SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 16/09/2024
  • Click để copy

Rò rỉ dữ liệu cá nhân: 80% do người dân tự làm lộ thông tin

13:00, 18/03/2023
Hiện nay, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều cách khác nhau để khai thác thông tin cá nhân của người dân. Tuy nhiên, việc thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài có đến 80% là do chính cá nhân đó tự lộ thông tin.

Báo Tiền Phong vừa phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”, tại Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM). Tọa đàm nhằm nhận diện những dấu hiệu lừa đảo, đồng thời đưa ra những giải pháp ngăn chặn, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong học đường.
1e12d8c08b1856460f09

Buổi tọa đàm diễn sau sau khoảng thời gian nhiều phụ huynh tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác liên tiếp nhận được các cuộc gọi của người tự xưng là giáo viên thông báo con em họ bị tai nạn đang nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đồng thời yêu cầu phụ huynh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để đóng viện phí. Qua đó, có không ít phụ huynh đã mắc bẫy và chuyển khoản cho kẻ gian hàng chục triệu đồng.

Có 80% do chính cá nhân tự lộ thông tin

Tại buổi tọa đàm, Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh – Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM – chia sẻ trước đại dịch Covid-19, các hình thức lừa đảo công nghệ cao không nhiều như sau này. Hiện tại mỗi ngày, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM tiếp nhận từ 20 - 30 đơn tố cáo, phản ánh... các vụ việc lừa đảo. Gần đây nhất là thủ đoạn dùng điện thoại để gọi điện thông báo cho phụ huynh việc con em bị tai nạn nhập viện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Đại úy Thịnh, trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn như dùng những lời nói, hình ảnh… để thực hiện hành vi lừa đảo.

Để thực hiện các vụ lừa đảo trót lọt, các đối tượng hầu hết đã có sự chuẩn bị sẵn để lấy lòng tin người bị hại. Theo đó, các đối tượng dàn dựng cả một ê kíp, trước tiên là đóng vai giáo viên gọi điện thông báo cho gia đình, sau đó có người tiếp tục đống vai bác sĩ của bệnh viện đang trực tiếp cấp cứu, điều trị để trao đổi qua điện thoại về tình trạng nguy cấp học sinh phải đối mặt, cần gấp tiền để phẫu thuật.

90705d650ebdd3e38aac

Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh chia sẻ các hình thức lừa đảo công nghệ cao tăng cao trước dịch Covid-19.

Đại úy Thịnh nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa qua là do lỗ hổng thông tin. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc rò rỉ thông tin, trong đó có 20% do doanh nghiệp làm rò rỉ, còn lại 80% là cá nhân để lộ thông tin.

“Các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn Gen Z là đối tượng rất dễ làm rò rỉ thông tin của bản thân và người thân khi sử dụng các ứng dụng trực tuyến. Đặc biệt, mỗi cá nhân có ít nhất 25 trường thông tin, trong khi đó, hiện nay có rất nhiều data dữ liệu của cá nhân được rao bán rất nhiều và dễ dàng. Đây là một trong những yếu tố làm rõ rì thông thông cá nhân ra bên ngoài. Do đó, để thông tin cá nhân không bị rò rỉ và không bị lấy cắp, rao bán ra bên ngoài, bản thân mỗi người cần chủ động đề phòng, không chụp ảnh các thông tin, mã QR chứa thông tin của bản thân để đăng tải trên các trang mạng xã hội,...”, Đại úy Thịnh nói.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena - chia sẻ việc phụ huynh nhận các cuộc gọi nhân danh là giáo viên hay cán bộ y tế để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không phải là vấn đề mới. Trước đây, kẻ gian đã từng giả danh cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, công an... để lừa đảo. Đến nay, các đối tượng lừa đảo nhắm đến phụ huynh và sắp tới còn chuyển biến những vụ việc mà ta chưa lường trước được.

Ông Thắng đánh giá tội phạm công nghệ cao là những đối tượng có trình độ rất cao, kiếm tiền rất nhiều, nên có động lực để biến chuyển, thay đổi, xâm nhập thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng tội phạm công nghệ cao cũng không giới hạn về địa lý, cuộc gọi giả mạo có thể không xuất phát tại TP.HCM, mà gọi đến từ các tỉnh thành khác, thậm chí là từ nước ngoài.

c4ba19b74a6f9731ce7e

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena - cho biết thông tin cá nhân bị rò rỉ có thể xuất phát từ sự vô tình khi người dùng sử dụng các ứng dụng trực tuyến. 

Về việc dữ liệu bị rò rỉ ra ngoài có thể xuất phát từ phụ huynh, học sinh. Theo ông Thắng, mạng xã hội, Tik Tok hoặc các trò chơi game... là nơi mà các nhóm đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng thu thập, chiếm đoạt thông tin sử dụng phổ biến hiện nay.

"Ba mẹ không chơi game nhưng con cái sử dụng máy của họ để chơi game, thì tội phạm công nghệ sẽ tấn công chiếm đoạt dữ liệu, trong đó có cả tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân...", ông Thắng nói.

Ông cảnh báo học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều, nhưng chưa lường trước được các cạm bẫy là vấn đề đang tồn tại. Cần phải có chương trình giáo dục đào tạo, huấn luyện để nâng cao nhận thức của học sinh từ đó phòng tránh hiệu quả các rủi ro.

