Phụ nữ Thủ đô tích cực triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn
Trong suốt 3 năm qua, mô hình đã lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo ra lợi ích kép bảo vệ môi trường - tự tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh; hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới sáng - xanh - sạch - đẹp.
Nâng cao vai trò Hội LHPN huyện Phúc Thọ trong công tác triển khai mô hình
Mỗi ngày, ước tính toàn thành phố Hà Nội phải đối mặt với hơn 7 nghìn tấn rác thải sinh hoạt, tình trạng rác thải ngày một gia tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Trước thực trạng đó, Hội LHPN huyện Phúc Thọ lên kế hoạch phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện triển khai thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Sau hơn 3 năm thực hiện, Hội LHPN huyện Phúc Thọ đã triển khai mô hình tại 17/21 xã, thành phố; riêng trong năm 2024 đã triển khai trên 6 xã. Để đạt được kết quả này, Hội LHPN huyện đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.
Hội LHPN huyện tiến hành xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Phòng TN&MT huyện, đơn vị Trạm Xanh tổ chức các buổi Hội nghị tập huấn hướng dẫn, tuyên truyền trên địa bàn các xã. Bên cạnh đó, Hội LHPN cũng đã lựa chọn những gia đình, hội viên nòng cốt tham gia tập huấn mô hình để có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa, trách nhiệm, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các hội viên phụ nữ được chọn làm lực lượng nòng cốt trong gia đình, từ đó lan tỏa mô hình đến các hộ gia đình khác trong toàn xã.
Để giúp người dân dễ dàng áp dụng mô hình tại gia đình, Hội LHPN huyện bước đầu hỗ trợ việc cung cấp chế phẩm sinh học ủ rác VBIO, thùng ủ, hướng dẫn tự làm thùng ủ cùng với kiến thức thông qua các buổi tập huấn chuyên sâu và hướng dẫn chi tiết trong các nhóm Zalo. Những giải pháp này không chỉ mang đến sự thuận tiện mà còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận mô hình một cách đầy đủ, hiệu quả ngay tại nhà.
Song song với quá trình triển khai, Hội LHPN huyện tổ chức hội nghị tổng kết nhằm ghi nhận kết quả cụ thể tại các xã, hội viên tham gia, số lượng rác thải đã được phân loại, khối lượng phân bón thu được. Đồng thời đôn đốc, nhắc nhở, động viên các hội viên tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình.
Lợi ích kép từ mô hình: Bảo vệ môi trường và thúc đẩy sản xuất Nông nghiệp bền vững
Trong quá trình triển khai mô hình, Hội LHPN huyện gặp phải nhiều khó khăn, từ việc nhận thức của hội viên chưa đầy đủ, công đoạn phân loại và xử lý rác mất nhiều thời gian đến việc một số hộ dân không có nhu cầu sử dụng phân bón, điều kiện kinh tế còn hạn chế. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực không ngừng, bám sát lộ trình đã đề ra, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của UBND địa phương và Hội LHPN các xã, mô hình đã từng bước khẳng định lợi ích thiết thực.
Việc phân loại và xử lý rác sinh hoạt thải tại nguồn giúp giảm thiểu lượng rác thải ra mỗi ngày, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời tạo ra nguồn phân bón hữu cơ, giúp bà con tiết kiệm chi phí và tăng năng suất nông nghiệp. Đặc biệt, sau khi áp dụng mô hình, chất lượng cảnh quan, không khí và môi trường sống ở nhiều khu vực trong huyện đã có sự thay đổi rõ rệt. Người dân bắt đầu có ý thức hơn về việc giữ gìn môi trường, xem việc phân loại rác thải là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Lan tỏa, nhân rộng mô hình đến với các hộ gia đình
Bà Lê Thị Thư, chủ tịch Hội LHPN huyện Phúc Thọ cho biết “Cần phải đẩy mạnh, lan tỏa mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn mang tính đồng bộ, toàn diện trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng, khi người dân nhận thấy được lợi ích thiết thực của mô hình thì họ sẽ tiếp tục tham gia và trở thành hội viên nòng cốt giúp lan tỏa mô hình tiếp cận đến toàn bộ các hộ gia đình trong xã”. Bà Lê Thị Thư cũng nhấn mạnh Hội LHPN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đoàn thể để nhân rộng mô hình, đồng thời kêu gọi các tổ chức cùng tham gia phát triển mô hình.
Dựa trên kết quả thành công ban đầu, Hội LHPN huyện Phúc Thọ đặt ra mục tiêu mở rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn không chỉ tại các xã xây dựng nông thôn mới, mà còn hướng tới việc xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về môi trường.
Ngoài mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, Hội LHPN huyện phát triển thêm nhiều mô hình khác như phân loại và xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi gia súc gia cầm, mô hình cánh đồng xanh 3 không. Điều này góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc cải thiện môi trường sống và bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan.
Mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn đã đạt những kết quả tích cực, không chỉ trong việc cải thiện môi trường sống mà còn trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của người dân đồng thời tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục đồng hành và phối hợp chặt chẽ với Phòng Tài nguyên và Môi Trường, đơn vị Trạm Xanh cùng các cơ quan đoàn thể để duy trì, phát triển mô hình mang tính đồng bộ, lan tỏa rộng rãi đến các địa phương, khu vực lân cận.
Phạm Tài - Quang Huyên - Niềm Vui
TIN LIÊN QUAN
-
iHanoi: Phát huy hiệu quả, là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử
-
Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng lần thứ nhất: Đưa nét họa Việt vươn xa
-
Nâng cao hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điều hành giao thông
-
Trên 297.000 tỷ đồng ngân sách cho Chương trình xây dựng nông thôn mới