SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Quốc Hội có vai trò quan trọng trong tạo lập khuôn khổ pháp lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế

16:32, 02/11/2016
(SHTT) - Nhận thấy bài viết của PGS.TS Đặng Văn Thanh - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc Hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình kinh tế hiện nay, nên chúng tôi xin trân trọng giới thiệu lại cùng bạn đọc.

Tập đoàn kinh tế (TĐKT) là sản phẩm tất yếu, khách quan, ra đời và phát triển theo quy luật tích lũy, tích tụ tập trung, quy luật thị trường cạnh tranh và lợi ích kinh tế với lợi nhuận tối đa. Tập đoàn kinh tế là một cơ cấu sở hữu được tổ chức thành hệ thống với quy mô lớn, vừa có chức năng sản xuất - kinh doanh, vừa có chức năng liên kết kinh tế thông qua hoạt động trên nhiều ngành, lĩnh vực ở nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. 

Quoc hoi co vai tro quan trong trong viec tao lap khuon kho phap ly

 

Sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng của nước ta đòi hỏi phải có những tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ đạo và điều tiết một số lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).

Những năm qua, nhiều TĐKT, tổng công ty nhà nước đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã bảo toàn và phát triển vốn, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Quoc hoi co vai tro quan trong trong viec tao lap khuon kho phap ly a

 

Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều hạn chế, thiếu sót trong các chính sách, pháp luật đã ban hành; những tồn tại, yếu kém trong tổ chức quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của cơ quan quản lý các cấp và bản thân các tập đoàn, tổng công ty. Một số lượng không nhỏ tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả thấp, chưa phát huy tốt vai trò chủ lực trong nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước. Một số TĐKT làm ăn thua lỗ kéo dài và lâm vào tình trạng phá sản. Các TĐKT và tổng công ty nhà nước có tình trạng đầu tư dàn trải, không tập trung vào ngành kinh doanh chính, đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro và không thuộc thế mạnh của mình như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng...

 Tình trạng hoạt động kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, nợ nần của một số TĐKT đã được phát hiện và báo động từ nhiều năm nay. Không chỉ các công ty kiểm toán độc lập trong nước và quốc tế, kiểm toán nhà nước đã đưa ra những ý kiến về thực trạng tài chính của các tập đoàn, mà ngay Báo cáo giám sát của UBTVQH tại Kỳ họp thứ Sáu cũng đã nêu thực trạng các tập đoàn với nhiều số liệu, bằng chứng khá sống động. Và Qquốc Hội (QH) đã thảo luận và có nghị quyết về TĐKT cũng như chính sách đối với TĐKT.

Giám sát là một trong những chức năng, quyền hạn quan trọng của các cơ quan dân cử. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử có vai trò quan trọng. Hoạt động giám sát đối với việc hoàn thiện nhà nước không chỉ ở ý nghĩa là sự tự hoàn thiện của cơ quan này mà còn có ý nghĩa góp phần bảo đảm cho bộ máy hành chính công cũng như toàn bộ các yếu tố hợp thành xã hội - nhà nước hoạt động theo đúng khế ước đã thỏa thuận.

Để lành mạnh hóa các hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính trong các TĐKT, cần tăng cường hoạt động giám sát của QH, của chủ sở hữu, thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ, trong đó có công cụ kiểm toán nội bộ.

Quoc hoi co vai tro quan trong trong viec tao lap khuon kho phap ly b

 

Trước hết, QH cần tiến hành các hoạt động giám sát, đánh giá, nhìn nhận một cách thật nghiêm túc, khách quan con đường và cách thức hình thành các TĐKT ở nước ta, trước hết là các TĐKT thuộc sở hữu nhà nước để rút ra bài học và có sự điều chỉnh cũng như quyết sách hợp lý.

Ở nước ta, thời gian qua, các TĐKT nhà nước đang nắm giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế như bưu chính, viễn thông, xăng dầu, dầu khí, điện lực, khai thác than và khoáng sản, đóng tàu thủy... Các tập đoàn này đều được hình thành và phát triển từ sự kinh doanh độc quyền những sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế cộng với các chính sách đổi mới kinh tế của nhà nước, vị thế độc quyền của những tập đoàn này đang từng bước được giảm dần. Nhiều đơn vị, công ty thành viên của các TĐKT đã và đang được cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh có sự đổi mới, mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn trước.

