SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Sáng chế thiết yếu với tiêu chuẩn kỹ thuật (SEPs) và giao thoa với hệ thống tiêu chuẩn

08:16, 10/02/2021
(SHTT) - Hệ thống bảo hộ sáng chế và hệ thống tiêu chuẩn vận hành theo những cách thức và nguyên tắc khác nhau, mặc dù cùng mục tiêu thúc đẩy sự phát triển và phổ biến của khoa học - kỹ thuật.

Trong khoảng một thập kỷ gần đây, sự bảo hộ dành cho sáng chế thiết yếu với tiêu chuẩn kỹ thuật (SEPs) ngày càng làm gia tăng mâu thuẫn về lợi ích giữa chủ sở hữu sáng chế với người áp dụng tiêu chuẩn nói riêng và với lợi ích của ngành công nghiệp nói chung. Bài viết này giới thiệu về sáng chế thiết yếu với tiêu chuẩn, sự xung đột lợi ích của các chủ thể liên quan đến loại sáng chế này và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam.

different-types-of-patents

 

Giới thiệu

Theo Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), tiêu chuẩn là hệ thống các quy tắc về yêu cầu, đặc điểm kỹ thuật, hướng dẫn hoặc các đặc tính được sử dụng thống nhất để đảm bảo sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ nào đó đáp ứng được mục tiêu nhất định[1]. Tiêu chuẩn hóa tạo ra sự thống nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để các chủ thể của nền kinh tế hợp tác và hội nhập một cách sâu rộng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và của cả nền kinh tế. Ngày nay, tiêu chuẩn gần như hiện diện trong tất cả các sản phẩm, dịch vụ mà con người sử dụng, từ những vật dụng đơn giản như tờ giấy đến những công nghệ phức tạp như 4G, 5G…

Để gia tăng lợi ích của tiêu chuẩn kỹ thuật, quá trình tiêu chuẩn hóa đạt được hiệu quả tối ưu, thì tiêu chuẩn phải được xây dựng trên cơ sở các giải pháp hoặc các công nghệ tiên tiến, chất lượng. Trong khi đó, sáng chế được bảo hộ chính là những giải pháp kỹ thuật mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp; rất nhiều sáng chế mang tính đột phá, mang lại hiệu quả vượt kì vọng. Vì thế, việc sử dụng những giải pháp được bảo hộ sáng chế làm nội dung của tiêu chuẩn kỹ thuật đã trở thành xu hướng tất yếu. Những sáng chế này là bộ phận không thể thiếu được khi thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật và được gọi là SEPs (Standard Essential Patents).

92eca485b45e45001c4f

 

Trong thời gian gần đây, việc thiết lập tiêu chuẩn dựa trên sáng chế trở nên tương đối phổ biến, điển hình là trong lĩnh vực điện tử viễn thông và công nghệ thông tin. Theo thống kê của OEIDD[2], một tiêu chuẩn không chỉ bao gồm một vài sáng chế mà có thể hàng trăm đến hàng chục nghìn sáng chế; chẳng hạn, tiêu chuẩn ITU G.992 cho mạng ADSL (cung cấp dịch vụ internet đến nhà dân qua cáp điện thoại) có 229 tuyên bố sáng chế thiết yếu với tiêu chuẩn, tiêu chuẩn cho mạng viễn thông di động 3G do Viện Tiêu chuẩn viễn thông Châu Âu (ETSI) ban hành có 16.077 tuyên bố sáng chế thiết yếu với tiêu chuẩn[3]…

Xung đột lợi ích liên quan đến SEPs

Patent-1-e1472868991714

 

Hệ thống bảo hộ sáng chế vận hành theo cơ chế trao độc quyền cho chủ sở hữu sáng chế trong một thời hạn nhất định (20 năm đối với sáng chế được cấp bằng độc quyền sáng chế). Trong thời hạn này, chủ sở hữu sáng chế có quyền cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế của mình. Để được hưởng độc quyền, chủ sở hữu sáng chế phải bộc lộ hoàn toàn bản chất sáng chế cho toàn xã hội. Cơ chế trao độc quyền như vậy nhằm thúc đẩy động lực sáng tạo và đổi mới của các tổ chức/cá nhân, tạo ra những giải pháp kỹ thuật mới, hữu ích, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và nền kinh tế.

