SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Quyền tác giả - công cụ hữu hiệu để ngăn chặn xâm phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

11:28, 13/10/2021
Nhái kiểu dáng bao bì hàng hóa của các doanh nghệp có uy tín, danh tiếng để trục lợi đang có khuynh hướng gia tăng và thay đổi ngày càng tinh vi. Trong bối cảnh đó, quyền tác giả - công cụ hữu hiệu để chống vi phạm sở hữu trí tuệ.

 Tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp có danh tiếng, uy tín luôn là mục tiêu của nạn bắt chước, sao chép, làm giả. Doanh nghiệp càng có uy tín, danh tiếng, càng dễ bị tổn thương bởi những kẻ kinh doanh bất chính. Nhái kiểu dáng bao bì hàng hóa của các doanh nghệp có uy tín, danh tiếng để trục lợi đang có khuynh hướng gia tăng và thay đổi ngày càng tinh vi. Trong bối cảnh đó, quyền tác giả - công cụ hữu hiệu để chống vi phạm sở hữu trí tuệ.

949619e557a7bef9e7b6

Ảnh minh họa. Nguồn: internet 

Bất cập trong quy trình đăng ký bảo hộ quyền Nhãn hiệu và Kiểu dáng Công nghiệp

Theo quy định của pháp luật, chỉ khi được cấp văn bằng bảo hộ, quyền đối với Nhãn hiệu hay Kiểu dáng Công nghiệp (KDCN) mới được xác lập cho chủ sở hữu và chỉ khi đó, Nhãn hiệu hay KDCN mới chính thức trở thành công cụ pháp lý để chủ sở có thể yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành các hành động thực thi, xử lý các hành vi vi phạm.

Điều này có nghĩa là, khi Nhãn hiệu hay KDCN vẫn còn đang trong giai đoạn thẩm định, chủ thể quyền chưa thể thiết lập được cơ sở pháp lý cần thiết để yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm.

Quá trình thẩm định đối với Nhãn hiệu hay KDCN tại Việt Nam thường bị kéo dài, trên thực tế, có thể từ 16-18 tháng, thậm chí có thể lên đến vài năm nếu Nhãn hiệu bị bên thứ ba phản đối hoặc bị Cục SHTT từ chối bảo hộ.

Không ít kẻ kinh doanh bất chính coi đây là khoảng “thời gian vàng” hay “thời gian an toàn” để tự do thực hiện các hành vi xâm phạm quyền SHTT một cách trắng trợn mà không lo bị khởi kiện hay bị áp dụng các chế tài.

Thực tế, có những sản phẩm xâm phạm quyền SHTT chỉ cần tiêu thụ trong một mùa vụ, thì thời gian 16-18 tháng mà Nhãn hiệu hay KDCN chưa được cấp văn bằng bảo hộ, là quá đủ và còn “quý hơn vàng” để thu về mức lợi nhuận khổng lồ, thậm chí, còn đe dọa đến sự tồn tại của các sản phẩm chính hãng.

Xử lý bằng thủ tục chống cạnh tranh không lành mạnh – luật có cơ chế nhưng không dễ

Khi chưa thể xác lập quyền đối với Nhãn hiệu hay KDCN, đối mặt với các hành vi xâm phạm, nhiều chủ thể quyền đành ngậm ngùi chọn giải pháp tình thế là gửi Thư Cảnh báo/Thư Khuyến cáo hay khởi sự các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh.

Pháp luật về SHTT của Việt Nam thiết lập cơ chế để bảo hộ cho những chỉ dẫn thương mại chưa được đăng ký (như nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng bao bì hàng hóa, nhãn hàng hóa…), nghĩa là, dù cho chưa đăng ký các chỉ dẫn thương mại, chủ sở hữu vẫn có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi bị cho là xâm phạm.

5937df44910678582117

Ông Nguyễn Vũ Quân  - Thành viên của KENFOX IP & Law Office

Trong nhiều trường hợp, một logo có thể đáp ứng tiêu chuẩn để được bảo hộ dưới dạng Nhãn hiệu và/hoặc Quyền tác giả, trong khi đó, một bao bì sản phẩm có thể cùng lúc đáp ứng tiêu chuẩn để được đồng thời bảo hộ dưới cả 3 đối tượng SHTT: Nhãn hiệu, KDCN và Quyền tác giả.

Tuy nhiên, nhiều chủ thể quyền chỉ lựa chọn đăng ký Nhãn hiệu và KDCN vì cho rằng thực thi chống xâm phạm dựa trên quyền Nhãn hiệu và KDCN sẽ mạnh hơn và hiệu quả hơn so với Quyền tác giả.

Lý thuyết là thế, nhưng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam không bao giờ là dễ dàng. Pháp luật Việt Nam đặt ra các quy định rất ngặt nghèo về nghĩa vụ chứng minh cho chủ sở hữu quyền.

