Sáng chế bảo vệ môi trường: Giấy chống thấm từ bã mía của 2 nữ sinh trường làng
"Ô nhiễm trắng" là cụm từ về một loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường. Tác hại của chất thải này ai cũng biết, nhưng để có thể sửa đổi thói quen sử dụng túi ni lông thì vấn đề mấu chốt là sản phẩm thay thế túi nilong. Với suy nghĩ đó, hai học sinh Mai Cao Kỳ Duyên và Ngô Thị Diễm Thúy - Học sinh trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) đã nghiên cứu, sáng chế ra sản phẩm thay thế những vật dụng bằng nhựa, nilông từ những nguyên liệu bỏ đi.
Để sáng chế thành công giấy chống thấm từ bã mía, Duyên và Thúy phải mất gần 1 năm trời nghiên cứu cùng rất nhiều lần thử nghiệm thất bại. Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, kết quả cuối cùng là các em đã sáng tạo nên loại giấy hữu dụng có thể làm túi giấy, ly giấy, hộp giấy đựng các vật dụng, thực phẩm, thức ăn và hoàn toàn có thể thay thế cho hộp nhựa, túi nilon mà ít ai ngờ đến.
Chia sẻ trên CAND, Duyên chia sẻ: “Khi biết được bã mía có chứa cellulose, là nguyên liệu có thể làm được giấy nên sau những buổi tan học, chúng em thường đạp xe đến các cửa hàng bán nước mía để xin bã mía. Có được nguyên liệu, em đem bã mía sấy khô, rồi làm tan lượng đường còn lại trong bã, tiếp đó xay nhuyễn bã mía để tạo ra bột giấy phục vụ cho công đoạn làm giấy”.
Làm ra giấy từ bã mía song hai nữ sinh không hài lòng vì giấy không khác gì so với giấy thông thường bán ngoài thị trường. Hai nữ sinh muốn giấy làm ra phải chống thấm để thay thế túi nylon, ly nhựa, đang là nỗi lo của toàn cầu. Tìm hiểu trên Internet, hai nữ sinh biết được quy trình làm hỗn hợp chitosan từ vỏ cua, vỏ tôm nên bắt tay nghiên cứu. Hai em tìm đến các nhà hàng xin vỏ tôm về thí nghiệm. Nhiều lần thí nghiệm, có lần nấu cháy tinh bột không ra dung dịch đặc dẻo vừa ý, cuối cùng hai em thu được chitosan. Cả hai đúc rút kinh nghiệm vỏ tôm đem về phải làm sạch, nấu 12 tiếng mới tạo ra chitin để điều chế chitosan.
Công đoạn khử màu bột bã mía được cho là khó nhất. Ban đầu, hai em dùng javen và clo, song chúng độc hại với con người; sau thấy H202 (oxy già) tác dụng tốt và không độc hại khi để lâu ngày. Sau khi tạo ra được giấy không thấm nước từ bã mía, vỏ tôm, Duyên và Thúy đã sử dụng giấy sản xuất ra các loại ly giấy, túi giấy.
Nếu một chiếc túi nilon phải mất 20-500 năm mới phân hủy ở môi trường tự nhiên thì túi làm từ giấy bã mía chống thấm chỉ mất từ 15-30 ngày.
Với tính năng ưu việt, đề tài nghiên cứu của Duyên và Thúy đã giành được giải nhất cuộc thi Khoa học Kỹ thuật - Intel ViSEF dành cho học sinh trung học toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế năm học 2018 – 2019 và lọt vào 6 đề tài xuất sắc của tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn để tham gia cuộc thi cấp quốc gia được tổ chức vào trung tuần tháng 3/2019.
Vân Hà
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Địa chỉ in túi giấy giá rẻ Hà Nội
- Mách bạn In túi đựng trái cây rẻ, đẹp tại Hà Nội
- Dịch vụ hút hầm cầu Giá rẻ