SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 23/03/2024
  • Click để copy

‘Phố tranh’ Trần Phú (TP.HCM): Thiên đường sao chép, muốn tranh nào cũng có

11:12, 22/11/2022
Các cửa hàng tranh nghệ thuật trên đường Trần Phú (Quận 5, TP.HCM) vô tư đạo nhái tranh, chép tranh của nhiều họa sĩ để bán cho khách có nhu cầu.

Ngang nhiên vi phạm tác quyền vì lợi nhuận

Đạo, nhái tranh, chép tranh, làm tranh giả trên thị trường mỹ thuật Việt Nam là câu chuyện không có gì mới trong những năm qua. Nhưng cũng chưa bao giờ là câu chuyện cũ, bởi liên tiếp gần đây, luôn có những vụ đạo nhái và bán tranh giả ra thị trường.

Tại TP.HCM, nói đến tranh nhiều người liền nhắc đến phố tranh trên tuyến đường Trần Phú (Quận 5), kéo dài vài trăm mét, từ ngã năm giao cắt với đường An Dương Vương đến gần ngã sáu giáp đường Nguyễn Văn Cừ, 2 bên là các cửa hàng bán tranh nối nhau không dứt.

Khách đi ngang con đường này cứ ngỡ mình đi trên một con đường nghệ thuật với những tranh sơn mài, tranh sơn dầu, tranh thêu, tranh cẩn đá quý, tranh đúc đồng, tranh tranh gạo, tranh cát, tranh in công nghệ 2D, 3D, tranh nền vải nhung… được trưng bày. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng của địa điểm kinh doanh tranh phát triển, là một sự thật trần trụi bất ngờ khi tranh bày bán tại đây thật giả khó phân biệt.

Ghé vào một cửa hàng tranh trên đường Trần Phú, chủ cửa hàng cho biết các tranh trưng bày tại đây do các anh em họa sĩ trong nhà vẽ, có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Tùy vào loại, chi tiết, khổ tranh và chất liệu tranh sẽ có giá thành khác nhau. Thông thường những tranh có họa tiết phức tạp được bán với giá cao hơn so với những tranh đơn giản.

c3b27a3d6be4adbaf4f5

Phố tranh trên đường Trần Phú (Quận 5, TP.HCM) đa dạng màu sắc với những tranh sơn mài, tranh sơn dầu, tranh thêu,… trưng bày cả tuyến đường.

“Tranh ở đây có rất nhiều loại và kích thước, em có thể trang trí treo tường hay mua để tặng. Thích tranh làng quê, phong cảnh hay chân dung anh đều có sẵn, em tìm mua loại tranh nào anh tư vấn thêm cho, về giá cả thì em cứ yên tâm anh bán giá bình dân không cao đâu”, chủ cửa hàng tranh tư vấn.

Khi được hỏi có bán tranh của các họa sĩ nổi tiếng không, chủ cửa hàng cho biết cửa hàng không bán những tranh đấy, nhưng nếu khách có nhu cầu thì gửi mẫu, được giá thì vẽ vài ngày sau nhận tranh.

Không riêng cửa hàng trên, cửa hàng tranh Q.C. chuyên cung cấp tranh sơn dầu, tranh sơn mài… cũng nhận chép lại tranh của các họa sĩ khác nếu khách có nhu cầu.

“Tranh ở đây do dân trong nghề tự vẽ hoặc chép lại, chứ tuyến đường này không có tranh thật đâu. Nếu tìm mua tranh thật liên hệ trực tiếp với các họa sĩ đấy sẽ có. Không có thì bên chị có nhận vẽ lại tranh, do là tranh sao chép nên màu sắc sẽ không giống nguyên bản tranh thật. Được thì em gửi ảnh tranh cho chị, họa tiết đơn giản thì 1 - 2 ngày là có tranh cho em, chi tiết nhiều thì phải 3 - 4 ngày mới hoàn thành”, chủ cửa hàng tranh Q.C. chia sẻ.

Sau đó, phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về việc chép tranh như vậy có bị kiện không, chủ cửa hàng cho biết khách hàng mua tranh ở đây chủ yếu tặng hoặc treo trang trí trong nhà nên không sao. Đặc biệt, kiện tụng mất nhiều thời gian và tiền bạc nên rất ít họa sĩ để tâm đến việc này.