Chỉ những chủ thể đã sử dụng chỉ dẫn thương mại “một cách rộng rãi, ổn định trong hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, được người tiêu dùng biết đến uy tín của chủ thể kinh doanh và hàng hóa, dịch vụ mang chỉ dẫn thương mại đó” mới có quyền khởi sự các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh.

Muốn vậy, doanh nghiệp phải, căn cứ Điều 19.1(d) Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN, cung cấp “các thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm; doanh thu bán hàng; số lượng sản phẩm bán ra; hệ thống đại lý phân phối, liên doanh, liên kết; quy mô đầu tư; đánh giá của các cơ quan nhà nước, phương tiện thông tin đại chúng, bình chọn của người tiêu dùng và các thông tin khác thể hiện uy tín của chủ thể kinh doanh gắn với chỉ dẫn thương mại trong hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, việc cung cấp các tài liệu, bằng chứng chứng minh việc sử dụng rộng rãi chỉ dẫn thương mại theo quy định nêu trên trong khi họ vừa tung sản phẩm ra thị trường là bất khả thi. Thêm nữa, liệu các bằng chứng chứng minh (nếu được cung cấp) có đáp ứng quy định về tính “rộng rãi” hay không và “rộng rãi” là như thế nào? Trong khi quy định pháp luật chưa có quy định/giải thích nào mang tính định lượng về khái niệm “rộng rãi” trong quy định nêu trên.

Quyền tác giả - công cụ hữu hiệu để chống vi phạm SHTT

Các quy định về bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam đang được hoàn thiện theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế cao hơn sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA và CPTPP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng: Chống xâm phạm SHTT luôn là cuộc chiến không có hồi kết ở bất kỳ quốc gia nào. Do đó, thay vì trông chờ sự thay đổi từ hệ thống pháp luật quốc gia, tự bảo vệ mình chống lại nạn ăn cắp tài sản trí tuệ vẫn là cách tiếp cận khôn ngoan và hiệu quả.

Để chống lại các hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam, ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại, ngoài việc đăng ký Nhãn hiệu và/hoặc KDCN, trước khi tung sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp nên thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký bảo hộ logo, kiểu dáng bao bì sản phẩm của mình dưới dạng Quyền tác giả tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

a91f2c6c622e8b70d23f

Nguồn: Getty Images 

Trong khi quy trình đăng ký Nhãn hiệu/KDCN có thể kéo dài hơn 1 năm hoặc vài năm, đăng ký Quyền tác giả tại Việt Nam lại diễn ra khá nhanh chóng, thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian dài, lợi ích này đã bị nhiều chủ thể quyền đánh giá thấp và không được coi trọng đúng mức vì cho rằng: Quyền tác giả là cơ sở không vững chắc, do vậy, chỉ nên coi nguồn tài liệu/lập luận bổ trợ trong chiến lược bảo vệ quyền SHTT.

Chi phí của việc đăng ký quyền tác giả khá thấp, trong khi thời gian được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả rất ngắn, từ 15-20 ngày làm việc sau khi nộp đầy đủ hồ sơ. Pháp luật Việt Nam không có quy định ngăn cấm việc đăng ký một đối tượng SHTT dưới hai hoặc ba dạng quyền SHTT, miễn rằng nó đáp ứng các điều kiện bảo hộ.

Trong bối cảnh mà Nhãn hiệu/KDCN chưa được cấp Văn bằng bảo hộ và không dễ để chứng minh “chỉ dẫn thương mại” đã được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, việc nắm giữ Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả đối với logo hay kiểu dáng bao bì hàng hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp ở chỗ:

Thứ nhất, giảm nhẹ nghĩa vụ chứng minh: Chủ sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả tại Việt Nam không phải chứng minh quyền sở hữu của mình đối với tác phẩm đã đăng ký trong tranh chấp, trừ trường hợp có bằng chứng khác. Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả tại Việt Nam là bằng chứng mặc nhiên về tính hợp lệ của Quyền tác giả đối với tác phẩm. Do đó, nếu Nhãn hiệu của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả, thì mặc nhiên được coi là chủ sở hữu đối với Nhãn hiệu đó dưới dạng quyền tác giả.

Thứ hai, có cơ sở để yêu cầu giám định xâm phạm quyền tác giả: Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả tại Việt Nam là cơ sở pháp lý và là tài liệu bắt buộc phải đó để yêu cầu giám định xâm phạm Quyền tác giả tại Việt Nam. Để hỗ trợ cho các cáo buộc xâm phạm Quyền tác giả, chủ thể quyền có thể nộp đơn yêu cầu giám định tại Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan (ECCR) - một cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền đưa ra ý kiến chuyên môn về các vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan, được phép thực hiện giám định về các vi phạm bản quyền. Lưu ý rằng: khác với việc bảo hộ nhãn hiệu, bằng chứng về Quyền tác giả được xác lập bên ngoài Việt Nam cũng sẽ được ECCR xem xét. Nói cách khác, Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả do các nước thuộc Công ước Berne cấp có thể được chấp nhận để ECCR đưa ra ý kiến chuyên môn về khả năng vi phạm bản quyền tại Việt Nam.

