Sáng chế hữu ích: Nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã trao giải cuộc thi Demo Day 2020. Đây là “sân chơi” để sinh viên kỹ thuật chứng minh tiềm năng của các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các ý tưởng và các mô hình kinh doanh... cũng như cách để phát triển dự án đó trước hội đồng chuyên môn và các nhà đầu tư.
Năm nay, Demo Day thu hút 20 đội thi là sinh viên của 7 trường đại học: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương mại, Học viện Ngân hàng và Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên).
Trong 8 dự án vào vòng chung kết, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất (dự án máy Nitơ BK), 1 giải Nhì (dự án nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị) và một giải Ba (dự án túi thơm từ bã chè TEA-TEA). Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 2 giải phụ cho đội thuyết trình ấn tượng (dự án gạch bê tông rỗng thoát nước) và đội thực thi xuất sắc (dự án ứng dụng gợi ý đồ ăn).
Chia sẻ về dự án nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị, sinh viên Lương Xuân Đức, Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng Dự án cho hay sản phẩm nước tưới Humic phù hợp cho cây trồng trong nhà và với các gia đình có nhu cầu trồng cây, rau xanh trên ban công, sân thượng. Năm 2017, gia đình anh cũng khởi nghiệp một dự án cây cảnh, nhưng hầu hết số cây đều chết do thiếu dinh dưỡng. Thất bại này đã thôi thúc anh cùng sinh viên Nguyễn Thành Đạt (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) lên ý tưởng cho một sản phẩm có thể giải quyết những vấn đề nan giải của cây trồng trong đô thị.
“Humic Lười là sản phẩm thú vị nhất của chúng tôi. Người dùng chỉ việc pha loãng sản phẩm với nước theo tỷ lệ 1:20 rồi tưới trực tiếp lên cây trồng là gần như đủ dinh dưỡng cho mọi loại cây. Đối với nhóm cây đang chịu tổn thương như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, tổn thương khi di dời, ngộ độc…, thì dùng Fresh Humic. Nó bao hàm toàn bộ những tính chất quý báu và hơn 70 khoáng chất để kích thích sự tự phục hồi của cây trồng. Ngoài ra còn có sản phẩm mùn bã cải tạo đất trồng có thể thay thế phân bón lót, hoặc bổ sung trực tiếp cho vùng đất bị chai lì, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật...”, anh Nguyễn Thành Đạt thông tin.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bích Thủy, phụ trách Phòng thí nghiệm sáng tạo và khởi nghiệp chuyển đổi (D-Lab), Viện Kỹ thuật Hóa học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đánh giá: “Ý tưởng về Dự án "Nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị" được Ban Giám khảo cuộc thi dành cho sinh viên kỹ thuật khởi nghiệp (Demo Day Bách khoa 2020) đánh giá cao về tính sáng tạo, tính khả thi và mô hình kinh doanh. Sau cuộc thi này, các sinh viên được trang bị thêm kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về khởi nghiệp để tự tin hơn với những dự án trong tương lai”.
Hà Châu