Phượt Cù Lao Chàm, ngắm loài hoa 'hoàng cung'
Những đời người gắn với đời hoa
Sáng 9 giờ tàu nối tàu rời bến Cửa Đại lướt trên sóng êm ru, gió nồng và nắng trong sau mưa soi mặt biển xanh ngăn ngắt. Chỉ 15 phút đã cập bến thủy nội địa Cù Lao Chàm. Bến tấp nập hơn khi rộ thông tin về Festival chủ đề Hoa ngô đồng đỏ lần đầu tiên được tổ chức.
Ba ngày nữa mới tới Festival nhưng khắp bến bãi đã rộn rã chuẩn bị ngóng khách đến chiêm ngắm loài hoa 'hoàng cung' trên xã đảo Tân Hiệp. Khi nhàn tay, họ bàn luận sôi nổi về cái đẹp của ngô đồng đỏ.
Chị Thanh, chủ homestay ở Bãi Ông xởi lởi: “Từ nhỏ tới lớn ngước lên đồi đã thấy ngô đồng nhưng ít ai để ý hoa của nó. Song võng ngô đồng đỏ ru giấc trưa say nồng gió biển, hạt ngô đồng thơm bùi lót dạ đêm đông bão về, tán ngô đồng che bóng mát tuổi thơ tôi".
Là một trong mười hai hộ gia đình khai hoang thôn bãi Ông, chị Thanh chỉ nhớ năm 10 tuổi ngoại đã có một chiếc võng ngô đồng đỏ nằm chứ không biết nghề có nguồn gốc từ đâu. Chiếc võng cũ, đã chuyển từ màu ngà trắng sang màu đen, những sợi ngô đồng xơ khi nằm lâu năm trở nên nhẵn bóng. Người ta kháo nhau rằng võng ngô đồng đỏ hút mồ hôi, càng nằm càng đỡ đau lưng.
Anh Huỳnh Tấn Luyến, cán bộ phụ trách Du lịch UBND xã Tân Hiệp hồ hởi khi trở thành “hướng dẫn viên” đưa chúng tôi đi vào những ngõ ngách nhà nằm giữa lưng chừng dốc rồi xuôi xuống Bãi Làng tìm các truyền nhân của nghề đan võng ngô đồng đỏ.
“Cuối tuần nhóm người đan võng của làng thường ra ngoài sân đan và kể chuyện cho khách nghe. Họ đều lớn tuổi rồi nên hôm khỏe hôm mệt là chuyện thường”, anh nói thêm.
Sau khi hỏi vài nghệ nhân không thể tiếp chuyện vì đang mệt chúng tôi mới gặp một người đang ngồi vuốt lại những bó sợi ngô đồng. Bà là Ngô Thị Lê (68 tuổi, thôn 3 Bãi Làng).
“Chỉ gom lá rừng nấu nước bán không đủ sống. Tình cờ trong lần qua nhà bà Sơn - một trong những truyền nhân nghề đan võng có tiếng ở Cù Lao Chàm chơi tôi đã xin học nghề”, bà Lê nhớ lại.
Nói về người “thầy” truyền nghề, bà Lê tiếp lời: “Không còn thiếu thốn nữa nên con cái bà Sơn không cho làm tiếp, nhiều người cũng đã mất nên đếm số người biết đan ở bãi Làng nay chưa hết một bàn tay”. Bà vừa chấm nước thấm ướt sợi cho đỡ đau tay vừa chăm chút tỉ mỉ.
Người bãi Làng muốn lấy nguyên liệu thường đi nửa ngày đường qua hòn Lao. Chọn cây thân suôn, thẳng và không có nhánh đem ngâm xuống suối 12 ngày, họ dùng đá chần bởi nếu nổi lên mặt nước vỏ ngô đồng sẽ thâm. Sau khi vớt vỏ lên, họ tách thành từng lớp sợi. Khó nhất là bắt đầu đan phần gài và các nút võng bởi phải chắc tay, đều mới đẹp.
