Samsung ra mắt sáng chế mới ngăn chặn hiện tượng 'burn-in' trên điện thoại
Trước đây, Apple đã từng thừa nhận hiện tượng burn-in có thể xảy ra đối với màn hình OLED của iPhone hoặc các thiết bị điện thoại khác nếu được sử dụng trong thời gian này. “Burn-in” hay còn gọi là hiện tượng “bóng ma” sẽ xảy ra khi màn hình thiết bị chỉ hiển thị một hình ảnh tĩnh trong một thời gian dài thì các hình ảnh này sẽ bị lưu giữ thành một bóng mờ chèn lên các nội dung hiển thị khác.
Các mẫu iPhone gần đây của Apple đã được trang bị màn hình Super Retina và Super Retina XDR để ngăn chặn hiện tượng "burn-in" xảy ra trên màn hình OLED. Thiết kế này sử dụng các thuật toán đặc biệt, theo dõi việc sử dụng của từng điểm ảnh (pixel) để hiển thị dữ liệu hiệu chuẩn. iPhone sẽ sử dụng dữ liệu đó để tự động điều chỉnh mức độ sáng cho từng điểm ảnh khi cần để hạn chế tối đa hiện tượng "burn-in" và duy trì sự ổn định khi xem.
Ngoài ra, các mẫu điện thoại của Apple đều được trang bị tính năng tự động giảm độ sáng để "ẩn" hiện tượng burn-in xảy ra trên điện thoại. Vì vậy, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ vụ kiện nào được đưa lên vì về vấn đề này.
Tuy nhiên, trong tương lai, vấn đề burn-in có thể sẽ xảy ra với tần suất cao hơn nếu sử dụng liên tục một tính năng nào đó, chẳng hạn như việc sử dụng Touch ID để mở khóa màn hình iPhone.
Để giải quyết hiện tượng 'bóng mà' này, mới đây, Samsung đã tiết lộ một bằng sáng chế có tiêu đề "Thiết bị điện tử để ngăn chặn tình trạng cháy màn hình" với nội dung cụ thể như sau:
"Cảm biến vân tay có thể lấy thông tin vân tay dựa trên ánh sáng từ màn hình. Cụ thể, khi cảm biến phát hiện ngón tay, màn hình smartphone sẽ chiếu sáng vào ngón tay và cảm biến sẽ quét vân tay trên ngón đó. Tiếp theo, một bộ phận so sánh dữ liệu hình ảnh sẽ xác nhận hình ảnh quét được và cho phép mở khoá màn hình nếu dữ liệu vân tay chính xác. Tuy nhiên, khi hoạt động lấy thông tin dấu vân tay được lặp đi lặp lại, hiện tượng burn-in có thể xảy ra. Hiện tượng burn-in xảy ra tại khu vực cảm biến vân tay sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với khu vực khác của màn hình".
Trong hình ảnh FIG.1 của bằng sáng chế, Samsung đã chỉ ra rằng màn hình 120Hz có thể điều chỉnh độ sáng của khu vực cảm biến vân tay hay còn được gọi là" vùng cảm biến vân tay 120S ". Màn hình này cho độ sáng của vùng cảm biến vân tay tăng dần theo tỷ lệ thời gian mà ngón tay của người dùng tiếp xúc với khu vực cảm biến vân tay.
Khi ngón tay của người dùng tiếp xúc với khu vực cảm biến vân tay trên màn hình 120Hz, màn hình có thể điều khiển vùng cảm biến vân tay 120S để phát ra ánh sáng với độ rọi lên tới 300 Lux. Nếu vùng cảm biến vân tay 120S phát ra ánh sáng với độ rọi 300 Lux vẫn không nhận được dấu vấn tay thì màn hình có thể tăng dần độ sáng của vùng cảm biến đến khi nhận được thông tin.
Về mặt kỹ thuật, bảng hiển thị được đặt bên trong vỏ điện thoại, gồm nhiều pixel trên đó, 2 bảng mạch in được đặt giữa bảng hiển thị và mặt lưng. Cảm biến vân tay được đặt trên bảng mạch in đầu tiên để lấy thông tin dấu vân tay của người dùng dựa trên ánh sáng phản chiếu từ ngón tay. Một lớp kính và bộ xử lý được thiết kế ở bảng mạch in thứ hai để có thể điều chỉnh độ sáng của các pixel đặt ở khu vực cảm biến vân tay. Khi người dùng chạm ngón tay vào khu vực cảm biến, các pixel nhóm thứ nhất sẽ phát ra ánh sáng với độ sáng tăng dần cho đến khi bộ xử lý thông tin có thể lấy thông tin dấu vân tay của người dùng.
Xét đến việc Samsung là nhà cung cấp màn hình OLED cho iPhone của Apple thì công nghệ ngăn chặn tình trạng burn-in này có thể sẽ được trang bị trên phiên bản iPhone mới nhất trong thời gian sắp tới. Với công nghệ mới của Samsung, người dùng có thể mở khóa bằng vân tay hàng nghìn lần mà không cần lo về sự xuất hiện của burn-in tại khu vực cảm biến vân tay trên điện thoại.
Tuy nhiên, nếu Samsung quyết định nộp bằng sáng chế khắc phục hiện tượng burn-in dành riêng cho dòng điện thoại Galaxy có cảm biến vân tay dưới màn hình mà không cung cấp cho bên thứ ba thì Apple sẽ cần có hướng đi mới để khắc phục tình trạng này trên iPhone.
Kim Anh