, Mạnh Hùng cũng đã nhận được một tổ chức đồng ý hỗ trợ sản xuất xe lăn hoàng loạt. Đây là tin vui không chỉ cho nhóm bạn trẻ tài năng này mà còn giúp không ít người khuyết tật kinh tế khó khăn có được chiếc xe lăn hỗ trợ trong cuộc sống.
Chủ nhân của chiếc xe lăn điện cũng cho hay, khó khăn lớn nhất khi làm sản phẩm này chính là tạo ra hệ thống vi mạch để vận hành chiếc xe làm sao để người khuyết tật có thể điều khiển được dễ dàng, an toàn nhất. Bên cạnh đó, bộ phần điều khiển hướng di chuyển chiếc xe hiện còn bị nặng, khó điều chỉnh. Nguyễn mạnh Hùng đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa sản phẩm mình để có thể tạo ra một sản phẩm ưng ý nhất, đưa vào sử dụng để giúp đỡ những người khuyết tật.
Sáng chế xe lăn điện của chàng sinh viên Quảng Bình đã được trao giải Nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Quảng Bình. Sắp tới Hùng cũng sẽ đưa sản phẩm của mình dự cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka 2017.
Trước đó, vào năm 2011, tại Quảng Trị, một cậu học trò cũng mua phế liệu làm xe lăn chạy bằng ắc quy cho người cha bị bại liệt. Đó là em Lê Văn Hóa (SN 1994, thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, Quảng Trị).
Nhờ vậy mà sức khỏe ông Lê Văn Hiếu (bố em Hóa) đã tiến triển rất tốt và ông cảm thấy hạnh phúc và yêu đời trên một chiếc giường đa năng - có thể xoa bóp chân, ghế ngả có thể ngồi và nằm; một chiếc xe lăn điều khiển bằng đầu để đi thăm bà con chòm xóm do chính con trai ông sáng tạo.
Sn phẩm của em đã đoạt giải Nhất lĩnh vực kỹ thuật, giải Ba toàn hội thi sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật quốc tế Intel Isef do Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức. Sáng chế này cũng mang về cho Hóa giải Ba hội thi Khoa học - Kỹ thuật học sinh Trung học Visef 2012. Em cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, Sở GD-ĐT Quảng Bình, Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam…
- Hải Dương: Sáng chế máy thái hành của lão nông chưa được đào tạo về cơ khí
- Chân dung anh Phạm Văn Hát, nông dân Hải Dương đưa sáng chế đi hơn 10 quốc gia
- Sáng chế 200 loại máy nông nghiệp: Từ bỏ đại học, chẳng cần cử nhân
Hương Mi