Song, trên thực tế, quy mô và hình thức tổ chức của các TĐKT có thể có những thay đổi nhất định, nhưng công tác quản trị doanh nghiệp và chất lượng quản lý tại các TĐKT này (công ty mẹ) hầu như chưa có sự thay đổi đáng kể, nếu không nói là vẫn cung cách quản lý của các công ty nhà nước trước khi tuyên bố thành lập TĐKT. Trong khi nhiều công ty con trong tập đoàn đã chuyển đổi sở hữu, đã được cổ phần hóa và yêu cầu cấp bách là phải đổi mới quản trị doanh nghiệp theo yêu cầu kinh doanh, yêu cầu của các cổ đông và vì quyền lợi của các cổ đông, yêu cầu niêm yết trên thị trường chứng khoán; thì việc đổi mới công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp ở các công ty mẹ diễn ra rất chậm chạp. Quản trị doanh nghiệp tại các TĐKT chưa được công khai, minh bạch như các công ty con đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Rất khó tìm thấy một báo cáo tài chính định kỳ đầy đủ của các tập đoàn.

Quoc hoi co vai tro quan trong trong viec tao lap khuon kho phap ly d

 

Hiệu quả kinh doanh của các TĐKT nhà nước rất thấp. Nếu xét về tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hay tốc độ tăng trưởng vốn của các tập đoàn trong những năm gần đây thì sẽ thấy rất chậm. Tập đoàn được coi là có lãi cũng chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn trên dưới 10%. Tình trạng tài chính của không ít tập đoàn khá xấu, không kể Vinashin làm ăn thua lỗ, thì nhiều tập đoàn làm ăn có lãi cũng đang cõng những món nợ lớn. Có TĐKT đang có số nợ phải trả gấp 3 đến 5 lần vốn chủ sở hữu.

Hầu hết các TĐKT nhà nước chưa hoạch định được chiến lược phát triển, trong đó không làm rõ và định hình mô hình sở hữu của tập đoàn. Rất ít TĐKT nhà nước tiến hành cổ phần hóa theo đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra. Ngày 1.7.2010 là thời điểm chuyển đổi hình thức các doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã phải có quyết định hành chính đối với các doanh nghiệp, các tổng công ty, các TĐKT nhà nước. Đó là quyết định cần thiết, nhưng có lẽ chưa thật phù hợp với một nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường. Trên thực tế, sự chuyển đổi đó có phần gượng ép và hầu như chưa có sự chuẩn bị cần thiết. Có nghĩa là cái chất của doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp hầu như không có sự chuyển biến. Các TĐKT nên kinh doanh đa ngành hay đơn ngành? Đa ngành đến mức độ nào, các đơn vị thành viên được cải tổ theo hướng nào?

Quoc hoi co vai tro quan trong trong viec tao lap khuon kho phap ly e

 

Thứ hai, QH cần tăng cường giám sát quá trình phát triển TĐKT nhà nước nhờ chính sách bảo hộ của nhà nước và bằng vốn vay, vốn huy động. Hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương bảo hộ cho một số ngành công nghiệp trong nước phát triển, trong đó có một số tập đoàn nhà nước được hưởng chính sách này. Đây là chủ trương đúng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế đã có tình trạng một vài TĐKT nhà nước có tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành nhưng không phải bằng con đường cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán mà bằng vốn vay, vốn huy động (như thành lập nhiều doanh nghiệp, cấp vốn cho nhiều doanh nghiệp để thực hiện các dự án lớn nhưng nguồn vốn đầu tư chủ yếu hình thành từ vốn đi vay, hầu như không có vốn tự có). Cách làm và con đường phát triển này có nhiều hạn chế và dễ tạo nên nhiều hệ lụy. Nội lực yếu cùng với năng lực quản trị kém sẽ dẫn đến kinh doanh không đồng bộ, hiệu quả kinh doanh thấp và không ít trường hợp kinh doanh đã bị đình trệ, bị thua lỗ, mất vốn, mất khả năng thanh toán.

Thứ ba, QH cần giám sát quá trình tái cấu trúc tập đoàn dưới nhiều hình thức. Thúc đẩy và kiểm soát quá trình cổ phần hóa các TĐKT và thúc đẩy việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cho đến nay, Chính phủ đã thành công lớn trong việc cổ phần hóa và niêm yết các tổng công ty Bảo hiểm nhà nước; chuyển đổi và niêm yết 2 ngân hàng thương mại nhà nước là Vietinbank và Vietcombank. Mặc dù về tỷ lệ cổ phần nhà nước trong các tập đoàn ngân hàng và bảo hiểm còn chiếm đa số, công tác quản trị doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện so với nhiều doanh nghiệp niêm yết khác, song đã có những bước tiến lớn trong công tác quản trị doanh nghiệp. Điều dễ dàng nhận thấy là quy mô vốn, lợi nhuận cũng như thu nhập của người lao động tại các tổng công ty và ngân hàng này đều tăng cao hơn nhiều so với trước đây và doanh nghiệp đã có những cơ chế để thay đổi nội lực.

