SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 24/03/2024
  • Click để copy

Sài Gòn đẹp lắm!

11:31, 09/05/2022
Sài Gòn mình đẹp lắm! Thơ mộng lắm và ngày càng giàu có. Người xa xứ khi về thăm lại Sài Gòn đều có ấn tượng về sự đổi thay mạnh mẽ trong kiến trúc đô thị. Nhiều tòa cao ốc mọc lên đa dạng về kiểu dáng, phong phú về kiến trúc như tô điểm cho ‘hòn ngọc viễn đông” thêm lộng lẫy.

Cao ốc lên ngôi

Quãng 15 năm trước, có thể nói là thời của cao ốc. Người ta liên tục ‘bơm” tiền vào ‘con gà đẻ trứng vàng này”. Tập đoàn Tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield (Mỹ) thống kê, Việt Nam đứng thứ 20 thế giới trong các quốc gia có giá văn phòng cho thuê đắt nhất. Có thể, vì giá văn phòng cho thuê của năm 2006- 2007- 2008 liên tục tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào xây dựng cao ốc cho thuê.

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, khu trung tâm mở rộng có diện tích khoảng 930 hecta, được giới hạn bởi đường Nguyễn Hữu Cảnh - Rạch Thị Nghè (phía Bắc); đường Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám (phía Tây); đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - Vĩnh Phước - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành (phía Nam); sông Sài Gòn (phía Đông). Trung tâm mở rộng của TPHCM được chia thành 5 vùng đặc thù với các chỉ tiêu phát triển kinh tế kỹ thuật, cải tạo đô thị khác nhau.

Nhìn lại diễn biến từ năm 2007 đến nay mới thấy sức hút của cao ốc văn phòng cho thuê. Còn hiện nay, dù tình hình kinh tế đang rơi vào cảnh khó khăn, nhưng giá thuê cũng rất cao, chứ không thể hạ xuống, còn không thì để trống. Chính sự thành công này mà ngành ngân hàng luôn ưu ái cho vay xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê, mặc dù NH đang bị bắt buộc phải thắt chặt cho vay đầu tư bất động sản, nhằm giảm rủi ro do nợ xấu và ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát theo mục tiêu đề ra của NHNN.

Nhiều chuyên gia dự báo rằng, thị trường văn phòng cho thuê tại Sài Gòn trong năm 2022 và vài năm nữa sẽ tiếp tục nóng, mặc dù đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm ngoái và đầu năm nay chưa có dấu hiệu hồi phục, do dịch Covis-19 kéo dài. Có 2 xu hướng giải thích hiện tượng này: Hầu hết các công ty nước ngoài khi vào Việt Nam đều chọn đặt văn phòng trong các cao ốc vì dễ quản lý cũng như có đầy đủ các dịch vụ cơ bản.

1 (3)

 Tòa nhà Landmark 81 –Bình Thạnh TPHCM cao nhất nước.

Ngoài ra, trong vòng 2 năm trở lại đây các công ty Việt Nam có tiềm lực về tài chính, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, cũng thích vào cao ốc hơn là thuê nhà phố làm trụ sở để hưởng dịch vụ tốt hơn và để nâng cao hình ảnh, thương hiệu của mình trước đối tác. Sau tháp đôi Vincom Center (một thời ầm ĩ bởi việc chiếm không gian công viên Chi Lăng), tòa nhà hình búp hoa sen Bitexco Financial Tower khánh thành vào năm 2010 (68 tầng là toà nhà cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ có một sân bay trực thăng ở tầng 50 và có thể được nhìn thấy từ khắp mọi phía của TP.HCM), cuối năm 2011 tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Times Square và cao ốc Sài Gòn M&C cũng đã được đưa vào hoạt động. Times Square tọa lạc tại phường Bến Nghé (quận 1), có vị trí rất đắc địa vì nằm ngay góc hai trục đường lớn là Đồng Khởi và Nguyễn Huệ, rất gần UBND TP. Tổng thể công trình là hai khối tháp 36 tầng, cách nhau 21 mét và có chung một khối bệ 6 tầng, chiều cao lên đến gần 165m.

1 (1)

Đường Hoàng Sa-Trường Sa ngày nay.

Tuy nhiên, năm 2018, The Landmark 81 được biết đến là tòa nhà cao nhất Việt Nam. Người dân có thể dễ dàng đến với The Landmark 81 bằng đường bộ thông qua các trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Xa lộ Hà Nội,.. đường sắt trên cao thông qua tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, hay thậm chí là bằng đường thủy với du thuyền The Marina chạy dọc sông Sài Gòn thơ mộng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết nhiệm vụ quan trọng mà thành phố sẽ thực hiện ngay cuối tháng 4/2022 là nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số.

