Quan Sơn: Huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Một góc Huyện Quan Sơn
Được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án của các cấp, ban, ngành đã giúp bà con trong bản làm đường giao thông, cải thiện vệ sinh môi trường, xóa nhà tranh, tre dột nát; hỗ trợ gia súc, gia cầm giống giúp bà con phát triển sản xuất,... Không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất, Huyện ủy, UBND huyện Quan Sơn còn cử cán bộ về “cắm bản” cùng ăn, cùng ở để trực tiếp vận động, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng vầu, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp,...
Xác định XDNTM trên địa bàn huyện phải huy động lồng ghép tất cả các nguồn lực. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện, thu hút từ doanh nghiệp thì nguồn vốn đối ứng của địa phương đóng vai trò chủ đạo. Tổng số vốn huy động XDNTM từ năm 2021 đến tháng 5/2024 toàn huyện đạt 604 tỷ 846 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 76 tỷ 938 triệu đồng, ngân sách tỉnh 9 tỷ 550 triệu đồng, ngân sách huyện 930 triệu đồng, ngân sách xã 1 tỷ 200 triệu đồng. Số vốn còn lại là lồng ghép từ các chương trình, dự án, Nhân dân đóng góp, vốn đầu tư của doanh nghiệp, HTX, vay tín dụng...
Từ nguồn vốn huy động, Nhân dân đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như: giao thông, hệ thống điện, thủy lợi, nhà văn hóa, nhà ở...; đầu tư phát triển sản xuất. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Quan Sơn đã được đầu tư xây dựng, tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn miền núi, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống người dân.
Huyện Quan Sơn đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và xác định các lĩnh vực mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và tiềm năng phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao gắn xây dựng sản phẩm OCOP. Kết quả nổi bật hiện nay, huyện Quan Sơn đã có 2/11 xã về đích NTM; 57/83 bản đạt chuẩn NTM; 9 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn huyện đã có 9 sản phẩm OCOP 3 sao.
Điển hình như tại xã Tam Lư, công tác tuyên truyền, vận động đã có hiệu quả, cán bộ và Nhân dân trong xã nhận thức rõ cơ chế vận hành của Chương trình XDNTM là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. Không những đã khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà còn tích cực học hỏi, tham quan, chủ động xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi cho thu nhập khá cao. Người dân đã có ý thức chủ động trong công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã Tam Lư hiện có hơn 3.000ha rừng vầu, 1.875ha rừng luồng phát triển tốt. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. Hiện nay, xã Tam Lư có 13 cơ sở chế biến lâm sản, không những thu mua nguyên liệu cho người dân mà còn giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho gần 150 lao động trực tiếp và 564 lao động gián tiếp. Tam Lư là xã đầu tiên của huyện Quan Sơn hoàn thành XDNTM vào năm 2018. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; an ninh trật tự xã hội được giữ vững, ổn định.
PV
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
