Quảng Trị: Đấu tranh quyết liệt với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Theo đó, vào 2 ngày 09/8/2024 và 12/8/2024, tại địa chỉ thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã lần lượt ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh ĐTH về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số tiền xử phạt là 16.000.000 đồng và buộc tiêu hủy 251 sản phẩm dệt may là áo, quần, tất giả mạo nhãn hiệu Adidas. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh XN có địa chỉ ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu với số tiền xử phạt là 7.500.000 đồng và buộc tiêu hủy 250 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu ESSE CHANGE nhập lậu.
Các hộ kinh doanh vi phạm đã xây dựng phương án và tiến hành tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm là hóa hàng nhập lậu và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu dưới sự giám sát của Đội Quản lý thị trường số 2 và các lực lượng chức năng trên địa bàn.
Cùng ngày 12/8, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh M.P, địa chỉ tại Quốc lộ 1A, thôn Gia Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với số tiền 42.750.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 2.160.000 đồng.
Trước đó, thực hiện Quyết định của Tổng cục Quản lý thị trường về việc đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025, ngày 30/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường Quảng Trị) đã phối hợp với Công an huyện Gio Linh tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh M.P.
Kết quả kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện 273 sản phẩm dệt may gồm: Quần, tất, giày giả mạo các nhãn hiệu “UNIQLO”, “NIKE” và “ADIDAS” với tổng trị giá hơn 21,5 triệu đồng, 15 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá 1,5 triệu đồng và 96 sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu với tổng trị giá hơn 11,9 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đội Quản lý thị trường số 3 đã tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên, phối hợp với chủ sở hữu các nhãn hiệu để xác minh làm rõ. Qua công tác thẩm tra, xác minh, đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu “UNIQLO” “NIKE” và “ADIDAS” khẳng định 273 sản phẩm dệt may nói trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đồng thời, qua quá trình đấu tranh và hộ kinh doanh khai nhận, hộ kinh doanh đã bán 28 sản phẩm thực phẩm và mỹ phẩm nhập lậu ra thị trường, đã thu lợi bất hợp pháp với số tiền hơn 2,1 triệu đồng.
Hữu Phúc