SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 06/04/2024
  • Click để copy

Quảng Bình: Phát hiện số lượng lớn sản phẩm may mặc giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

15:26, 18/11/2022
(SHTT) - Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình mới đây đã phát hiện một phương tiện đang vận chuyển hơn 1.500 đơn vị sản phẩm quần áo trẻ em có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng bao gồm CHANEL, GUCCI, LOUIS VUITTON, DIOR, BALENCIAGA. Số hàng hóa này cũng được xác định không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Thông tin từ Đội QLTT số 7 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cho biết, triển khai Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Bình ban hành ngày 11/11/2022, Đội QLTT số 7 đã tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là trên các tuyến giao thông đi qua địa bàn tỉnh.

Theo đó, chiều ngày 16/11/2022, trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Đội Quản lý thị trường số 7 đã phối hợp với lực lượng Tuần tra kiểm soát thuộc Phòng CSGT - Công an tỉnh tiến hành đón dừng xe ô tô tải mang BKS 89K-7279 do ông Nguyễn Văn Khương (SN 1973, trú tại thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) điều khiển theo hướng từ Bắc vào Nam để tiến hành kiểm tra theo thủ tục hành chính.

Kết quả kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển 1.545 đơn vị sản phẩm áo quần các loại gồm: 474 bộ áo quần trẻ em giả mạo các nhãn hiệu: CHANEL, GUCCI, LOUIS VUITTON, DIOR, BALENCIAGA đang được bảo hộ tại Việt Nam và 1.071 cái/bộ áo quần, váy trẻ em các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trị giá lô hàng ước tính 300 triệu đồng.

anh 1

 

Toàn bộ số hàng hóa nói trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp, không gắn dấu hợp quy, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định của pháp luật. Đội Quản lý thị trường số 7 đã thiết lập hồ sơ vụ việc, tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để tiếp tục xử lý.

Thời gian tới là thời điểm cuối năm 2022 và trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh và chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 7 sẽ tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên các tuyến giao thông đi qua địa bàn tỉnh; trong đó tập trung cao điểm kiểm tra kiểm soát đối với các nhóm mặt hàng như: Rượu, bia, thuốc lá điếu, thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm thời trang…; thực hiện có hiệu quả các giải pháp đấu tranh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. 

Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

  • Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự.
  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

Đối với các trường hợp vi phạm, pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định xử lý rõ ràng như sau:

Quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ

Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả cũng được quy định tại điều 214 của Luật sở hữu trí tuệ, theo đó:

Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như:

Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu; phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.

Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

Buộc tiêu huỷ, phân phối, đưa vào sử dụng (bao gồm cả nguyên liệu, vật liệu và phương tiện sản xuất) không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ. Với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.

Ngoài ra, điều 212 Luật sở hữu trí tuệ cũng có quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Cụ thể:

Trường hợp mua bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017):

Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.

Quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP

Khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt từ 1.000.000 đến 100.000.000. Tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật. Cụ thể như sau:

Mức phạt tiền

Trường hợp giá trị hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật

Trường hợp thu lợi bất hợp pháp

Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng

Dưới 3.000.000 đồng

Dưới 5.000.000 đồng

Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

Từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng

Từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng

Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

Từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng

Từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng

Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng

Từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng

Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

Từ 30.000.000 đồng trở lên(không bị truy cứu trách nhiệm hình sự)

 

 Trong một số trường hợp vi phạm cụ thể có thể phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định.

Khánh An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 12 giờ trước
(SHTT) - Các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã phát triển một loại chip mới hoạt động dựa trên năng lượng ánh sáng thay vì điện áp như các chip silicon thông thường.
Tài sản trí tuệ 12 giờ trước
(SHTT) - Đội trưởng Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Nam Định vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15.000.000 đồng và tịch thu tang vật vi phạm trị giá gần 40.000.000 đồng đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hiếu 95 do có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Tài sản trí tuệ 12 giờ trước
(SHTT) - Ngày 05/4/2024, ba đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1, 5 và 15 thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất 06 Cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn, qua đó phát hiện nhiều hành vi buôn bán sản phẩm giả mạo thương hiệu Gạo Ông Cua.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang vừa kiểm tra nhiều cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn, phát hiện vàng không tiêu chuẩn, nhãn hàng trị giá gần 1,5 tỉ đồng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Chiều ngày 4/4, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) đã tiến hành kiểm tra 3 cửa hàng kinh doanh vàng, bạc trên địa bàn thành phố Hà Nội và phát hiện nhiều hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.