SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Quyền sở hữu trí tuệ là công cụ phát triển kinh tế

11:07, 26/04/2021
(SHTT) - Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định, quyền sở hữu trí tuệ là công cụ để phát triển kinh tế, đem lại siêu lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Tuần hành hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ

Hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ 26/4, Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM vừa phối hợp với Đoàn trường Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức chương trình đi bộ tuần hành tại Nhà văn hóa sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM.

Chương trình có sự tham gia của đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Cục bản quyền tác giả cùng hơn 200 sinh viên đến từ các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài đi bộ tuần hành, chương trình còn nhiều hoạt động như: Trưng bày sách, tài liệu về sở hữu trí tuệ, sản phẩm công nghệ của hội viên Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, ký kết hợp tác giữa Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM với Đoàn trường Đại học Quốc gia TP.HCM về việc phối hợp tổ chức các chương trình nâng cao quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

so-hu-tri-tue-anh1

Đại diện đến từ các tổ chức cùng khoảng 200 sinh viên tham gia đi bộ tuần hành hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ 26/4 

Theo ban tổ chức chương trình, thời gian qua kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 gây ra, nhưng nhờ có công nghệ, sự lao động sáng tạo không mệt mỏi mà người dân ở các châu lục vẫn được kết nối với nhau. Công nghệ cũng giúp các doanh nghiệp vận hành bình thường bất chấp lệnh giãn cách xã hội và tìm ra những hình thức kinh doanh mới. Bối cảnh này thúc đẩy các nước chú trọng hơn đến sự sáng tạo của con người và quyền bảo hộ nó.

Chia sẻ với khoảng 200 sinh viên có mặt trong chương trình, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định, quyền sở hữu trí tuệ là công cụ để phát triển kinh tế. Theo ông Hồng, mục tiêu cao cả nhất của mỗi doanh nghiệp là lợi nhuận, nhưng để đạt được lợi nhuận thì doanh nghiệp cần có sự khác biệt.

“Sự khác biệt đó nằm trong toàn bộ đối tượng của sở hữu trí tuệ, từ ý tưởng sáng tạo cho đến vấn đề về phát triển thương hiệu. Những ý tưởng đó giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm độc đáo, có tính năng mới, khác biệt với các sản phẩm khác trên thị trường. Nhưng làm sao tạo ra được sự khác biệt? Câu trả lời gắn chặt chẽ với quyền sở hữu trí tuệ. Bởi vì sở hữu trí tuệ tạo sự độc quyền cho mỗi doanh nghiệp đối với các giải pháp, ý tưởng. Độc quyền chính là yếu tố tạo nên siêu lợi nhuận và đó là điều mà tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn”, ông Hồng chia sẻ.

so-hu-tri-tue-anh2

 

Tuy nhiên theo ông Hồng, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế trong thời điểm hiện nay. Điển hình, chỉ tính riêng Tập đoàn Panasonic đã nắm giữ trên 50.000 sáng chế khác nhau, thế nhưng một đại học lớn của Việt Nam như Đại học Quốc gia TP.HCM thì chỉ có trên 10 sáng chế được bảo hộ mỗi năm. Trong khi đó, Đại học Quốc gia TP.HCM là một trong những trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu Việt Nam.

“Thế thì đến bao giờ chúng ta mới đuổi kịp họ? TP.HCM trong thời gian trước có năng lực cạnh tranh ở top đầu, tốc độ phát triển rất nhanh nhưng bây giờ đang dậm chân tại chỗ. Nếu chúng ta tiếp tục cách tiếp cận kinh tế, nghiên cứu, đào tạo, phát triển như vừa qua thì chúng ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tài nguyên và sức lao động thủ công là hữu hạn, những nguồn lực có hạn đó sẽ giữ chúng ta không thể phát triển được nữa. Đòi hỏi chúng ta phải sử dụng những sáng tạo mới, dựa trên những ý tưởng, từ ý tưởng tạo nên sản phẩm, hiệu quả kinh tế,… như vậy chúng ta mới có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Đây chính là câu chuyện của sở hữu trí tuệ”, ông Hồng nhấn mạnh.

Sáng tạo để phát triển kinh tế

TS Nguyễn Văn Viễn - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM nhận định, sở hữu trí tuệ là một tài sản càng ngày càng có giá. Nhu cầu về sản phẩm tiêu dùng ngày càng nhiều, nhưng tài nguyên tự nhiên ngày càng ít đi. Trong khi đó, những sản phẩm đến tay người tiêu dùng sử dụng đều phải có người nghĩ ra. Chính vì lẽ đó, tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đã luôn vận động, kích thích sự sáng tạo của con người.

