Sách giáo khoa không bản quyền: Hệ lụy nguy hiểm cho nền giáo dục
Trên thực tế, hoạt động in lậu, in nhái, tàng trữ và tiêu thụ xuất bản phẩm in lậu, in nhái đã và đang là vấn đề nhức nhối, trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Cho đến thời gần đây, tình trạng này có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Đáng báo động là trong số những xuất bản phẩm bị làm giả, làm nhái có cả xuất bản phẩm phục vụ dạy và học trong nhà trường phổ thông như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, bản đồ – tranh ảnh giáo dục, đĩa CD nghe nhìn giáo dục… (xuất bản phẩm giáo dục).
Với sản lượng chiếm tới hơn 70% sản lượng ngành xuất bản, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị xuất bản phần lớn xuất bản phẩm giáo dục hiện nay, và cũng chính xuất bản phẩm giáo dục của đơn vị này bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn và cả mức độ công khai.
Không ít người vẫn quan niệm rằng, sách lậu, sách giả chỉ gây thiệt hại kinh tế đối với các nhà làm sách chân chính và tác giả cuốn sách, chứ không gây tổn hại đến độc giả. Thậm chí một bộ phận người đọc còn cho rằng mình có lợi vì mua được sách giá rẻ. Tuy nhiên theo phân tích của nhiều chuyên gia thì sự nguy hiểm của sách giả, sách lậu là rất rõ ràng. Nó triệt tiêu sự sáng tạo, làm sai lệch thông tin từ đó gây ra những tác động xấu đến xã hội.
Nghiêm trọng hơn là sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng. Người quen đọc sách giả cũng dần quen với sự kém chất lượng, vô tình tự hạ thấp thẩm mỹ lẫn cảm quan thưởng thức của bản thân. Bên cạnh đó, chính tâm lý ham rẻ đã dần tạo ra thói qquen mà coi thường chất xám, coi thường công sức của người viết sách và làm ra sách. Chưa kể, những lỗi sai về nội dung, chính tả sẽ phần nào làm sai lệch về nhận thức.
Theo ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, việc sử dụng sách giáo dục giả sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nguy hại. Trước hết, việc sản xuất và tiêu thụ sách giả nói chung và sách giáo dục giả nói riêng là hành vi xâm hại trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, của các đơn vị xuất bản, làm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất – kinh doanh, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, việc sử dụng sách giáo dục làm giả, làm nhái không bảo đảm về nội dung chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Cụ thể, sách giáo dục giả có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, bị thiếu dữ liệu hoặc không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức tiếp nhận của học sinh, là điều đáng lo ngại nhất.
Sách giáo dục giả có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không bảo đảm quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất của học sinh, đặc biệt là ảnh hưởng tới thị lực.
Trong trường hợp sử dụng sách giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập trang dữ liệu online và không sử dụng được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh trong học tập. Điều này cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập, rèn luyện tiếp thu kiến thức của học sinh.
Bà Mai Ngọc Liên - phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam cũng chia sẻ về vấn đề này: "Sách in lậu, sách giả được làm tinh vi, thoáng nhìn bên ngoài khá giống sách thật, được dán hoặc in tem, nhái tem chống giả của các nhà xuất bản tại bìa 4, khó phát hiện bằng mắt thường và có đầy đủ thông tin xuất bản.
Tuy nhiên, sách in lậu, sách giả có nhiều sai sót, chất lượng giấy in không đạt chuẩn và nhất là chế bản cẩu thả; hình ảnh trong bài in không được rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều; chữ bị đứt nét; sách đóng xén méo, lệch, nhăn gáy... Điều nguy hiểm hơn là những cuốn sách in lậu, sách giả không được đảm bảo về nội dung, có thể có những lỗi sai nghiêm trọng về kiến thức, gây tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh các cấp phổ thông".
Minh Hà