SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 17/04/2025
  • Click để copy

Quảng Ninh đẩy mạnh hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

17:25, 20/03/2025
(SHTT) - Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ lâu dài, kiên trì, bền bỉ. Bởi vậy công tác này cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

 Từ tháng 9/2022, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030”. Từ đó đến nay, hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được các địa phương đẩy mạnh.

Tỉnh đã phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển và Quy định quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; ban hành Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, mang tính chiến lược, định hướng lâu dài, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh, giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư vào bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, đảo và ven biển quan trọng; bảo vệ tính toàn vẹn của các hệ sinh thái từ đất liền và các đảo ra biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xử lý chất thải vùng bờ và rác thải nhựa đại dương...

Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện khoanh vùng 16 khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quý hiếm, đặc thù có giá trị kinh tế và dinh dưỡng rất cao trên địa bàn tỉnh, cụ thể: 8 khu vực bảo vệ nguồn lợi sá sùng và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng khai thác và bảo vệ nguồn lợi sá sùng với tổng diện tích là 2.844ha; khoanh vùng 6 khu vực bảo vệ nguồn lợi ngán, tổng diện tích 625ha; khoanh vùng 2 khu vực bảo vệ nguồn lợi rươi, với diện tích 60ha. Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, các địa phương tiếp tục quy hoạch, bố trí lại khu nuôi trồng thủy sản, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng phao nổi đạt quy chuẩn trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), trong đó: Tiếp tục duy trì hoạt động tàu kiểm ngư 24/24 giờ tại các ngư trường trọng điểm; vận hành có hiệu quả đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức trực 24/24 giờ tiếp nhận, xử lý thông tin theo quy định... Riêng trong tháng 1/2025, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý 20 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy sản; thu phạt nộp ngân sách nhà nước 189,75 triệu đồng.

Hiện nay, UBND tỉnh đã cho phép 2 đơn vị có đủ chức năng ứng phó sự cố tràn dầu hoạt động theo hình thức xã hội hóa, bao gồm: Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam và Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu Đông Bắc Bộ - Chi nhánh Công ty CP Tư vấn đầu tư công trình hàng hải Việt Nam. Các Trung tâm ứng trực sự cố tràn dầu thường xuyên chủ động, ứng trực, ứng phó, tập huấn diễn tập theo quy định.

1

 Cựu chiến binh xã Đông Hải (Tiên Yên) tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Giang

Đặc biệt, để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã hoàn thành lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023. Theo đó, đề xuất: Khu vực đa dạng sinh học cao; vùng đất ngập nước quan trọng; khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng; hành lang đa dạng sinh học; khu bảo tồn thiên nhiên; cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh đã thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long; thực hiện điều tra, quy hoạch, lập hồ sơ đề nghị công nhận khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR) cho khu đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên); hoàn thiện hồ sơ thành lập khu vực rừng đặc dụng mới đối với Khu bảo tồn loài sinh cảnh Quảng Nam Châu... Đồng thời, Quảng Ninh tập trung thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển; triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển và điều tra tài nguyên biển; phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - đảo Trần, từng bước thả rạn nhân tạo...

Từ năm 2019 đến nay, Quảng Ninh đã thực hiện trồng mới và trồng rừng bổ sung, phục hồi rừng kém chất lượng và chăm sóc, bảo vệ với diện tích 1.290,39ha rừng ngập mặn; bảo vệ rừng, đầu tư thiết lập các mô hình rừng bền vững có sự tham gia của cộng đồng là 18.994ha. Đã thiết lập bãi rạn san hô với 510 cấu kiện bê tông và tạo dựng bãi rạn nhân tạo để trồng cấy san hô với tỷ lệ sống là 83,6%

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng triển khai hiệu quả các dự án bảo tồn, khai thác bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, như: Dự án Khu bảo tồn động, thực vật Soi Sim trên Vịnh Hạ Long; mô hình dự án thí điểm nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long; mô hình bảo tồn các loài thực vật quý trên Vịnh Hạ Long…

Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ lâu dài, kiên trì, bền bỉ. Bởi vậy công tác này cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng người dân trên địa bàn tỉnh.

Thu Nguyệt

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam đang nỗ lực không ngừng vươn tới một kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Theo đó, tại Quyết định số 39/2025/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa được thành lập sẽ thuộc Sở Công Thương Thanh Hóa, trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa từ Bộ Công Thương.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã ký công văn khẩn số 147/SYT-NVY về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi và tay chân miệng.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Ngày 21/4 hằng năm được Liên hợp quốc (UN) chọn làm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Bộ Nội vụ mới đây đã có Công văn gửi Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.
. ..