Phụ nữ Đà Nẵng tạo ra nhiều sản phẩm giá trị mới từ ý tưởng đời thường
“Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Đà Nẵng hỗ trợ, tham mưu UBND TP xem xét, công nhận 53 sáng kiến có tác dụng và tạo ra những giá trị mới cho cuộc sống. Trong đó, có 35,4% tác giả/đồng tác giả là nữ (51/144 cá nhân)”, tiến sĩ Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng - nhấn mạnh con số ấn tượng.
Bà nội trợ đến nhà khoa học nữ đều có thể đổi mới sáng tạo
Trong các buổi triển lãm, hội thảo… chủ nhân nhiều gian hàng KNĐMST của thành phố là các “bóng hồng” tài năng, sáng tạo của Đà Nẵng.
Một trong những “bóng hồng” tài năng, sáng tạo đó là tiến sĩ Lê Thị Xuân Thùy – Đại học Đà Nẵng, người đang sở hữu 4 bằng sáng chế về môi trường, được TP Đà Nẵng khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN năm 2018.
Tham gia Hội thảo khoa học “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” vừa qua tại Đà Nẵng, tiến sĩ Thùy mang đến sản phẩm lọc nước loại bỏ cặn, đất, cát, tạp chất có kích thước lớn trong nước, cân bằng pH, loại bỏ mùi, kim loại nặng, loại bỏ siêu cặn với hơn 99% vi khuẩn có hại. Thiết bị nhỏ gọn xử lý được bồn nước đầy đất, bùn phèn nơi môi trường lý tưởng cho khuẩn E-coli và các loại khuẩn gây hại sức khỏe khác sinh sôi… Đây cũng là sáng chế tiến sĩ Thùy nghiên cứu vì sức khỏe gia đình.
“Tôi có 11 năm du học ở Nhật Bản, ở đó, giáo sư của tôi có 4 bằng sáng chế, trong các siêu thị nơi tôi theo học chủ yếu sản phẩm đều do phụ nữ nội trợ Nhật Bản sáng chế. Sau khi trở về Việt Nam, tôi cũng mong muốn mình có thể làm được những điều như vậy”, tiến sĩ Thùy cho biết.
Để đăng ký sở hữu trí tuệ, bên cạnh những điều kiện chung như có ý tưởng mới lạ, chứng minh được tính khả thi của giải pháp, trình bày ý tưởng theo mẫu, nộp hồ sơ và đợi kết quả, phụ nữ cần nhất là sự ủng hộ của gia đình. Nhà khoa học nữ Xuân Thùy cho rằng chồng cô là “nhà đầu tư thiên thần” đầu tiên tin tưởng vào sáng chế của vợ, nhờ đó bà tự tin, mạnh dạn, bền bỉ với nghiên cứu khoa học.
Bà Trịnh Thị Hồng - CEO Minh Hồng Biotech cho biết công ty ứng dụng công nghệ sinh học, xử lý chế phẩm hữu cơ làm nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm tẩy rửa. Minh Hồng Biotech xử lý 109 tấn rác hữu cơ thực vật/tháng, tạo việc làm tại nhà cho 140 phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như khuyết tật, neo đơn, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ.
Các chế phẩm của Minh Hồng Biotech ứng dụng công nghệ cao, tận dụng cơm thừa chưa phân hủy kết hợp thảo dược làm dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, nước súc miệng. Sản xuất bột ngâm rửa rau, quả, nhằm khử độc các thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư bằng enzyme. Khử khuẩn như trứng giun, các vi khuẩn có hại như ecoli bằng thảo dược trầu không, hạt cau, lá ổi, chè xanh, đại bi và muối. Nước rửa tay, nước vệ sinh toilet, nước chùi bếp, lau kính vừa làm sạch vừa kháng khuẩn bảo vệ sức khỏe.
“Chúng tôi từng tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và cả hoài nghi của nhiều người. Không biết bao nhiêu đêm cặm cụi trên máy tính tìm hiểu công nghệ mới, công nghệ sản xuất chất tẩy rửa hữu cơ. Có lần chúng tôi tự tiêu hủy hàng ngàn lít sản phẩm vì chất lượng không ổn định.
