Sáng chế robot phát thuốc, học sinh Việt giành Huy chương vàng quốc tế
Một tuần sau khi về nước từ Triển lãm quốc tế về sáng kiến, sáng chế (ITEX) tại Kuala Lumpur (Malaysia), Tống Duy Hải và Trần Phương Lam (học sinh lớp 11A3, trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) vẫn không quên cảm giác được gọi tên lên bục nhận huy chương vàng, rồi lại trở thành một trong số ít nhóm giành giải thưởng Best Invention (Sáng chế tốt nhất) và Best Young Inventor (Nhà sáng chế trẻ tốt nhất) cho dự án Robot hỗ trợ trong bệnh viện.
Hai bạn còn đạt thêm giải phụ Special Gold Medal (Huy chương vàng đặc biệt) từ tổ chức Highly Innovative Unique Foundation của Saudi Arabia cho dự án.
Trước khi đăng ký tham dự triển lãm quốc tế với hơn 1.000 nhóm đến từ khoảng 20 quốc gia, Hải và Lam đã mang sáng chế robot hỗ trợ trong bệnh viện tới cuộc thi Khoa học kỹ thuật trong nước. Trải qua nhiều vòng thi, các bạn nhận được giải nhì toàn quốc.
Hải và Lam có ý tưởng sáng tạo robot vào tháng 5/2018, sau khi bày tỏ mong muốn tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật với thầy cô. Ban đầu, các bạn được gợi ý chủ đề rộng như tạo ra sản phẩm giúp giải quyết lũ lụt, chăm sóc sức khỏe hoặc an toàn thực phẩm. Cuối cùng hai bạn quyết định chọn lĩnh vực y tế.
Nhận thấy Việt Nam chỉ có khoảng 1,3 y tá trên một nghìn dân, công việc của y tá lại nặng nề, áp lực trong khi Việt Nam chưa có một dự án nào để giải quyết vấn đề này, hai em quyết định tìm giải pháp. "Ngay từ đầu, chúng mình không nghĩ tới những gì lớn lao mà chỉ nghĩ thiết kế một thiết bị đơn giản, có thể hỗ trợ y tá một phần nhỏ công việc hàng ngày như cấp phát thuốc tới bệnh nhân. Việc này tưởng chừng nhỏ nhưng đòi hỏi thời gian và độ chính xác cao", Hải chia sẻ.
Sau quá trình tìm hiểu, thấy Thái Lan có robot y tá giúp chuyển hồ sơ, tài liệu giữa các văn phòng trong bệnh viện, hay Nhật Bản có robot di chuyển tới một số khu vực đặc biệt để cung cấp dịch truyền tĩnh mạch, các mẫu xét nghiệm và một số vật liệu y tế, Hải và Lam cũng nghĩ tới một robot sẽ chạy khắp các phòng bệnh để phát thuốc cho bệnh nhân thay y tá.
Lam cho biết dưới sự hỗ trợ của một thầy giáo ở Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), em và Hải đã sáng tạo ra mô hình robot đơn giản để dự thi cấp cụm (gồm hai quận) rồi thi thành phố. Sau đó, các bạn có một số cải tiến để dự thi cấp quốc gia và đạt giải nhì hồi tháng 3.
Robot của hai bạn được trang bị thiết bị dò đường sử dụng cảm biến quang học, tích hợp cảm biến tiệm cận giúp nó có thể dò đường trong bệnh viện theo ký hiệu, biết dừng lại trước các phòng bệnh và dừng lại khi có vật cản. Một camera được lắp giúp người ở trung tâm điều khiến theo dõi lộ trình di chuyển của robot đồng thời điều khiển bằng tay từ xa khi thấy nó gặp vật cản.
Robot cũng có các ngăn với số thuốc tương ứng cho bệnh nhân. Người bệnh điều trị sẽ được cấp một mã QR. Trước khi lấy thuốc, họ chỉ cần đến gần robot, quét mã QR và robot sẽ đưa thuốc ra theo đúng địa chỉ. Ngoài ra, robot còn được trang bị trạm sạc điện không dây sử dụng năng lượng mặt trời giúp nó có thể tự động sạc điện sau khi kết thúc công việc.
Robot phát thuốc mang lại cho hai học sinh trường THPT Yên Hòa nhiều thành tích, nhưng cũng khiến các bạn gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian học tập và nghiên cứu. Thậm chí, các bạn phải nghỉ một số buổi học hay chấp nhận điểm kiểm tra không cao. Cả hai chấp nhận chọn đánh đổi để được sống với niềm đam mê sáng chế, được giao lưu với bạn bè khắp năm châu.
Thầy Hoàng Việt Hưng, giáo viên Vật lý trường THPT Yên Hòa, người hướng dẫn Lam và Hải, cho biết nhà trường đã tạo điều kiện giúp các bạn tham gia nghiên cứu khoa học và đi thi quốc tế bằng cách cho thi và kiểm tra sau so với các bạn hay hỗ trợ tối đa về cơ sở vật chất. Tất nhiên, thầy cô vẫn yêu cầu hai bạn phải hoàn thành mục tiêu của môn học tại trường.
"Khi Hải và Lam được giải nhì quốc gia và gần đây nhất là huy chương vàng tại Malaysia, tôi cũng như các thầy cô rất vui mừng. Dù vừa phải nghiên cứu và học tập, hai em vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại trường", thầy Hưng nói.
Hiện robot phát thuốc của Hải và Lam mới được thiết kế dưới dạng thử nghiệm, di chuyển trong không gian nhỏ. "Để tạo ra một chú robot thực thụ, có thể sử dụng trong bệnh viện, chúng mình cần nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, chúng mình cũng cần sự hướng dẫn, trợ giúp và đồng hành của những người thực sự quan tâm, có khả năng giúp phát triển sản phẩm này", Lam nói.
Hai bạn mong muốn có thể nghiên cứu thêm về khả năng tích hợp hệ thống thu gom rác thải y tế, tương tác trực tiếp với bệnh nhân hay tích hợp phát triển trợ lý tương tác ảo để giao tiếp với người bệnh trong những tình huống đơn giản.
Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ thế giới (WYIE) nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về sáng kiến, sáng chế (ITEX), được Malaysia đăng cai tổ chức trong ba ngày, từ ngày 2 đến 4/5.
Đây là sự kiện thường niên giới thiệu những sáng chế xuất sắc của thanh thiếu niên các nước nhằm tạo điều kiện để những học sinh đam mê nghiên cứu khoa học, công nghệ và có năng lực sáng tạo phát triển, trở thành những nhà sáng chế trong tương lai.
Hội đồng giám khảo quốc tế bao gồm các giáo sư, nhà khoa học của các nước tham dự. Triển lãm lựa chọn những sáng chế trao giải theo các tiêu chí của cuộc thi đặt ra là: tính mới, sáng tạo, khả năng ứng dụng cao vào sản xuất và đời sống.
Theo VnExpress