Thứ ba, là căn cứ pháp lý khẳng định quyền SHTT: Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả giúp cơ quan thực thi dễ dàng thụ lý giải quyết vụ việc vi phạm quyền tác giả vì nó ghi nhận đầy đủ thông tin về tác phẩm, về chủ sở hữu/tác giả.

Thứ tư, giúp tránh nạn ăn cắp/chiếm đoạt tài sản trí tuệ: Đăng ký sớm tác phẩm tại Việt Nam giúp giảm thiểu rủi ro, nguy cơ bị tổ chức/cá nhân khác chiếm đoạt quyền đăng ký và trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tác phẩm.

Với những lợi ích nêu trên, Giấy chứng nhận Quyền tác giả đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu để tìm kiếm sự bảo hộ trong các tranh chấp/xâm phạm Nhãn hiệu/KDCN, đặc biệt trong bối cảnh các đối tượng này còn đang trong tình trạng thẩm định, chưa được cấp văn bằng bảo hộ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong các vụ tranh chấp/xâm phạm phức tạp liên quan đến Quyền tác giả - Nhãn hiệu - KDCN, thực tế cho thấy rằng: Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả đôi khi sẽ chỉ có ý nghĩa như một bằng chứng ban đầu/sơ bộ. Bên thứ ba hoặc đối thủ cạnh tranh hoàn toàn có thể tự nhận họ cũng chính là người sáng tạo ra Tác phẩm/Nhãn hiệu/KDCN đang tranh chấp hoặc phản bác tính hợp pháp của tác phẩm được bảo hộ trên cơ sở tác phẩm không có tính nguyên gốc (giống với nhiều tác phẩm có từ trước).

Do vậy, chỉ đệ trình Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả trong một tranh chấp Quyền tác giả -Nhãn hiệu - KDCN có thể sẽ không đủ để chứng minh quyền sở hữu đối với tác phẩm đã đăng ký. Trong trường hợp đó, để củng cố vững chắc cơ sở pháp lý, tăng vị thế và giành ưu thế khi bên thứ ba/đối thủ cạnh tranh khởi sự một/các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản trí tuệ, ngoài Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, chủ sở hữu cần chủ động thu thập, lưu trữ có hệ thống và đệ trình các bằng chứng về việc tự sáng tạo, thiết kế ra tác phẩm một cách độc lập làm căn cứ vững chắc chứng minh quyền tác giả của mình (ví dụ: bản thảo tác phẩm và hợp đồng thiết kế logo hoặc bao bì sản phẩm, hay hợp đồng mua bán, tài liệu quảng cáo, phương tiện dịch vụ, phương tiện kinh doanh… gắn tác phẩm … và các tài liệu liên quan chứng minh ngày sử dụng đầu tiên và tình trạng sử dụng lâu dài của tác phẩm…).

Lời kết

Xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng tinh vi, tràn lan và vẫn đang có gia tăng. Đợi chờ hàng năm để Nhãn hiệu/KDCN được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam không phải là liệu pháp hữu hiệu, nó chắc chắn sẽ đặt doanh nghiệp vào những rủi ro và thiệt hại không thể bù đắp.

Trong khi đó, khởi sự thủ tục chống cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam đòi hỏi nghĩa vụ chứng minh rất nhiều. Do đó, tại thời điểm này, chiến lược bảo vệ quyền SHTT nhanh chóng về thời gian và hiệu quả về chi phí, cần ưu tiên mọi nguồn lực cần thiết để đăng ký Quyền tác giả bên cạnh việc đăng ký Nhãn hiệu/KDCN (nếu phù hợp) trong thời gian sớm nhất, đặc biệt khi Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan đã thực hiện giám định xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT và các cơ quan chức năng của Việt Nam.

(*) Nguyễn Vũ Quân - Thành viên của KENFOX IP & Law Office 

Theo Tạp chí Tài chính Online

Tin khác

Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Adidas hiện đang phải đối mặt với sự thẩm vấn gay gắt của tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong nỗ lực khôi phục vụ kiện tuyên bố hãng thời trang Thom Browne đã xâm phạm nhãn hiệu ba sọc mang tính biểu tượng của công ty.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đối với ông Lê Tiến M. về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và buộc tiêu hủy lô hàng gần 7 tấn Chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm giảm cân Detox Táo.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Thông qua công tác tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doang vàng trên địa bàn, mới đây, Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm số lượng lớn trang sức được bày bán có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
Đội quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng vừa kiểm tra đột xuất 4 hộ kinh doanh phụ tùng xe máy trên địa bàn quận Liên Chiểu, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Honda và Yamaha.