Trong khi đó, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành trên cơ sở tạo ra các quy tắc chung, thống nhất để phổ biến các chuẩn mực về kỹ thuật một cách rộng rãi cho công chúng. Lợi ích của hệ thống tiêu chuẩn chỉ thực sự phát huy khi có số lượng lớn các tổ chức/cá nhân áp dụng tiêu chuẩn, vì khi đó các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm/dịch vụ được chuẩn hóa, việc hợp tác và kết nối giữa các chủ thể trở nên dễ dàng hơn, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn có thể mở rộng trên toàn thế giới.

Như vậy, trong khi hệ thống sáng chế trao độc quyền sử dụng cho chủ sở hữu giải pháp kỹ thuật thì hệ thống tiêu chuẩn lại khuyến khích nhiều người cùng áp dụng tiêu chuẩn về giải pháp kỹ thuật. Khi hai hệ thống này tồn tại độc lập và riêng rẽ, sẽ không có bất cứ xung đột nào xảy ra; ngược lại, khi một giải pháp kỹ thuật nào đó là đối tượng điều chỉnh của cả hai hệ thống sẽ làm nảy sinh xung đột do sự khác biệt về cơ chế vận hành. Khi một tiêu chuẩn được thiết lập dựa trên SEPs, bất cứ ai muốn áp dụng tiêu chuẩn đó, phải sử dụng sáng chế được bảo hộ; trong khi đó, theo luật sáng chế, người thứ ba chỉ được phép sử dụng sáng chế khi được sự cho phép của chủ sở hữu.

Nghĩa là, nếu chủ sở hữu sáng chế không cho phép, người thứ ba sẽ không được sử dụng SEPs, do đó không thể áp dụng tiêu chuẩn, và vì vậy hạn chế số lượng người áp dụng tiêu chuẩn. Thậm chí, nếu doanh nghiệp vẫn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật khi không được phép của chủ sở hữu SEPs thì doanh nghiệp đó bị coi là xâm phạm độc quyền sáng chế và phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi sáng chế được sử dụng trong phạm vi tiêu chuẩn, chủ sở hữu sáng chế sẽ có vị thế thuận lợi, dễ dàng thao túng và lạm dụng độc quyền, gây ra các hậu quả hạn chế cạnh tranh và ngăn cản việc áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn. Do đó, sự tồn tại của SEPs có nguy cơ khiến cho mỗi hệ thống trở thành rào cản để hiện thực hóa lợi ích của hệ thống kia. Vì vậy, cần phải có cơ chế hài hòa lợi ích của chủ sở hữu sáng chế cũng như của xã hội liên quan đến tiêu chuẩn được thiết lập dựa trên SEPs.

Hài hòa hóa lợi ích liên quan đến SEPs

patent-concept-young-man-patent-concept-young-man-holding-his-hand-173050036

 

Hiện nay, để hài hòa hóa lợi ích giữa các chủ thể liên quan đến SEPs, các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn (SSOs) thường ban hành và áp dụng chính sách riêng của mình về sở hữu trí tuệ/sáng chế. Theo chính sách này, sáng chế chỉ được đưa vào tiêu chuẩn kỹ thuật khi chủ sở hữu sáng chế cam kết rằng tất cả những ai muốn áp dụng tiêu chuẩn đều được phép sử dụng sáng chế theo thỏa thuận (li-xăng) với các điều khoản công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử (FRAND), hoặc miễn phí (FRAND-RF hoặc FRAND-zero) mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào không tương thích với FRAND, chẳng hạn như hạn chế lĩnh vực, khu vực kinh doanh….  

Để thực hiện chính sách này, các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn phải áp dụng quy trình chặt chẽ, kéo dài từ khi bắt đầu xây dựng tiêu chuẩn đến khi ban hành tiêu chuẩn. Mặc dù chính sách sở hữu trí tuệ/sáng chế của mỗi tổ chức có thể khác nhau nhưng thường đề cập đến hai nội dung chính là bộc lộ thông tin và cam kết li-xăng sáng chế.