Không có bệnh viện nào thu viện phí qua điện thoại

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - khẳng định, nhà trường rất quan tâm đến thông tin về vấn nạn lừa đảo. Ngay khi xuất hiện thông tin phụ huynh bị lừa đảo với thủ đoạn thông báo con cấp cứu và yêu cầu chuyển tiền, trường đã làm thư khẩn trước khi có chỉ đạo từ cấp trên để cảnh báo cho phụ huynh và học sinh tránh nguy cơ bị lừa.

Tại tọa đàm, thầy Phú cũng chỉ ra các thủ đoạn lừa đảo của đối tượng trên: Các đối tượng lừa đảo thường tấn công vào nhóm phụ nữ thường rất dễ mất bình tĩnh. Bên cạnh đó là tâm lý tình mẫu tử, đặc biệt là nhóm gia đình có kinh tế khá, nhóm học sinh trường tư thục.

Cũng theo thầy Phú, thực trạng của xã hội hiện nay là ở các bệnh viện đang thiếu thuốc, trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân nên khi nghe nói cần tiền để mua thiết bị hay mua thuốc phụ huynh sẽ tin. Khi đánh đúng vào tâm lý và thực trạng xã hội hiện nay, phụ huynh sẽ tin và lọt bẫy kẻ gian ngay lập tức.

9798598d0a55d70b8e44

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - cho biết phụ huynh sau khi nhận được các cuộc gọi như vậy cần liên lạc lại với nhà trường để xác minh thông tin có đúng sự thật hay không.

Thầy Phú cho rằng khi nhận cuộc điện thoại lừa đảo cần chủ động kết nối video call để xem người gọi có quen hay không, từ đó nhận diện được mức độ chính xác của thông tin. Ngoài ra, sau khi nhận các cuộc gọi tương tự như vậy, phụ huynh cần chủ động liên lạc với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để xác nhận thông tin vì kênh liên lạc của phụ huynh với học sinh là nhà trường

“Khi học sinh hay bất kì người dân nào gặp nạn, không bệnh viện nào bỏ bệnh nhân mà không cứu vì thiếu tiền. Ở bệnh viện có bác sĩ, ở ngoài đường có công an, tất cả đều có hỗ trợ để giúp bảo vệ sức khỏe mọi người. Phụ huynh không nắm thông tin, không đọc thông tin là kẻ hở cho các đối tượng lừa đảo. Đặc biệt là không có bệnh viện nào thu tiền viện phí thông qua gọi điện thoại”, thầy Phú nhấn mạnh.

Theo thầy Phú, những người bị lừa thường thiếu thông tin, hạn chế trong tiếp cận các tin tức trên báo chí. Ông cũng cho rằng, sắp tới khả năng sẽ biến tướng nhiều hình thức lừa đảo khác, trong đó có việc đóng tiền cho con đi du học bởi sau dịch Covid-19, nhu cầu cho con đi du học tăng cao.

"Chúng ta cần phải giáo dục cho học sinh cách bảo vệ mình. Phụ huynh cũng phải cập nhật thông tin, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng", thầy Phú nói.

ThS Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác Xã hội - Bệnh viện Chợ Rẫy - bày tỏ sự đáng tiếc khi vẫn có nhiều phụ huynh bị lừa, dù thông tin lừa đảo đã được bệnh viện phát đi vài ngày trước.

Ông Hiển cho rằng, nếu gặp trường hợp tương tự, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, xác minh thông tin, hoặc đến bệnh viện để xác nhận và nắm tình trạng của con. Nếu có ca bệnh cấp cứu thực tế thì bệnh viện sẽ chủ động cấp cứu, điều trị, không có chuyện hối thúc phụ huynh phải đóng tiền trước mới cứu chữa cho bệnh nhân.

“Bệnh viện không bao giờ có chuyện thu tiền qua điện thoại. Đây là điều cấm kỵ, vì không rõ ràng, không minh bạch. Quy trình đóng tiền ở bệnh viện rất rõ ràng, theo từng khâu cụ thể. Quy trình phẫu thuật cũng đặc biệt chặt chẽ, cần sự trao đổi với người nhà bệnh nhân. Trước trường hợp bệnh nhân nguy kịch, bệnh viện sẽ cứu người trước, tiền bạc tính sau, để không bỏ lỡ giờ vàng cứu người”, ông Hiển nhấn mạnh.

Thanh Thảo

Tin khác

Tin tức 13 giờ trước
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo – Techfest vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung năm 2024 tại tỉnh Thừa Thiên Huế với chủ đề: “Liên kết vùng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển bền vững”.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam, Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ 1 triệu bảng Anh (tương đương 32 tỷ đồng) để Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi).
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 14/9 về việc tập trung đẩy mạnh công tác thu dọn cây xanh gãy, đổ sau bão số 3 trên địa bàn các quận nội thành.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Đêm ngày 13/9 vừa qua, sau khi nhận được thông tin trình báo từ người dân, đồng chí Phạm Xuân Trường, Phó Công an Thị trấn Kim Bài (Thanh Oai, Hà Nội) đã kịp thời hỗ trợ một cụ ông đi lạc và không nhớ đường về tìm được thân nhân ngay trong đêm cùng ngày.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Theo thông báo cáo của Bộ TT&TT, trong thời gian phòng chống bão số 3, rất nhiều thông tin không chính xác, tin giả liên quan đến vỡ đê, cắt điện, tình hình bão lũ tại các địa phương,... xuất hiện trên các mạng xã hội và gây hoang mang cho người dân.