SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Quy định về 5 nhóm hành vi vi phạm hành chính về thương mại điện tử

07:36, 18/10/2021
(SHTT) - Hiện nay, thương mại điện tử ngày càng phát triển và trở thành kênh mua bán hàng hóa được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên, trước tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng hình thức này để buôn bán trái phép, các quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử đã được ban hành.

Hiện nay, thương mại điện tử ngày càng phát triển và đang dần trở thành kênh kinh doanh, mua bán hàng hóa được nhiều người ưu chuộng bởi những tiện ích về không gian, thời gian, chi phí mà nó mang lại, đặc biệt là trước tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử thì nhiều tổ chức, cá nhân cũng lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động thương mại điện tử, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thì Chính phủ đã ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về thương mại điện tử tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2020.

hoc-ban-hang-online-mien-phi-o-dau

 

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với 05 nhóm hành vi vi phạm hành chính về thương mại điện tử gồm: (1) Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động); (2) Hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; (3) Hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; (4) Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử; (5) Hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.

Đối với nhóm hành vi về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động thì cá nhân vi phạm bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 30 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Các hành vi vi phạm thuộc nhóm này như: Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng; giả mạo thông tin thông báo trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng; không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử; tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký…

Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, từ 02 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tổ chức khi thực hiện một trong các hành vi thuộc nhóm vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động như: Thiết lập chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động nhưng quy trình giao kết hợp đồng không tuân thủ quy định của pháp luật; sử dụng đường dẫn để cung cấp thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động có gắn đường dẫn này; cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử; đánh cắp, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý; lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động…

Mức phạt tiền đối với nhóm hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cũng là từ 01 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, từ 02 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tổ chức. Một số hành vi vi phạm đáng chú ý thuộc nhóm này như: Không có biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động những thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định; tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới; tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép thông tin thanh toán của khách hàng trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử hoặc để thông tin thanh toán của khách hàng qua website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng…

Đối với nhóm hành vi thứ 4 về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử như thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin; thiết lập cơ chế mặc định buộc người tiêu dùng phải đồng ý với việc thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ, tiết lộ hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo và các mục đích thương mại khác; sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo… thì Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với cá nhân, từ 02 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm thuộc nhóm vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử thì bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tổ chức. Một số hành vi thuộc nhóm 5 này có thể kể đến như: Lợi dụng hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử để thu lợi bất chính; cung cấp dịch vụ đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký hoặc cấp phép theo quy định; gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo khi đăng ký hoặc xin cấp phép dịch vụ đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử…

Ngoài bị áp dụng hình thức phạt tiền, tùy vào hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm… 

An An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với UBND thị xã Quế Võ tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”.
Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.P.Đ về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là mỹ phẩm.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Adidas hiện đang phải đối mặt với sự thẩm vấn gay gắt của tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong nỗ lực khôi phục vụ kiện tuyên bố hãng thời trang Thom Browne đã xâm phạm nhãn hiệu ba sọc mang tính biểu tượng của công ty.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đối với ông Lê Tiến M. về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và buộc tiêu hủy lô hàng gần 7 tấn Chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện chất cấm Sibutramin trong sản phẩm giảm cân Detox Táo.