Về bộc lộ thông tin, thành viên của tổ chức thiết lập tiêu chuẩn hoặc người tham gia xây dựng tiêu chuẩn có nghĩa vụ thông báo cho tổ chức thiết lập tiêu chuẩn về sự tồn tại của sáng chế có thể trở thành thiết yếu đối với tiêu chuẩn đó (bao gồm cả đơn đăng ký bảo hộ sáng chế). Đa số tổ chức thiết lập tiêu chuẩn đều yêu cầu việc bộc lộ đó phải được thực hiện sớm nhất có thể trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn[4]. Tuy nhiên, thông tin được bộc lộ muộn hay sớm đều có những rủi ro riêng. Trong trường hợp thông tin được bộc lộ muộn, có thể sẽ phải sửa đổi hoặc hủy bỏ tiêu chuẩn vì chủ sở hữu không đồng ý cam kết li-xăng sáng chế theo các điều khoản FRAND hoặc RF; nếu thông tin được bộc lộ sớm thì độ chính xác của thông tin là không tuyệt đối, lý do là bản tiêu chuẩn cuối cùng được ban hành có thể khác rất nhiều so với những bản dự thảo đã được xây dựng và phạm vi bảo hộ của sáng chế được cấp bằng độc quyền có thể bị thu hẹp so với phạm vi ban đầu trong đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, do đó sáng chế ở giai đoạn đầu của quá trình xây dựng tiêu chuẩn có thể được coi là thiết yếu nhưng đến khi tiêu chuẩn được công bố, thì không còn là thiết yếu nữa. Tuy nhiên, những hạn chế của việc bộc lộ thông tin sớm dường như dễ dàng khắc phục hơn so với những hạn chế của bộc lộ muộn. Do đó, nguyên tắc bộc lộ thông tin sớm vẫn được các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn ưu tiên lựa chọn.

Về cam kết li-xăng sáng chế, hầu hết tổ chức thiết lập tiêu chuẩn đều ban hành mẫu cam kết, trong đó chủ sở hữu sáng chế có toàn quyền quyết định đồng ý hoặc từ chối cam kết li-xăng SEPs theo điều kiện FRAND hoặc RF[5]. Trong trường hợp chủ sở hữu từ chối cam kết li-xăng, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn có thể sẽ phải loại bỏ các nội dung thuộc phạm vi bảo hộ của sáng chế hoặc có thể phải hủy bỏ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại những tổ chức thiết lập tiêu chuẩn lớn như Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cho thấy, tỷ lệ từ chối cam kết li-xăng là rất hiếm[6].

Có thể nói cho đến nay, chính sách sở hữu trí tuệ/sáng chế nêu trên vẫn được coi là phương thức tối ưu để hài hòa hóa mối quan hệ lợi ích giữa các chủ thể liên quan đến SEPs. Mặc dù vẫn còn một số vấn đề chưa cải thiện được, phương thức này được áp dụng rộng rãi và không thể thiếu trong các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn, đặc biệt là các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn lớn trên thế giới. Vì thế, việc thiết lập chính sách sở hữu trí tuệ/sáng chế đáng tin cậy với cơ chế xử lý hiệu quả và các biện pháp tự vệ hạn chế việc lạm dụng độc quyền sáng chế vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của bất kỳ tổ chức thiết lập tiêu chuẩn nào.

Một số gợi ý chính sách cho Việt Nam

why-a-position-of-anti-patents-is-bad-for-business

 

Tại Việt Nam, đã có những tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở giải pháp kỹ thuật được bảo hộ sáng chế của người Việt Nam, hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài có sử dụng một vài/nhiều sáng chế được bảo hộ tại Việt Nam. Do đó, ở nước ta cũng đã bắt đầu xuất hiện những vấn đề như các nước phát triển trên thế giới đã từng gặp phải trước đây, đòi  hỏi cần có những giải pháp thích hợp nhằm ngăn ngừa xung đột lợi ích nảy sinh giữa chủ sở hữu SEPs và ngành công nghiệp áp dụng tiêu chuẩn.

Trước hết, cần nâng cao nhận thức của công chúng về sự tồn tại của SEPs. Trong đó, cơ quan quản lý về tiêu chuẩn cũng như các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về loại sáng chế này. Việc có nhận thức tốt sẽ giúp các doanh nghiệp tránh việc xâm phạm quyền sáng chế của người khác cũng như có hiểu biết về việc đàm phán li-xăng SEPs, đồng thời nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi áp dụng tiêu chuẩn dựa trên SEPs.