Hai nhóm đối tượng được hỗ trợ hướng đến là doanh nghiệp công nghệ thông tin và doanh nghiệp muốn áp dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi. Hiện nay thành phố vẫn ở trong bối cảnh chờ cuộc cách mạng để thực hiện chuyển đổi số. Thành phố cần yêu cầu các đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng ít nhất 30% ngân sách của quỹ khoa học – công nghệ để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Ngoài ra, cần phải đặt tiêu chí chuyển đổi số cho nhiều lĩnh vực khác nhau và có sự tương tác với người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn như trước khi hoàn công xây dựng thì có thể nộp hồ sơ số để tiết kiệm và cơ quan quản lý có ngay dữ liệu để quản lý, hay các xã phường phải ứng dụng công nghệ thông tin. Thậm chí, các dự án sử dụng vốn kích cầu phải đảm bảo ứng dụng công nghệ như một điều kiện cho vay, sẽ hiệu quả hơn nhiều lần.

Bên cạnh đó, thành phố cần phải có cơ chế đột phá, dẫn dắt và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái chuyển đổi chung, kích cầu cho doanh nghiệp chuyển đổi số, cho phép sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ và hỗ trợ một phần kinh phí để thúc đẩy chuyển đổi số. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết 4 nhiệm vụ quan trọng còn lại sẽ là chiến lược nguồn nhân lực, chiến lược đảm bảo an ninh an toàn thông tin, chiến lược dữ liệu, xây dựng “trung tâm công nghệ số – digital hub”.

Ông Mãi cũng đề xuất thành phố có thể thành lập một diễn đàn số và trao đổi thường xuyên về câu chuyện chuyển đổi số với doanh nghiệp.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, cho biết thành phố hiện nay đang thực hiện nhiều giải pháp trong chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, với 3 lĩnh vực trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Có 5 nhóm giải pháp lớn là đổi mới và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, phát triển nguồn nhân lực và an toàn thông tin. Mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số chiếm tỷ trọng khoảng 25% GRDP của TP.HCM và tăng lên mức 40% vào năm 2030. Năm 2022, kế hoạch đặt ra là đóng góp khoảng 15%. Theo ước tính sơ bộ của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), quy mô nền kinh tế số TP.HCM năm 2021 chiếm khoảng 14,4%.

Landmark 81 được lấy cảm hứng từ “lũy tre bất khuất’’ - một trong những biểu tượng linh hồn của đất Việt với đỉnh cao chót vót, vươn tới mây xanh. Thông qua biểu tượng này, tập đoàn Vingroup còn muốn gửi gắm thông điệp khao khát vươn tầm thế giới, sánh bước ngang vai với bạn bè quốc tế của người Việt Nam.

Hiện nay, cao ốc thì vẫn tiếp tục thực hiện, nhưng dòng tiền bị siết, cùng những đại gia bất động sản vừa mới vào lò, cũng làm cho nhiều dự án cao ốc chậm tiến độ hoặc sự phê duyệt bị chậm trễ đi rất nhiều.

1 (1)

Cầu Thủ Thiêm 2 nối Quận 1 và TP. Thủ Đức.

Khoác màu áo mới

Nhiều người xa xứ khi về thăm lại Sài Gòn đã than thở: Sài Gòn bây giờ đã bị các cao ốc vây chặt. Nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên, mỗi lúc giờ cao điểm. Bây giờ mới thấy những người yêu Sài Gòn đã rất có lý khi quyết liệt với dự án đưa Thương xá Tax trở thành cao ốc. Đây là một vị trí rất đắc địa, nằm trong tổng thể kiến trúc của khu trung tâm vốn rất hài hòa. Nhiều người cho rằng, cao ốc sẽ biến đường phố thành đường hẻm. Thực tế xảy ra ở đường Lê Thánh Tôn quận 1. Khi cao ốc 22 tầng The Lancaster (22-22bis Lê Thánh Tôn) nằm cạnh cụm cao ốc Sky Garden được đưa vào sử dụng, lượng ô tô ra vào khu vực này khá đông, khiến đoạn đường này trở nên chật chội và liên tục bị kẹt xe.

Đó là chưa nói đến chuyện hầu hết các cao ốc đều không đủ diện tích đậu xe, đã để xe trên vỉa hè, tràn ra lòng đường gây mất trật tự giao thông. Chuyện các cao ốc bên trong thành phố góp phần cho việc ách tắc giao thông là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy. Nhưng tại sao vẫn có nhiều dự án cao ốc mọc lên ngay khu vực trung tâm Sài Gòn? Phải chăng bộ phận quy hoạch cũng biết rất rõ như đại bộ phận dân chúng, nhưng vẫn cho qua vì mục tiêu tăng trưởng mà đây đó chúng ta vẫn thường nghe giải thích? Theo quy hoạch phát triển, yếu tố đầu tiên trong ngành này là phải tính tỷ lệ diện tích mặt bằng, từ đó có con số chỗ đậu xe cần phải có. Đó là chưa kể đến các yếu tố xanh, sạch, an toàn...

Tôi có nhiều ngày ngồi tán gẫu với những người bạn Việt kiều Sài Gòn. Họ rất vui khi thành phố ngày càng phát triển. Những con đường và đô thị ngày càng mở ra, rộng về khắp hướng. Họ ấn tượng nhất là việc hình thành nên đại lộ Nguyễn Văn Linh, đã đánh thức vùng đất đầm lầy 2.600 ha của thành phố trở thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng sầm uất, tạo đà phát triển cho cả vùng Nam Sài Gòn. Chúng tôi đem vấn đề cao ốc ra bàn luận, câu chuyện trở nên rôm rả hơn và nghe được nhiều ý kiến khác nhau. Các anh cho rằng, sự hình thành những cao ốc tại khu vực Mã Lạng và khu phố nằm giữa hai con đường Cô Bắc và Cô Giang, đã bóc cả một khu dân cư lụp xụp, để thay vào đó là một khu dân cư hiện đại hơn, tạo cho thành phố thêm phần tươi sắc. Vài người còn triết lý rằng, việc phát triển nào cũng gắn liền với thách thức. Do vậy, chúng ta cần chấp nhận sự thật dù có cay đắng là không còn giữ được cảnh quan và kiến trúc truyền thống của trung tâm thành phố nữa. Với những tòa nhà cao tầng, rõ ràng đã tạo cho thành phố một bộ mặt hoành tráng, hiện đại, bề thế và sôi động hơn.

Screenshot_2

 Khu công nghệ cao TP. Thủ Đức hướng đến thung lũng Silicon của Việt Nam.

Thế nhưng, nếu nhìn trong bối cảnh của Việt Nam, tôi cho rằng Sài Gòn có sự phát triển nổi bật, và đang theo hướng hiện đại.

Tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng ngạc nhiên trước việc giải tỏa toàn bộ lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để làm đường Hoàng Sa và Trường Sa, làm lột xác hoàn toàn hình ảnh của tất cả những nhà lụp xụp trên kênh rạch tồn tại nhiều thập kỷ.

Ngoài ra, liên quan đến chỉnh trang đô thị là Đại lộ Đông Tây. Khi đó phải giải tỏa hơn 10 nghìn căn dọc theo bến Chương Dương, Hàm Tử. Rồi chỉnh trang quận 4. Năm 1993 trở về trước, nói về quận 4 ai cũng nói ở đấy tập trung những nhà lụp xụp, toàn dân dao búa (nơi lập nghiệp của Bố già Năm Cam), nên không dám đụng tới. Nếu đến nơi này hồi năm 1993, thì nếu có cháy nhà, xe cứu hỏa cũng chịu không vào được. Nhưng sự nỗ lực của quận 4 đã làm thay đổi diện mạo của nó, và bây giờ nó gần như quận Nhất.

Ấn tượng tiếp theo là việc phát triển những khu đô thị mới. Quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 trước đây gọi là quận bưng, tức là vùng bưng sáu xã. Bây giờ đã mọc lên nhiều khu đô thị sang trọng, khu công nghiệp, mới đây, thành phố Thủ Đức trong thành phố HCM được tạo nhiều điều kiện đặc thù cho thành phố thông minh, kỳ vọng cho sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Huy Anh

Tin khác

Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Ngày 21/3/2024, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin tổ chức hội nghị “Nền tảng hợp đồng điện tử và các giải pháp nâng cao chỉ số doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử”.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Chính phủ Ả Rập Xê Út đang lên kế hoạch tạo vốn khoảng 40 tỷ đô la để đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), tiềm năng trở thành nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sôi động này.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn thành phố không được thu tiền giữ chỗ của phụ huynh.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Ngày 22/3 vừa qua, Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024) và Tuyên dương 70 cán bộ Đoàn Thủ đô tiêu biểu năm 2023.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Liên danh 3 nhà thầu trúng gói thầu số 12 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Trung tâm Văn hoá thể thao huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.