Từ việc chuyển đổi các TĐKT, có thể khẳng định con đường phát triển các TĐKT nhà nước phải gắn với việc cổ phần hóa và niêm yết chứng khoán, đi kèm với việc thu hút các đối tác chiến lược trong nước và nước ngoài tham gia vào quá trình cải tổ.

Thứ tư, giám sát quá trình hình thành và phát triển mạnh mẽ các TĐKT tư nhân, các tập đoàn kinh tế đa sở hữu. Đối tượng của nhóm này không phải là các TĐKT phát triển nhờ sự độc quyền kinh doanh hay ở vị thế độc quyền kinh doanh. Nhìn chung sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ lên doanh nghiệp lớn chủ yếu nhờ tiến trình cổ phần hóa và tăng vốn điều lệ. Các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa phát triển đi lên nhờ thay đổi cơ chế và quản trị kinh doanh tốt. Tuy nhiên, có thể thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển đi lên thành các doanh nghiệp lớn và thành các tập đoàn chủ yếu dựa vào chủ trương niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tốc độ huy động vốn cổ phần để đạt được thặng dư vốn cổ phần cao hơn nhiều so với tốc độ tích lũy lợi nhuận qua từng năm. Nhờ việc tăng vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu mới, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã có tiềm lực tài chính mạnh để thực hiện những dự án đầu tư mở rộng sản xuất ở quy mô lớn, từ đó tạo ra những khoản lợi nhuận lớn hơn nhiều, thậm chí là đột biến so với những năm trước đó.

Thứ năm, cần bảo đảm, mọi TĐKT phải hoạt động trong khuôn khổ pháp lý đã quy định và chế tài trong Luật Doanh nghiệp cho các loại hình doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp TNHH, liên danh và doanh nghiệp tư nhân. Không nên tốn nhiều công sức tìm kiếm khung pháp lý cho các TĐKT. Con đường hình thành và phát triển của các TĐKT phải trên cơ sở các công ty cổ phần đại chúng, thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứ không nên và hoàn toàn không nên dựa phần lớn vào vốn tín dụng, vốn vay hoặc vốn huy động trên thị trường tự do thông qua quan hệ đặt hàng và mua bán vật tư sản phẩm. Phát triển tập đoàn phải dựa vào việc kinh doanh những sản phẩm cốt lõi. Thực tế cho thấy khó có thể phát triển tập đoàn một cách bền vững bằng phương thức phát triển đa ngành. Tốc độ phát triển doanh nghiệp phải phù hợp với tốc độ phát triển năng lực.

Thứ sáu, QH cần sớm có quy định pháp lý về nghĩa vụ và quyền của đại diện chủ sở hữu trong việc huy động, tổ chức và sử dụng nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Thực hiện triệt để hơn việc tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước. Tách bạch rõ ràng thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. Tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoàn thiện cơ chế phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt. Nâng cao trách nhiệm giải trình của các tập thể, cá nhân được trao quyền trong các quyết định kinh doanh.

 Chấn chỉnh hoạt động đầu tư tràn lan ở một số đơn vị, nhất là sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro khi không có bộ máy, nhân lực thích hợp, gây thất thoát vốn hoặc sử dụng vốn không hiệu quả của một số tập đoàn, tổng công ty. Vốn nhà nước phải được ưu tiên tập trung đầu tư thực hiện nhiệm vụ chính được giao. Có giải pháp xử lý triệt để tình trạng nợ dây dưa, nợ chiếm dụng không lành mạnh trong nền kinh tế đang gây trở ngại lớn cho nhiều doanh nghiệp.

 Kiên quyết xử lý sớm, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Cần thì cho phá sản để tổ chức lại. Làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, không để tình trạng vốn đầu tư của Nhà nước tiếp tục bị thất thoát. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cổ phần hóa.

 Thứ bảy, cần xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát đủ năng lực và điều kiện về quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty song song với việc tăng tính trách nhiệm của cơ quan quản lý. Quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có các cơ chế thưởng - phạt bảo đảm cho Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoàn thiện quy chế đánh giá, xếp hạng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cùng với các biện pháp chế tài đủ mạnh và kiên quyết thực hiện để làm cơ sở đánh giá kết quả, chấn chỉnh hoạt động, nhân sự Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.