Hai là, các cơ quan quản lý/tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực sáng chế/tiêu chuẩn kỹ thuật cần xây dựng các công cụ hướng dẫn để hỗ trợ các tổ chức/cá nhân tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn chứa SEPs, cụ thể là hướng dẫn về cách thức tra cứu, xác định sự tồn tại của SEPs, kỹ năng đàm phán li-xăng SEPs, cách thức xử lý trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế không thực hiện đúng cam kết với tổ chức thiết lập tiêu chuẩn… Sự hỗ trợ này là rất hữu ích và thiết thực đối với rất nhiều tổ chức/cá nhân tại Việt Nam nhằm tránh được những rắc rối pháp lý và tổn thất kinh tế không đáng có.

Ba là, các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn tại Việt Nam cần xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ/sáng chế của riêng mình. Việc này nhằm đảm bảo không ban hành những tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng sáng chế mà chủ sở hữu không sẵn lòng cho phép người khác sử dụng với các điều khoản công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử, tránh việc chủ sở hữu lợi dụng độc quyền sáng chế gây hậu quả hạn chế cạnh tranh hoặc cản trở việc áp dụng tiêu chuẩn. Trong xu hướng đổi mới công nghệ ngày càng mạnh mẽ, số lượng sáng chế tại Việt Nam ngày càng gia tăng, việc xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ/sáng chế như trên là rất cần thiết.

ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng, TS. Nguyễn Hữu Cẩn

Viện Khoa học SHTT

Tài liệu tham khảo:

1.   ETSI (2020), ETSI Intellectual Property Rights Policy, ETSI Directives, Annex 6, 02 February 2020.

2. ITU (2014), Understanding patents, competition and standardization in an interconnected world, International Telecommunication Union Standardization Bureau, Geneva, Switzerland 2014.

3. ISO, ITU, IEC (2018), Guidelines for Implementation of the Common Patent Policy for ITU-T/ITU-R/ISO/IEC, Revision 3, effective 2 November 2018.

4. IEEE-SA Board of Governors (2020), IEEE-SA Standards Board Bylaws, The Institute of Electrical and Electronics Engineers, Inc., NewYork, USA 2020.

5. R. Bekkers et al. (2014), Selected quantitative studies of patents in standards, Hitotsubashi University (Tokyo), Institute of Innovation Research, PIE/CIS Working Paper 626, June 2014.

[1] Xem thêm: Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), What is a standard?, [Online], địa chỉ: http://www.iso.org/iso/home/standards. htm[2] Dự án Cơ sở dữ liệu quyền sở hữu trí tuệ thiết yếu mở (OEIDD) bắt đầu triển khai từ cuối năm 2010 do Rudi Bekkers (Đại học Công nghệ và Đối thoại Eindhoven, Utrecht, Hà Lan), Christian Catalini (Đại học Toronto), Arianna Martinelli (Trường Nghiên cứu cao cấp Sant'Anna, Pisa, Ý) và Timothy Simcoe (Đại học Boston và NBER) khởi xướng. Cơ sở dữ liệu này bao gồm tất cả các tuyên bố về SEPs của 13 tổ chức thiết lập tiêu chuẩn có liên quan nhất đến SEPs.[3] Xem thêm: R.Bekkers et al. (2014).[4] Xem thêm: ETSI (2020), ISO, ITU, IEC (2018), IEEE-SA Board of Governors (2020).[5] Xem thêm: ETSI (2020), ISO, ITU, IEC (2018), IEEE-SA Board of Governors (2020).[6] Xem thêm: ITU (2014).

Tin khác

Tài sản trí tuệ 17 giờ trước
(SHTT) - Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ thể trong nước. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy động lực sáng chế và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ cần sự đổi mới trong cách tiếp về sở hữu trí tuệ.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - LG Energy Solution (LGES), nhà sản xuất pin EV lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau CATL của Trung Quốc, mới đây đã có động thái nhằm cảnh báo hoặc thậm chí kiện những trường hợp nghi ngờ vi phạm bằng sáng chế của mình.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, tại Diễn đàn Khoa học và kinh tế toàn cầu 2024, tổ chức tại Dubai, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam đã nhận giải thưởng “Nhà sáng chế xuất sắc quốc tế - Nhà khoa học tài năng toàn cầu” và danh hiệu Viện sĩ Danh dự.
Tài sản trí tuệ 20 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ đã chính thức cấp cho Apple tổng cộng 46 bằng sáng chế. Nổi bật nhất trong số đó là sản phẩm kính thông minh.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.