SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu tăng cường kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng lậu

15:54, 14/10/2021
(SHTT) - Sáng ngày 14/10, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức, họp tổng kết công tác 9 tháng năm 2021 và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng hóa vi phạm trong 3 tháng cuối năm.

Sáng 14/10, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức họp tổng kết công tác 9 tháng năm 2021 và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.

6b7130187f5a9604cf4b

 

Cuộc họp được triển khai dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Báo cáo tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong 9 tháng qua, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ vụ việc giảm mạnh trong 9 tháng qua, Ban Chỉ đạo cho rằng, nguyên nhân khách quan là do dịch COVID-19 khiến nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với đó là nỗ lực, sự quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc đấu tranh để làm giảm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả.

Các Ban Chỉ đạo 389 của bộ, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các nghị quyết, chỉ thị và kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung lực lượng tuyến đầu vừa tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa tăng cường các biện pháp nghiệp vụ theo lĩnh vực, địa bàn được phân công; chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch chuyên đề trọng điểm; triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như công an, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng ngày càng chặt chẽ, qua đó các vụ việc lớn đã được phát hiện và xử lý kịp thời; đặc biệt là phối hợp phát hiện, ngăn chặn các vụ việc có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại là mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh COVID-19, mặt hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá ngoại, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng nhìn nhận còn một số địa phương chưa chỉ đạo sát các lực lượng làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản về quản lý địa bàn, đối tượng; một số vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán trái phép chất ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Có tình trạng núp bóng kinh doanh bằng hệ thống thương mại điện tử để buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn. Tại các tỉnh biên giới, hoạt động của các đối tượng có sự liều lĩnh và dùng mọi thủ đoạn để vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa trái phép qua biên giới.

Về phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý kịp thời những cán bộ có dấu hiệu tiêu cực, bảo kê tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng cần nắm chắc tình hình, nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả; có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các vụ vi phạm.

Tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, nhất là lối mòn, lối mở nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng mang vào tiêu thụ nội địa. Tăng cường phòng chống buôn lậu gian lận thương mại đối với các mặt hàng là trang thiết bị y tế, vật tư liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Quý IV là thời điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương cần chủ động xây dựng các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết.

19d045b90afbe3a5baea

 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các Ban chỉ đạo 389 của các bộ, ngành và địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng buôn lậu, hàng giả vẫn hết sức phức tạp, tinh vi và có thể gia tăng khi đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, vừa thích ứng an toàn với đại dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế. Vì thế, trước hết phải tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không nể nang, bao che, không gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Tập trung rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung nhằm tránh gây chồng chéo, tránh tạo lỗ hổng pháp lý trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là những quy định liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu, đặc biệt là hàng hóa liên quan đến sức khỏe của nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống gian lận thương mại điện tử.

Phó Thủ tướng Thường trực đặc biệt lưu ý, khi đất nước đang chuyển sang trạng bình thường mới, nhu cầu hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu tăng trở lại. Vì thế cần tập trung chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa để giữ gìn, bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh đất nước tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các lực lượng xây dựng kế hoạch chuyên đề liên quan đến các nhóm mặt hàng đang tăng giá như xăng dầu, khoáng sản, nguyên, vật liệu phục vụ cho quá trình tái khởi động nền kinh tế; các mặt hàng dễ làm giả và buôn lậu nhiều.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thông tin, truyền thông, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; tuyên truyền về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, cũng như các vụ việc vi phạm tới cộng đồng, từ đó thể hiện tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật.

Hải Minh

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 5 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 5 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.