SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Quảng Trị chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, bảo hộ nhãn hiệu cho 190 sản phẩm

10:44, 16/10/2018
(SHTT) - Quảng Trị là 1 trong những tỉnh chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản nhất hiện nay với 190 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Đây là cơ hội để người dân nâng cao kinh tế, nâng cao giá trị nông sản.

Theo thông tin được đăng tải trên báo Dân tộc & Miền núi, tỉnh Quảng Trị đã có gần 190 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; trong đó, có 1 chỉ dẫn địa lý, 16 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận, còn lại là các nhãn hiệu hàng hóa khác. Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý nổi tiếng ở thị trường trong nước và quốc tế là hạt tiêu Quảng Trị.

Vào tháng 7/2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp Cơ quan phát triển Pháp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức lễ công bố "Chỉ dẫn địa lý hạt tiêu Quảng Trị và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tỉnh Quảng Trị".

Hạt tiêu Quảng Trị là đặc sản nổi tiếng của Việt Nam từ thế kỷ XV. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, người Pháp đã chọn Quảng Trị làm nơi trồng cây hồ tiêu và xuất khẩu sang Pháp, Singapore, Hồng Kông..., được các nhà buôn nước ngoài coi như "vàng đen".

Nhờ điều kiện địa lý đặc thù của khu vực sản xuất (biên độ nhiệt, số giờ nắng, đất đỏ bazan, thâm canh thấp.. ) nên hạt tiêu Quảng Trị có hạt nhỏ, tròn đều, mùi thơm và độ cay nồng đặc trưng.

Hạt tiêu Quảng Trị được bảo hộ chỉ dẫn địa lý gồm ba loại: hạt tiêu trắng, hạt tiêu đen và hạt tiêu dạng bột (được nghiền mịn từ hạt tiêu trắng hoặc đen) được trồng tại các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh và Hướng Hóa với diện tích khoảng 2.000 ha.

quang tri 1

 Hạt tiêu Quảng Trị có mùi thơm và vị cay nồng đặc trưng, đã được thị trường Mỹ, Pháp ưa chuộng. Ảnh: Dân Việt

Nằm trong khuôn khổ buổi lễ, có 9 sản phẩm cũng là đặc sản của Quảng Trị được cấp nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gồm: nước mắm Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng); nước mắm Cửa Việt (Gio Linh); rượu men lá Ba Nang (Đakrông); cao dược liệu Định Sơn (Cam Lộ); khoai môn (Vĩnh Linh); nước mắm Cồn Cỏ (huyện đảo Cồn Cỏ); đậu đen xanh lồng (Triệu Phong); rau sạch (TP.Đông Hà) và chuối Tân Long (Hướng Hóa).

Cà phê chè “Khe Sanh” cũng là 1 nông sản được chú trọng tại Quảng Trị. Cà phê chè có tên khoa học là Coffee Arabica, là cây công nghiệp nhiệt đới có những yêu cầu sinh thái khắt khe. Cà phê chè được trồng và thích nghi ở vùng cao từ 1.200 - 2.000 m trên mực nước biển. Trên thị trường cà phê trong nước, ngoài cà phê chè ở Lâm Đồng thì cà phê chè trồng ở Hướng Hoá, Quảng Trị được người tiêu dùng ưa chuộng bởi những khác biệt về chất lượng. Với lịch sử vùng trồng cà phê chè từ đầu thế kỷ XX, cùng với địa danh lịch sử và chất lượng khác biệt của sản phẩm, cà phê chè Khe Sanh hiện đã và đang được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Khẳng định thương hiệu cho sản phẩm cà phê chè ở Hướng Hóa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã lấy tên địa danh “Khe Sanh” để xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho cà phê chè Hướng Hóa. Vùng cà phê chè Hướng Hóa hiện có tổng diện tích khoảng 5.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 4.500 ha tập trung tại các xã Hướng Phùng, Hướng Lộc, Tân Hợp, xã Húc, thị trấn Khe Sanh...

quang tri

 Thu hoạch cà phê ở Hướng Phùng, Hướng Hóa

Xác định cây cà phê là loại cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển, nhiều năm qua huyện Hướng Hoá đã có nhiều tác động xây dựng vùng chuyên canh, hỗ trợ người trồng cà phê ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, xây dựng vùng nông sản sạch, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến sản phẩm ngay tại địa bàn đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển vùng nguyên liệu, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Vùng cà phê chè được bảo hộ NHTT “Khe Sanh” bao gồm 1 thị trấn và 9 xã thuộc huyện Hướng Hóa gồm: Khe Sanh, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Tân Hợp, Hướng Tân, Tân Lập, Tân Liên, Húc, Pa Tầng và Hướng Linh. Hội Cà phê Khe Sanh huyện Hướng Hóa là tổ chức đứng tên đăng ký NHTT và quản lý việc sử dụng NHTT “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê chè Hướng Hóa. Trung tâm đã thống nhất giữa các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện mẫu NHTT được thiết kế hàm chứa đầy đủ các dấu hiệu nhận biết thể hiện tính đặc trưng của sản phẩm, vùng địa danh và nêu rõ tên địa danh Khe Sanh.

Thái Hòa(t/h)

Tin khác

Tài sản trí tuệ 17 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Luật Nhãn hiệu mới của Trung Quốc cho thấy cam kết của quốc gia này trong việc chống lại việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, với số tiền 102,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 02 tháng.
Tài sản trí tuệ 5 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã quyết định bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Cà rốt Lương Tài” (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh).
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Chả cá Thanh Khê lâu nay luôn được biết đến như một món ngon không thể bỏ qua đối với du khách khi tới thăm Đà Nẵng. Nhằm phát huy những giá trị thương mại của món ăn đặc sản này, hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho làng nghề và sản phẩm chả cá Thanh Khê.