SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Quảng Bình: Thu giữ hơn 33.000 sản phẩm không có nguồn gốc

07:19, 02/08/2022
(SHTT) - Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 5 thuộc đơn vị mới đây đã thành công phát hiện và bắt giữ hơn 33.000 sản phẩm gồm thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, kính áp tròng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, vào sáng ngày 26/7, tại Km 610 tuyến quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Quảng Bình đón dừng phương tiện vận tải là xe ô tô đầu kéo BKS số 86H-4139, rơ moóc số 51R-003.06 do ông Nguyễn Xuân Lộc có địa chỉ tại Khu phố 2, phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận điều khiển, đang di chuyển theo hướng Bắc – Nam để tiến hành kiểm tra theo thủ tục hành chính.

Đến 13 giờ 50 phút cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 5 tiến hành khám phương tiện vận tải nêu trên. Qua quá trình khám phát hiện trên xe vận chuyển số tang vật vi phạm gồm: 19.000 đơn vị sản phẩm kính áp tròng; 9.809 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm; 2.520 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng và 2.314 đơn vị sản phẩm dược phẩm sản xuất tại Thái Lan, Đức, Ý, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan và Hàn Quốc.

IMG_4195.JPG

 

Tại thời điểm kiểm tra (khám phương tiện), ông Nguyễn Xuân Lộc không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ hàng hóa nêu trên.

Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1,8 tỷ đồng.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã thiết lập hồ sơ vụ việc, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số tang vật nói trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Kinh doanh hàng hóa nhập lậu bị xử lý như thế nào?

Hàng hóa nhập lậu là gì?

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng hóa nhập lậu được hiểu là:

  • Hàng hóa nhập khẩu thuộc trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
  • Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;
  • Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
  • Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
  • Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
buon lau

 

Kinh doanh hàng hóa nhập lậu bị xử lý như thế nào?

Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu được quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể:

– Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu vừa nêu trên trong các trường hợp sau đây:

+ Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

+ Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Như vậy, có thể thấy đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa nhập lậu mà các chủ thể vi phạm này sẽ bị phạt tiền, ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả;

+ Tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Bên cạnh đó các chủ thể này còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng;

+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Khánh An

Tin khác

Tin tức 34 phút trước
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe trong khi nhóm 3 đối tượng vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đứng trước cơ hội nắm được “phao” vốn khơi thông điểm nghẽn nguồn lực.
Tin tức 36 phút trước
Hội Nữ trí thức Việt Nam – Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp phối hợp trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng - khai mạc lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ thành công".
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 24/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục Tài nguyên Khoáng sản và Xây dựng Việt Nam - Mining Vietnam 2024 đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về triển khai thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.