Từ năm 2000, tổ chức này đã xác lập ngày sở hữu trí tuệ vào ngày 26/4 hàng năm. Mỗi năm lại có một chủ đề, thông điệp riêng. Năm nay, thông điệp được đưa ra là: “Hãy đưa các ý tưởng của bạn vào thị trường” nhằm khích lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu thúc đẩy sáng tạo, tạo cái mới để làm giàu. Đặc biệt, những ý tưởng ấy phải được đưa ra thị trường, hiện thực hóa và trở nên có giá trị.

“Thật ra không phải cứ chế tạo ra sản phẩm mới là có giá, bản thân ý tưởng cũng có giá trị, vì chúng ta bây giờ có dư công cụ, phương tiện để biến ý tưởng thành thật trong thời gian ngắn. Người đưa ra ý tưởng rất quan trọng, việc biến ý tưởng thành thật thuộc về kỹ thuật mà thôi”, ông Viễn nhận định.

so-huu-tri-tue-anh3

TS Nguyễn Văn Viễn - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM nhận định sở hữu trí tuệ là một tài sản càng ngày càng có giá. 

Theo ông Viễn, hoạt động sở hữu trí tuệ và sáng tạo của Việt nam vẫn còn hạn chế. Các tổ chức về Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã bắt đầu hoạt động từ những năm 1980. Thế nhưng tốc độ phát triển lại không nhanh. Trong khi số lượng bằng sáng tạo được bảo hộ tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, thì nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng bắt đầu các hoạt động về sở hữu trí tuệ và sáng tạo cùng thời điểm nhưng lại phát triển vượt bậc, trở thành những con hổ Châu Á để chiếm lĩnh một số lĩnh vực nhất định. Bên cạnh đó, các cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam cũng không quan tâm nhiều đến sáng tạo của họ.

Trước thực tế này, Hội Sở hữu trí tuệ đã hướng đến những đối tượng là sinh viên. Đây là tầng lớp trẻ, có kiến thức, là đối tượng nên được khuyến khích sáng tạo. Đặc biệt, trường Đại học Quốc Gia TP.HCM là nơi đông sinh viên có chuyên môn, thích hợp để các tổ chức về sở hữu trí tuệ phổ biến, tuyên truyền các hoạt động sáng tạo. “Chúng tôi hy vọng thế hệ trẻ sẽ quan tâm và hiểu rằng phải sống bằng sáng tạo thì hoạt động kinh tế trong tương lai của Việt Nam sẽ phát triển”, ông Viễn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Viễn, sắp tới Quốc hội sẽ trình và xem xét việc sửa đổi luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam để phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trong đó, Hội Sở hữu trí tuệ là một trong những tổ chức được các nhà làm luật mời tham gia trao đổi với chuyên gia, đóng góp ý kiến vào sửa đổi của luật sở hữu trí tuệ. Theo đánh giá của ông Viễn, thời gian tới luật sở hữu trí tuệ sẽ được đặt vào vị trí trung tâm. Tuy nhiên, Hội Sở hữu trí tuệ mong muốn sở hữu trí tuệ sẽ trở thành luật toàn dân, được thị trường, công chúng, giới trẻ chào mừng bằng những quy định khuyến khích sáng tạo. Đồng thời có cách thức để bảo hộ nhanh chóng, góp phần nâng cao giá trị các sáng tạo, giúp người thực hiện yên tâm đưa ra thị trường.

Nhiều năm nay tồn tại tình trạng cung cấp quyền sở hữu trí tuệ khá lâu. Mặc dù luật quy định trong thời hạn 1 năm thôi nhưng các cơ quan nhà nước thông thường mất đến 2 - 3 năm, có khi còn lâu hơn nữa. Nguyên nhân là do trước đây việc tra cứu mất thời gian rất lâu, bây giờ giảm đi rất nhiều nhờ những phương tiện tra cứu hiện đại cả trong và ngoài nước. Cho nên, nếu có sự hợp tác chặt chẽ giữa giữa các cơ quan nhà nước, các hội chuyên môn và áp dụng công nghệ hiện đại, vấn đề chắc chắn được giải quyết”, TS Nguyễn Văn Viễn khẳng định.

Nhật Linh

Tin khác

Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 8 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 8 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.
Liên kết hữu ích