Võng ngô đồng đỏ có giá từ 4 triệu - 7 triệu/chiếc, thu nhập 52 triệu/ năm thời điểm nghề đan võng thịnh, chưa có đại dịch Covid-19. Võng ngô đồng có giá là thế song không phải khi nào bãi Làng cũng có võng đan sẵn.
Nhiều du khách ghé vào làng thăm đã bày tỏ luyến tiếc bởi lớp người đan võng đang dần già yếu còn lớp trẻ kế cận lại chưa có ai.
Loài hoa tôn quý nở gọi khách muôn phương về
Theo cuốn "Đất nước Việt Nam qua cửu đỉnh Huế" của nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, ngô đồng là một trong chín loài hoa được vua Minh Mạng chọn chạm khắc lên Nhân đỉnh – đỉnh đồng mang thụy hiệu của mình như một biểu tượng của bến đỗ an yên, thái hòa và tôn quý.
Ở Cù Lao Chàm, đoạn đường Bãi làng đến Bãi Xếp là con đường hoa ngô đồng với hàng chục cây ngô đồng mọc thành cụm phủ bóng. Sau mùa thu đổ lá cho hạt, mùa đông cây sống ẩn mình khiêm nhường. Sang xuân, ngô đồng sống chan hòa như muôn màu xanh lá rừng khác, hấp thụ tinh hoa đất trời để tháng bảy cho bông.
“Hầu hết ngô đồng ngoài đảo mọc tự nhiên, gần đây mới có người dân đem về trồng trong xóm làng, các điểm công cộng cho đẹp”, anh Luyến cho hay.
“Buổi sáng được dắt đi bộ lên dốc. Nghĩ có cái gì trên ấy đâu thế mà tự nhiên giữa đỉnh dốc nhìn xuống bừng lên trước mắt em là con đường dài bên biển bên rừng mang tên Ngô Đồng Đỏ . Một rừng hoa đỏ cháy bừng bừng giữa hạ”, Nguyễn Thị Tâm, (31 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) giới thiệu.
Không chỉ có hoa, người dân thân thiện khiến du khách say lòng. Trên con đường Ngô Đồng Đỏ còn dễ gặp gỡ những loài động vật hoang dã. Dưới gốc cây ngô đồng di sản lớn tuổi và cao nhất Cù Lao Chàm, chúng tôi cùng ngước lên hồi hộp dõi theo con khỉ nhỏ trèo lên thân cây màu xám, đu cành chơi. Con sóc bay lần theo chạy nhảy, chim chóc ríu ran trong từng tàng cây khiến du khách ồ lên đầy thích thú.
Anh Mai Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: "Ngoài vẻ đẹp hiếm có, ngô đồng đỏ còn là nguyên liệu để làm túi, dầu Ngô đồng, kem chống nắng, thực phẩm..."
Vài ngày nữa hoa sẽ nở rộ. Festival khẳng định thương hiệu hòn đảo ngô đồng đỏ độc nhất. Chị Thanh đưa túi hạt ngô đồng cho chúng tôi về xuôi.
“Mình cứ cho đi thì sẽ có người cho mình lại”, chị chất phác, hiền lành như những mùa hoa khiến ra về còn lưu luyến. Phượt Cù Lao Chàm mùa hoa ngô đồng đỏ cảm nhận không chỉ có hoa.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An thông tin: "Festival Cù Lao Chàm – Mùa hoa Ngô đồng đỏ sẽ diễn ra từ ngày 22 -23/7/2022 tái hiện lại nét đẹp văn hóa và các hoạt động thể thao mang chất đặc trưng của người dân xứ đảo với các hoạt động chính: Giải lắc thúng chai; Trình diễn Cano nghệ thuật; Khai trương tuyến đường Ngô đồng đỏ kéo dài từ dốc Bãi Làng đến Bãi Xếp; Đêm hội Âm nhạc và Ẩm thực; Triển lãm các sản phẩm làm từ hoa Ngô đồng cùng nhiều chương trình khác".
Bảo Hòa
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Giá Givi hrx có đèn