SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Quyền được giữ họ

09:32, 12/12/2015
Thay vì vui vẻ chuẩn bị cho ngày cưới của mình, bà Kaori Oguni phải dấn thân vào con đường pháp lý khi chuẩn bị ra tòa với đơn kiện đòi quyền giữ lại họ thời con gái. Bà cho rằng họ là một chứng minh nguồn gốc gia đình, bản sắc của một con người và chất chứa tất cả những kỷ niệm thời chưa lấy chồng.

Bà Oguni là một trong 5 người kiện chính phủ Nhật Bản, nước duy nhất trong nhóm G7 áp dụng luật yêu cầu vợ và chồng phải có cùng họ. Những người phụ nữ như bà cho rằng luật như vậy là vi hiến và vi phạm quyền dân sự, đồng thời yêu cầu bồi thường. “Mất họ của mình cũng như bị xem nhẹ, không còn được tôn trọng và xem như mất một phần của chính mình”, bà Oguni nói.

Phán quyết vào ngày 16-12 của Tòa án tối cao Nhật Bản về đơn kiện của bà Oguni sẽ là một chiến thắng cho phụ nữ Nhật Bản hay không vẫn còn là ẩn số. Chỉ biết rằng, so với phụ nữ tại nhiều nước châu Á khác, vai trò xã hội của phụ nữ Nhật Bản thường thua thiệt trước nam giới.

Vụ kiện đòi giữ họ của nữ giới Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang chuẩn bị đưa ra kế hoạch thu hút thêm nhiều phụ nữ vào lực lượng lao động đang bị thu hẹp của nước này. Mặc dù vậy, nhiều người trong đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của ông vẫn phản đối bất kỳ sự thay đổi nào về vai trò của phụ nữ.

Theo luật năm 1896 của Nhật Bản, vợ và chồng phải cùng họ để hợp pháp đăng ký kết hôn. Mặc dù pháp luật không quy định phụ nữ phải bỏ họ và lấy họ chồng nhưng trong thực tế, 96% phụ nữ xứ Mặt trời mọc lấy họ của chồng, một sự phản ánh xã hội nam quyền của Nhật Bản. Và dường như sự thay đổi về vấn đề này rất khó, như ý kiến của ông Takanori Masaomi, một học giả chuyên về hiến pháp, nói với truyền hình NHK. Ông Masaomi khẳng định “Họ tên là cách tốt nhất để ràng buộc gia đình, cho phép vợ chồng tên họ khác nhau có nguy cơ phá hủy sự ổn định xã hội, trật tự công cộng và các cơ sở phúc lợi xã hội”.

Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng đã đến lúc phải thay đổi. Ông Shunsuke Serizawa, nhà bình luận xã hội về vai trò của giới tính và gia đình nói: Thế giới đang hướng nhiều tới vai trò cá nhân. Vì vậy, giữ lại họ của một người là nhu cầu tự nhiên.

Theo bà Oguni, thật khó để thay đổi kiểu suy nghĩ về việc vợ chồng phải cùng họ khi phải thay đổi cả một hệ thống. Vì vậy, bà suy nghĩ có phần tiêu cực là tốt nhất “không nên kết hôn”. Một số cặp vợ chồng lựa chọn cách không đăng ký kết hôn để họ có thể giữ họ tên riêng biệt. Đây cũng chính là trường hợp của thành viên đảng Dân chủ xã hội đối lập, nghị sĩ Mizuho Fukushima và bạn đời của ông. Tuy nhiên, như vậy sẽ nảy sinh nhiều rắc rối về luật pháp, nhất là với quyền lợi của cha mẹ với con cái và quyền thừa kế.

Một cuộc thăm dò của tờ Asahi Shimbun vào tháng 11 vừa qua cho thấy 52% số người được hỏi cho rằng họ muốn có quyền chọn lựa để giữ lại họ sau khi lập gia đình và 34% phản đối. Trong giới trẻ thì con số ủng hộ chiếm đa số.

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Một nghiên cứu mới từ Turnitin, nhà phát triển nền tảng chống đạo văn hàng đầu, đã khám phá xu hướng mới trong việc viết bài của sinh viên trên toàn cầu, từ đó mở ra cuộc thảo luận về vai trò của AI trong giáo dục hiện đại.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Thời gian gần đây, nền tảng mạng xã hội X đã liên tục tiết lộ về kế hoạch thay đổi cách thức hoạt động. Trong đó, một chính sách mới khiến người dùng chú ý là yêu cầu phải phí để sử dụng toàn bộ các tính năng của nền tảng.
Tin tức 3 ngày trước
(SHTT) - Google thông báo sẽ thử nghiệm loại bỏ các liên kết tin tức cho một số người dùng California do lo ngại ảnh hưởng của đạo luật mới.
Tin tức 3 ngày trước
(SHTT) - WIPO mới đây đã công bố chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới 2024 là: “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”.
Tin tức 5 ngày trước
(SHTT) - Google sẽ đầu tư 1 tỷ USD để nâng cao kết nối kỹ thuật số giữa Mỹ và Nhật Bản bằng cách xây dựng hai tuyến cáp ngầm mới, thông báo này được công ty con của Alphabet đưa ra trong một sự kiện gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước.