Quy hoạch hai bờ sông Hồng: Tạo vị thế phát triển Thủ đô
Sáng 13/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp Hội Nữ trí thức Thủ đô tổ chức hội thảo “Quy hoạch hai bờ sông Hồng với sự phát triển tương lai bền vững của Thủ đô”.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh nêu rõ, sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội chỉ là một đoạn ngắn (gần 120km) so với chiều dài của toàn tuyến (1.200km) nhưng đóng vai trò lớn và là nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Gần đây, trong quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, điều chỉnh quy hoạch chung đến 2045, tầm nhìn 2050 đã xác định đột phá mới, tầm nhìn mới để xây dựng khu vực sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm thành phố, phát triển hài hòa, không gian sinh thái, văn hóa - lịch sử, không gian xanh, đô thị hiện đại và là biểu tượng mới của Hà Nội.
Cuộc hội thảo được tổ chức với mong muốn tiếp nhận, chia sẻ thông tin quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học trong một số vấn đề cụ thể, như: Trục không gian cảnh quan hai bờ sông Hồng: Vấn đề quy hoạch thoát lũ, bảo vệ môi trường trong tương lai khi các khu đô thị bên sông có sự phát triển mạnh mẽ; bảo tồn, phát triển văn hóa làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội và trách nhiệm cộng đồng... để bổ sung trong quy hoạch đã được duyệt và đề xuất giải pháp trong quá trình thực hiện, tránh lãng phí.
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, khu vực hai bên sông Hồng luôn được chú trọng. Qua 7 lần quy hoạch Thủ đô, đã có những điều chỉnh trong khai thác tiềm năng, phát triển sông Hồng. Nếu như quy hoạch chung năm 1992 mới định hướng về an toàn dân cư, an toàn thoát lũ, thì đến quy hoạch chung năm 1998 đã có định hướng khai thác quỹ đất hai bên sông. Quy hoạch chung 2011 đã xác định sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giá trị lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô... Năm 2022, thành phố phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô 11.000ha thuộc địa giới hành chính của 55 xã, phường, thuộc 13 quận, huyện.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, cần chú ý đến những thách thức trong tổ chức thực hiện. Đó là phải bảo đảm an toàn thoát lũ. Với đặc thù của sông và biến đổi khí hậu, rất cần có bổ sung nghiên cứu đồng bộ các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, mối liên kết vùng và khoa học - công nghệ để thích ứng với biến đổi thế sông, an toàn dòng chảy và bền vững cho các công trình xây dựng. Ngoài ra, cũng rất cần có sự trao đổi để kế thừa những kinh nghiệm từ những dự án được đề cập hai bên sông Hồng nhưng chưa triển khai vì lý do cả chủ quan và khách quan. Đặc biệt, cần kêu gọi đầu tư gắn với chính sách đặc thù để tạo nguồn lực đột phá.
Theo quy hoạch phân khu sông Hồng, phân khu quy hoạch có tổng diện tích 11.000ha. Trong đó, sông Hồng chiếm 33%, tương ứng khoảng 3.600ha, đất bãi sông chiếm 50% - tương đương hơn 5.400ha. Quy mô dân số tối đa dự kiến đạt mức 300.000 người vào năm 2030. Điểm nhấn quan trọng ở quy hoạch này là 3.000ha bãi giữa sông Hồng. Chiều dài đô thị dọc hai bờ sông khoảng 40km.
Quận Hoàn Kiếm phối hợp với các quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên đang từng bước lập quy hoạch, lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa sông Hồng xứng tầm với vị thế tại khu vực, khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, cụ thể hóa về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Trong đó, trọng tâm là sẽ tăng cường phát triển các mô hình xanh: công viên, cây xanh chuyên đề - nông nghiệp đô thị có chất lượng và kỹ thuật cao, nông nghiệp du lịch,... thu hút các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao (dịch vụ, du lịch, thể thao,...) phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Tạo lập các không gian xanh: công viên đô thị, công viên chuyên đề, công viên ngập lũ trên cơ sở khai thác cảnh quan hai bên sông Hồng phù hợp điều kiện tự nhiên, theo các thềm địa hình và hiện trạng sử dụng đất. Khu vực bãi sông và dòng sông hầu hết là khu vực không ổn định, phù hợp cho các không gian sinh thái, phục hồi tự nhiên.
Tại một số khu vực tiếp giáp với khu vực nội đô lịch sử được định hướng sẽ kè cứng, tạo điều kiện tổ chức các không gian công cộng văn hóa tiếp giáp với mặt nước. Bên cạnh đó, là giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị dựa trên nguyên tắc phục hồi tự nhiên, công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng tổng hợp. Một phần không gian nông nghiệp được tổ chức thành công viên, nông nghiệp, nông nghiệp đô thị kết hợp với các hoạt động du lịch, ngoài trời, nâng cao hiệu quả sử dụng.
Hương Mi