Ra mắt Tập thơ ‘Màu Hạnh Phúc’ của tác giả Lê Kim Phượng
Sự kiện được tổ chức trong một không gian và thời gian xúc động: tại Thư viện Quân đội, trong những ngày cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024). Tham gia sự kiện có đông đảo bạn bè, người thân, đối tác, và đặc biệt là những người yêu thơ Lê Kim Phượng.
Tập thơ Màu Hành Phúc được NXB Quân đội Nhân dân ấn hành, bao gồm 72 bài thơ, được Lê Kim Phượng viết trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, thể hiện tinh thần yêu đời, vững tin vào tương lai và nhiều giá trị nhân văn tươi đẹp. Phần lớn thời lượng phần đầu tập thơ viết về người lính, như: Bản tình ca người lính, Lính nhảy dù, Mùa xuân và người lính, Tháng ba và màu xanh áo lính, Thư Xuân gửi người lính đảo, Lính phi công kiên cường, … Đây chính là điểm nhấn của tập thơ - tạo nên bản tình ca về người lính.
Về tập thơ, Trung tá, Nhà văn Xuân Hùng (Nguyễn Văn Hùng), Trưởng phòng Biên tập sách Văn nghệ của Nxb. Quân đội Nhân dân – người trực tiếp đọc bản thảo chia sẻ: "Viết về người lính không phải là đề tài dễ, nhất là về người lính thời bình. Thường thì mỗi nhà thơ chỉ “bắt” cho mình được một không gian, thời gian, một quân binh chủng nào đó, nên mới có chuyện người thì chỉ viết được về lính đảo, người lại chỉ viết được về người lính Trường Sơn, người thì chỉ viết được về lính biên cương. Nhưng với Kim Phượng, mọi chuyện có vẻ khác. Kim Phượng như tấm nam châm, rất nhanh và sâu kín, cô bắt được một cách chính xác các khoảnh khắc đẹp về người lính ở nhiều các quân, binh chủng".
Nhà văn Xuân Hùng cho biết thêm, trước khi đọc bản thảo, ông chưa biết về tác giả Lê Kim Phượng, nhưng bản thảo tập thơ khiến ông bị ấn tượng sâu sắc bởi góc nhìn về người lính. “Sau này tôi mới biết, Kim Phượng là một doanh nhân, chứ không phải một nhà thơ, nhà văn thuần tuý. Dường như Kim Phượng đến với thơ là mối tơ duyên, chứ không phải nghiệp, không phải nợ. Nên trong thơ Kim Phượng toát lên góc nhìn đa dạng, lạc quan và yêu đời về người lính, rất truyền thống mà cũng rất hiện đại. Chính vì thế, tôi đã kiến nghị lãnh đạo cho phép xuất bản tập thơ. Tôi gọi điện cho Nhà văn Trần Đăng Khoa để nhờ ông viết lời tựa cho tập thơ, có lẽ không ai hợp hơn ông, bởi ông vừa là nhà văn, vừa là nhà thơ viết về người lính, còn Kim Phượng viết về người lính bằng nhiều thể loại thơ. Đây chắc chắn là một tác phẩm thơ hay về người lính Cụ Hồ thời bình, là món quà ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12”, trung tá Nguyễn Xuân Hùng vui vẻ quả quyết và chúc mừng tác giả Lê Kim Phượng về sự ra đời của tập thơ.
Lời tựa tập thơ có nhan đề Mấy lời mở sách “MÀU HẠNH PHÚC”, Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “… Đọc chị, ta có cái cảm giác bất ngờ này: Hình như chị không làm thơ mà bị thơ làm. Chính thơ ca đã tìm đến chị, ùa qua tâm hồn chị mà ứa ra đầu ngọn bút. Ta gặp trong thơ chị nhiều cảnh ngộ. Nhiều tâm trạng. Nhiều vẻ đẹp ngổn ngang bề bộn của đời sống hôm nay. Mà rất sinh động, da đạng. Có khi chị hoá thân thành bông hoa dại, bộc bạch những nỗi niềm đâu phải chỉ của hoa. Cũng có khi chị nương vào hơi rượu để chia sẻ với những “tia chớp tan nhoà trong đáy cốc”. Rồi rất nhiều tâm trạng của con người trong cuộc sống vất vả hôm nay. Hình ảnh người mẹ. Ước muốn của con. Tình yêu đôi lứa. Những mối tình e ấp buổi đầu đời. Những khoảnh khắc cà phê buổi sáng. Rồi bao gương mặt bạn bè. Người thân” … “Cảm ơn chị đã nói hộ chúng ta, nói hộ nhiều người lắm. Vì thế đọc chị, ta thấy rất gần gũi, thân thiết”.
Khi đi tới những dòng thơ cuối của tập thơ, Nhà văn Trần Đăng Khoa khép lại: “Và xao động trái tim ta, tạo nên niềm mến yêu của ta là những hình ảnh người lính hôm nay, lính thời bình. Mà đầy đủ các quân, binh chủng: Lính canh gác bầu trời, lính ra đa vui hát, lính không quân hăng say, pháo phòng không đi trước, rồi lính biên phòng nơi biên ải xa xôi, rồi người lĩnh kiên cường ngăn bão lũ … và đặc biệt là những người lính nơi tuyến đầu biên cương và hải đảo”.
Lời cuối, Nhà văn Trần Đăng Khoa phân trần: “Lẽ ra, như mọi lời giới thiệu sách, tôi phải dẫn ra đây những câu thơ hay của chị. Nhưng tôi không làm thế. Tôi sợ trong cuộc sống vội vàng này, các quý vị sẽ chỉ đọc những câu thơ tôi trích mà lại bỏ qua nhiều câu thơ khác cũng rất đáng đọc. Tôi xin nhường sự khám phá ấy cho các nhà phê bình và đông đảo bạn đọc. Và tôi mong tập thơ sẽ được bạn đọc, đặc biệt là những người lính chúng ta yêu thích. Hà Nội, 25-11-2025”.
Về tập thơ thứ ba của chính mình, tác giả Lê Kim Phượng cho biết, bố của mình cũng từng là một người lính. Ông đã tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt, cùng đồng đội để bảo vệ Tổ quốc. Nhiều đồng đội ông đã ra đi mãi mãi... “Có lẽ do vậy mà từ nhỏ, tôi đã yêu hình ảnh người lính, chất lính từ khi nào không hay … Một tình yêu đầy lý tưởng nhưng cũng rất đỗi tự nhiên”. “Tôi nguyện mong Tập thơ Màu Hạnh Phúc như món quà nhỏ, mến tặng các chiến sĩ, chúc các anh luôn chân cứng đá mềm vững tin nơi tuyến đầu bảo vệ Tổ Quốc. Quê hương, Đất nước mãi luôn gọi tên các anh.”
Tại sự kiện, một số khách mời cùng với phần giao lưu đem đến rất nhiều thú vị. Một nhân chứng sống thể hiện tinh thần thế hệ trẻ sẵn sàng xung phong nhập ngũ, ra trận không ngại hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc, đó là bác Nguyễn Văn Thiện (quê Tiền Hải, Thái Bình). Bác Thiện chính là trường hợp: Năm 1967, tại chiến trường miền Nam, khi đơn vị của bác Thiện bị quân địch càn quét, cuốn nhật ký của bác đã được lính Mỹ thu được. Sau 56 năm, cuốn nhật ký đã được quy trở về với chủ nhân trong một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ và xúc động: Ngày 11/9/2023, tại toà nhà Quốc hội diễn ra sự kiện trao trả một số kỷ vật chiến tranh giữa cựu binh Nguyễn Văn Thiện (quê Tiền Hải, Thái Bình) và hai cựu binh Mỹ từng ở bên kia chiến tuyến trong trận đánh ác liệt năm 1967. Sự kiện này có sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Quốc hội nước ta. Bác Nguyễn Văn Thiện truyền đạt cho thế hệ sau thông điệp về tình yêu quê hương đất nước, dù trong bất cứ thời nào.
Hoa hậu Văn hoá Du lịch Việt Nam 2024 Phạm Thị Ngọc Thanh – người em của tác giả Lê Kim Phượng tới dự và phát biểu chúc mừng. Theo Hoa hậu, Lê Kim Phượng là một tấm gương phụ nữ luôn ngập tràn năng lượng sáng tạo, luôn hướng tới nét đẹp về tâm hồn, trí tuệ và lao động. Hoa hậu Văn hoá Du lịch Việt Nam 2024 gọi Lê Kim Phượng bằng sự ví von hóm hỉnh: “bông hoa nở xuyên mùa”, và không quên “hẹn ước” - buổi sự kiện ra mắt tập thơ hôm nay là nguồn năng lượng dồi dào tiếp thêm cho Hoa hậu để chuẩn bị cho sự ra đời thêm tác phẩm - tiểu thuyết mới trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Tác giả Lê Kim Phượng chụp ảnh lưu niệm, nhận hoa và lời chúc mừng từ khách mời:
Phúc Huy