Tình trạng họa sĩ hiện nay ít quan tâm đến quyền sở hữu, quyền tác giả đối với những đứa con tinh thần của mình cũng là lý do để nạn đạo, nhái tranh, chép tranh tái diễn. Sự dễ dãi trong thực thi pháp luật và thái độ dửng dưng của giới họa sĩ cũng khiến công tác quản lý quyền sở hữu trí tuệ trở nên khó khăn hơn.

a9a6527e43a785f9dcb6

Các cửa hàng bán tranh trên đường Trần Phú vô tư chép tranh của nhiều họa sĩ khác để bán cho khách.

Đạo nhái, chép tranh cố tình hay thiếu hiểu biết?

Trao đổi với PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, chuyên gia pháp lý cao cấp Trần Văn Tuấn cho biết tranh vẽ là loại hình tác phẩm nghệ thuật được pháp luật công nhận, bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, một họa sĩ có hành vi sao chép tác phẩm nghệ thuật (trong đó có tác phẩm là tranh vẽ) của một hoặc nhiều họa sĩ khác, và từ chất liệu này sang chất liệu khác mặc dù có thể giữ tên tác giả nhưng vẫn là hành vi sao chép trái pháp luật.

Bên cạnh đó, tác phẩm tranh vẽ không chỉ là tài sản nghệ thuật, mà còn là thông điệp tinh thần ẩn chứa trong tác phẩm, là kết quả của cả quá trình lao động nghệ thuật. Sao chép một tác phẩm nghệ thuật là sao chép quyền tài sản đặc biệt gắn liền với tác giả được pháp luật quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.

Trường hợp một họa sĩ khác muốn sao chép lại tác phẩm, cần phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, thậm chí trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu của tác phẩm là tranh vẽ.

Theo ông Tuấn, chỉ có 2 trường hợp được đặc cách sử dụng sao chép tác phẩm mà không cần thông qua tác giả như: Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.

“Việc dùng tranh vẽ của người khác để sao chép thành một bản khác là làm phát sinh tác phẩm, dù hành vi đó không mang mục đích thương mại đều là hành vi xâm phạm trái phép quyền tác giả của chủ sở hữu. Tùy tính chất, mức độ, hành vi đó có thể bị xử lý theo quy định pháp luật khác nhau”, ông Trần Văn Tuấn chia sẻ .

Ngoài ra, việc liên tục tái diễn hành vi trên không hẳn vì mục đích thương mại, hay cố ý vi phạm mà là do nhận thức pháp luật về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, công tác phổ biến pháp luật đến đối tượng này còn thấp và chưa đạt hiệu quả. Luật Sở hữu trí tuệ ít được sự quan tâm, mà chủ yếu đối tượng thật sự quan tâm đến quyền này thường là doanh nghiệp.

Vì vậy, cần tuyên truyền, phổ biến Luật Sở hữu trí tuệ rộng rãi đến tất cả mọi đối tượng trong xã hội để họ nắm được quy định, ý thức pháp luật về quyền tác phẩm, quyền tác giả và tài sản trí tuệ của tác giả. Giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tác giả của người khác cũng đồng thời là ý thức bảo vệ quyền tác phẩm của chính mình.

Thanh Thảo

Tin khác

Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Apple có thể phải đối mặt với một số vấn đề khi mà Huawei Technologies đã đăng ký thương hiệu này vào ba năm trước trên lãnh thổ đại lục.
Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Google đã bị cơ quan giám sát cạnh tranh của Pháp phạt vì vi phạm các quy định sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU) khi không đàm phán với các nhà xuất bản truyền thông.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Thông qua công tác giám sát, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội mới đây đã kịp thời phát hiện và thu giữ 7.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu 'Ăn cùng bà Tuyết'.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Dù chiến thắng trong vụ kiện bản quyền âm nhạc, nhưng Sam Smith & Normani thẩm phán vẫn quyết định các nghệ sĩ nổi tiếng phải tự chi trả phí luật sư lên tớ hơn 700.000 đô la.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra một địa điểm kinh doanh tại huyện Hoài Đức, qua đó phát hiện số lượng lớn.