SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Quản lý tài sản trí tuệ: Vấn đề là đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu

11:44, 29/11/2019
Báo điện tử Đại biểu Nhân dân đã có bài phỏng vấn ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về vấn đề quản lý tài sản trí tuệ trong các viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ.

Thưa Ông, trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, các doanh nghiệp và viện, trường cũng như các tổ chức khoa học công nghệ của Việt Nam đang có những cơ hội và thách thức nào trong việc quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ?

Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn: Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức cao, chủ động tham gia và đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Việt Nam đã chính thức phê chuẩn và tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 14.1.2019, ký Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) ngày 30.6.2019, nộp Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay vào ngày 30.9.2019...

Cơ hội lớn có thể kể đến là sự giúp đỡ từ tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Hiện nay WIPO đang chủ trì dự án Môi trường Sở hữu trí tuệ kiến tạo (dự án EIE) dành cho 5 quốc gia khu vực châu Á và Dự án mạng lưới các Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (TISC). Mục tiêu chính của Dự án TISC là trợ giúp và cung cấp cho các chủ thể các thông tin sở hữu công nghiệp, đặc biệt là thông tin sáng chế và các thông tin liên quan, giúp các chủ thể khai thác và phát huy các tiềm năng để tạo lập, bảo hộ và thương mại hóa các tài sản trí tuệ.

pha ngan son

 Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các chủ thể, trong đó có doanh nghiệp, viện, trường cũng như các tổ chức khoa học công nghệ là tìm được đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu, làm sao cho các sản phẩm này đi vào thực tế và vượt qua được một khoảng cách lớn từ các kết quả nghiên cứu đến sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Cùng với đó là cơ cấu tổ chức, nhân lực của bộ phận quản trị tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ chưa được đầu tư đúng mức. Một số đơn vị chưa có được các phòng, ban chuyên trách về sở hữu trí tuệ, cán bộ hoạt động sở hữu trí tuệ còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. 

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa xây dựng được chính sách về sở hữu trí tuệ và quy chế hoạt động của đơn vị trong lĩnh vực này, do đó gặp nhiều khó khăn trong các khâu khuyến khích sáng tạo, xác lập quyền, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa. Từ thực tế đó dẫn tới việc chưa phát huy hết nội lực đổi mới sáng tạo, chưa tạo lập được các quyền sở hữu trí tuệ, dẫn tới không có các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa theo đúng nghĩa. 

Vậy Cục Sở hữu trí tuệ đóng vai trò gì trong việc xây dựng và phát triển môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo ở Việt Nam, đặc biệt là trong việc kết nối mạng lưới các doanh nghiệp và viện, trường cũng như các tổ chức khoa học - công nghệ?

Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn: Một môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo là môi trường trong đó bao gồm: một hệ thống đổi mới sáng tạo phù hợp; các viện, trường có cơ cấu tổ chức thích hợp; các quy trình hiệu quả với nhân lực có trình độ được bố trí hợp lí và mối quan hệ mật thiết giữa các ngành có liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tất cả các yếu tố nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình sáng tạo tri thức, chuyển giao tri thức và chuyển đổi từ tri thức thành các sản phẩm, dịch vụ để cung cấp cho xã hội.

Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan trực tiếp tham mưu, đề xuất và hoạch định chính sách về sở hữu trí tuệ - một thành tố quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. 

Cục Sở hữu trí tuệ đã ký kết với WIPO Thỏa thuận về Dự án “Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo”. Theo Thỏa thuận, WIPO sẽ hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ triển khai Dự án “Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo”. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ của các viện, trường trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, đăng ký và thương mại hóa các sáng chế, cũng như chuyển giao công nghệ. Đội ngũ này sẽ đóng vai trò trung tâm giúp nâng cao số lượng, chất lượng và giá trị thương mại của sáng chế trong các viện, trường, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng, khai thác thông tin sáng chế để tránh trùng lặp trong nghiên cứu. 

Bên cạnh đó, Dự án sẽ hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu tăng cường năng lực phát triển, quản lý và thương mại hóa công nghệ thông qua việc trang bị các công cụ, kỹ năng và kiến thức phù hợp; thúc đẩy sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và viện, trường cũng như các tổ chức khoa học công nghệ thông qua hoạt động liên kết, quan hệ đối tác, phối hợp, tương tác và giao dịch về thương mại hóa công nghệ. 

Kết quả của Dự án sẽ thiết lập một Mạng lưới các chuyên gia về công nghệ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng về sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực có liên quan khác, cũng như xây dựng được một trục xoay và các nan hoa, trong đó Cục Sở hữu trí tuệ đóng vai trò là Trục, còn các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp đóng vai trò là nan hoa. Dự án sẽ được triển khai trong vòng 5 năm từ 2019 đến 2023.

Với dự án Môi trường Sở hữu trí tuệ kiến tạo, Cục Sở hữu trí tuệ đóng vai trò là trục xoay trong mô hình trục xoay và nan hoa, theo đó vai trò chính của Cục Sở hữu trí tuệ bao gồm: là tổ chức hàng đầu chịu trách nhiệm về các hoạt động và quy trình chung của dự án, tham gia vào tất cả các hoạt động và định hướng năng lực cho phát triển công nghệ, quản lý và thương mại hóa công nghệ dựa trên sở hữu trí tuệ trong nước; Tổ chức và quản lý các sự kiện và hoạt động quốc gia của Dự án EIE, tạo điều kiện liên lạc và phối hợp các hoạt động giữa WIPO và các nan hoa…

Theo đó, làm thế nào để các các doanh nghiệp và viện, trường cũng như các tổ chức khoa học công nghệ vượt qua được khoảng cách rất lớn để đưa kết quả nghiên cứu khoa học trở thành sản phẩm, dịch vụ thương mại trên thị trường và kết nối với doanh nghiệp, chuyên gia cũng như các thành tố khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thưa Ông?

Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn: Để đưa kết quả nghiên cứu khoa học trở thành sản phẩm, dịch vụ thương mại trên thị trường cần sự nỗ lực từ nhiều cơ quan, bộ, ngành tham gia nhưng trong đó lĩnh vực sở hữu trí tuệ đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu - xác lập quyền - chuyển nhượng quyền - thương mại hóa. 

Để có thể làm được điều đó, việc củng cố bộ máy chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ là cần thiết, tăng cường năng lực quản trị tài sản trí tuệ là quan trọng, bên cạnh đó việc hợp tác giữa các doanh nghiệp và viện, trường cũng như các tổ chức khoa học công nghệ trong việc định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm là khâu then chốt.

Trong tất cả các giai đoạn nêu trên, việc tạo ra một chính sách sở hữu trí tuệ phù hợp là một yếu tố quan trọng giúp các hoạt động này triển khai theo đúng định hướng. Ngày 22.8.2019, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, đây sẽ là văn kiện quan trọng, làm nền tảng trong việc thúc đẩy sở hữu trí tuệ nói chung cũng như hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa nói riêng. 

Dự án EIE tập trung vào lĩnh vực thương mại hóa nên ngay từ khi thiết kế, WIPO đã đưa ra lộ trình thích hợp đối với từng quốc gia tham gia Dự án để đảm bảo trang bị đầy đủ các kiến thức cho các thành viên tham gia Dự án. 

- Xin cám ơn Ông!

Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.