Thứ tám, cần xây dựng các tiêu chí mang tính bắt buộc đối với các TĐKT như tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn cần phải đạt; tốc độ tăng năng suất lao động, tăng xuất khẩu; tỷ lệ giảm tiêu hao năng lượng và nguyên vật liệu, các sáng chế, phát minh, bảo vệ môi trường... Và những kết quả đánh giá này cần được tiến hành hàng năm và công bố công khai cho nhân dân. Chủ sở hữu cần duy trì bộ phận theo dõi, đánh giá các tiêu chí giám sát từ xa, hệ thống cảnh báo về tài chính qua các hệ số thanh toán, hệ số cơ cấu vốn, sử dụng vốn và tỷ suất lợi nhuận...

Thứ chín, cần thay đổi về cơ bản công tác quản lý tài chính của các tập đoàn. Các TĐKT cần quản lý các công ty con thông qua kiểm soát tài chính. Đây là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu quản lý của công ty mẹ đối với các công ty con trong mối quan hệ đầu tư vốn; là công cụ để các chủ sở hữu, nhà đầu tư, quản lý, giám sát hiệu quả vốn đầu tư, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể sở hữu vốn tham gia đầu tư vào tập đoàn, bảo đảm quyền lợi của các cổ đông, hạn chế rủi ro cho các khoản đầu tư.

Thứ mười, QH cần có chế tài mang tính pháp lý để thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ trong các TĐKT. Bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của cả 3 vòng kiểm soát.

Trong vòng kiểm soát đầu tiên cần tạo lập và duy trì tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống các quy tắc tổ chức, các thủ tục, quy trình nghiệp vụ và các quyết định phân cấp, trao quyền, bố  trí nhân sự. Thực hiện nghiêm các quy trình, thủ tục giám sát, tuân thủ nguyên tắc bất kiêm nhiệm. Trong vòng kiểm soát thứ hai cần thiết lập và duy trì cơ chế quản trị rủi ro, gồm cả nhận dạng, đánh giá và kiểm soát các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của TĐKT. Có cơ chế hạn chế tối đa các sai sót, ngăn chặn các gian lận trong quản lý tài sản, quản lý tài chính và các quyết định kinh doanh. Trong vòng kiểm soát thứ ba, cần xây dựng và duy trì hệ thống kiểm toán nội bộ. Đây là hoạt động có tác dụng quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy của thông tin kế toán, phát hiện và sửa chữa các sai sót, phát hiện và ngăn chặn các gian lận trong các nghiệp vụ kinh tế tài chính.

Một trong các lý do yếu kém trong hoạt động tài chính, lý do dẫn Vinashin và có thể một số TĐKT khác nữa, đến tình cảnh không kiểm soát được tình trạng tài chính, không thiết lập, không duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Đặc biệt là trong một số tập đoàn, kiểm soát tài chính và thực hiện các hoạt động tài chính đều do cùng một đơn vị thực hiện, không bảo đảm tính độc lập tương đối của bộ máy kiểm toán nội bộ.

Những phân tích nêu trên cho thấy, QH có vai trò quan trọng trong việc tạo lập các khuôn khổ pháp lý cho TĐKT hoạt động; đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình hình thành, vận hành và thực hiện các chức năng của TĐKT, bảo đảm các TĐKT hoạt động có hiệu quả.

PGS.TS Đặng Văn Thanh (Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc Hội)

Tin khác

Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Theo phân tích của Financial Times, xe điện của Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán xe điện trên thị trường châu Âu trong năm nay, khi các thương hiệu của quốc gia này đang mở rộng dấu ấn của họ trong khu vực.
Kinh tế 2 giờ trước
(SHTT) - Trong chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là bộ đôi chìa khóa công nghệ trọng yếu có thể mở ra cánh cửa tương lai cho nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế 8 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Kinh tế 23 giờ trước
(SHTT) - Xiaomi ra mắt Civi 4 Pro là điện thoại đầu tiên trang bị chipset Snapdragon 8s Gen 3 và camera mang nhãn hiệu Leica. Đây là một bản nâng cấp vượt bậc so với những mẫu điện thoại tầm trung mà hãng đã ra mắt trước đó.
Kinh tế 23 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đã gửi thông báo về việc tăng cường kiểm tra ớt nhập khẩu về an toàn thực phẩm...