Trước đây, tôi nghĩ ngành KH&CN rất vĩ đại, phải có học hàm, học vị, tiến sĩ, kỹ sư… Năm 2015 tôi nhận cuộc điện thoại từ Sở KH&CN hỏi: “Chị cần bên em giúp gì không”. Tôi trả lời: “Cần, rất cần và cần giúp nhiều lắm em ơi”. Từ đó, tôi biết KH&CN là như thế nào", bà Hồng nhắc lại quá trình khởi nghiệp.
Tích cực khuyến khích phụ nữ sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ
Tại Hội thảo Khoa học chủ đề “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, thạc sĩ Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trình bày bài tham luận chuyên đề “Sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo; một số nhà khoa học, doanh nghiệp nữ điển hình ở Việt Nam”.
Ông Bảy nhấn mạnh: “Luật không quy định phân biệt nam hay nữ, doanh nghiệp khởi nghiệp cũ hay mới, nhưng các chính sách luôn có những quan tâm, ưu ái dành cho phụ nữ tham gia hệ thống sở hữu trí tuệ”.
Thạc sĩ Trần Thị Thùy Dương - Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ - cho biết: “Thời gian qua công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách về sở hữu trí tuệ và hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và sáng kiến được quan tâm. Nhiều chính sách được ban hành, hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Nhân sự sở hữu trí tuệ được kiện toàn.
Năm 2022, Sở KH&CN đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tiếp nhận và xử lý theo đúng thẩm quyền 9 vụ việc liên quan kiến nghị, phản ánh của công dân về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Sở Văn hóa và Thể Thao TP Đà Nẵng xử lý 1 hồ sơ khiếu nại liên quan đến bản quyền Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam năm 2022. Tuy nhiên qua quá trình xử lý, không phát hiện hành vi vi phạm.
Cục Quản lý thị trường xử lý 74 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa phạt tiền hơn 511 triệu đồng.
Phong trào thi đua, lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trên địa bàn cũng như khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Sở KH&CN có 63% là nguồn nhân lực thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ. Sở KH&CN còn hỗ trợ cho 2 cá nhân nữ là chủ nhân của 2 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích; hỗ trợ 5 tổ chức thực hiện 5 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 với số nữ chủ nhiệm đạt 80% trong tổng chủ nhiệm nhiệm vụ; đăng ký xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với 5 sản phẩm đặc thù địa phương có phần đông lao động sản xuất kinh doanh là nữ.
Hãy tưởng tượng những gì chúng ta có thể đạt được khi có nhiều phụ nữ hơn tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt khi gắn kinh doanh song hành với ý tưởng và quan điểm mới, chúng ta sẽ được hưởng lợi.
Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng
Năm 2019 – 2022, Sở KH&CN tham mưu UBND thành phố tặng Bằng khen cho gần 30% nữ trí thức (89 nữ/298 cá nhân), phụ nữ có tài sản trí tuệ là sáng chế, giải pháp hữu ích 7/22 cá nhân, phụ nữ có công trình nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng cấp bộ; 8/58 cá nhân, phụ nữ có bài báo khoa học quốc tế là 74 nữ/218 cá nhân…
Trải qua nhiều thế hệ, phụ nữ định hình thế giới của chúng ta bằng tự khéo léo và sáng tạo của mình. Phụ nữ khắp mọi nơi đang thúc đẩy các đột phá khoa học, thiết lập xu hướng sáng tạo mới, tạo dựng doanh nghiệp và làm biến đổi thế giới chúng ta.
“Phụ nữ mang đến quan điểm và tài năng mới. Nhưng có một vấn đề, quá ít phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ. Có quá ít phụ nữ hưởng lợi từ sở hữu trí tuệ.
Thời gian đến, Sở KH&CN tiếp tục đề cao sức sáng tạo của phụ nữ, khuyến khích phụ nữ tìm hiểu, sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ thông qua việc triển khai Chương trình tài sản trí tuệ TP Đà Nẵng đến năm 2030 cùng các chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, hỗ trợ phụ nữ trong các hoạt động KNĐMST, KH & CN khác...”, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng - Lê Đức Viên - khẳng định.
Bảo Hòa
TIN LIÊN QUAN
-
Đà Nẵng đón nhận 'thừa kế' sáng tạo ma nhai Ngũ Hành Sơn của tiền nhân
-
Đà Nẵng: Khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ của sản phẩm OCOP
-
Khai trương Trung tâm Hướng nghiệp Pháp ngữ Đà Nẵng: Đổi mới theo thị trường lao động
-
Lần đầu tiên lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng được tổ chức quy mô cấp thành phố