Phó Cục trưởng Cục SHTT: Doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ quyền SHTT
Tại tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số” mới được diễn ra, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT đã chia sẻ về vấn đề hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp bị tranh chấp trên mạng.
Ông Hồng cho biết: "Quyền SHTT là vấn đề phức tạp, có chuyên môn sâu, nếu không có sự trợ giúp về chuyên môn đúng thì việc giải quyết vụ việc là không thể, do đó các doanh nghiệp cần tiếp cận một cách rõ ràng, chuyên nghiệp. Các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực xây dựng và phát triển môi trường lành mạnh về SHTT nên các doanh nghiệp cần phải chung tay. Việc hưởng ứng của doanh nghiệp thực sự đang là vấn đề lớn. Các doanh nghiệp vẫn chưa có ý thức tìm cách bảo vệ tài sản trí tuệ. Các doanh nghiệp cần đặt câu hỏi rằng mình đã làm những gì để bảo vệ các tài sản đó, các doanh nghiệp đã có người chịu trách nhiệm làm các vấn đề này hay chưa. Chúng tôi đang đơn độc trong vấn đề này do các doanh nghiệp chưa có các hành động cụ thể. Chúng tôi mong muốn thời gian tới cần thay đổi nhận thức này".
Phó Cục trưởng Cục SHTT cũng nêu ra ví dụ cụ thể là việc cạnh tranh giữa Sconnect và EO. CEO Sconnect là ông Tạ Mạnh Hoàng đã đề xuất kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, đó là: Hỗ trợ cho các doanh nghiệp can thiệp yêu cầu Google, Youtube ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền vô lý; yêu cầu đến EO chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật trên Internet và có các biện pháp mạnh để bảo vệ doanh nghiệp Việt; Hoàn thiện sớm các quy định của pháp luật, cơ chế áp dụng pháp luật phù hợp với nền kinh tế số và có hiệu lực áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài; tích cực nghiên cứu, tổ chức thảo luận lấy ý kiến, hướng dẫn, định hướng các doanh nghiệp số phát triển theo chủ trương định hướng kinh tế số của Chính phủ; Tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết các hiệp ước tương trợ pháp lý với các quốc gia khác để đảm bảo giá trị pháp lý của các quy định pháp luật Việt Nam cũng có giá trị toàn cầu. Ngoài ra, việc ký kết các hiệp ước song phương cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển tại các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên ông Trần Lê Hồng cho biết cần đánh giá những đề xuất trên trong bối cảnh xem có hợp lý không. Theo ông, đây là tài sản của chúng ta thì các biện pháp bảo vệ của chúng ta phải chuyên nghiệp và đúng. Quyền SHTT có tính chất lãnh thổ bởi nó sáng tạo ở Việt Nam thì nó chỉ được bảo vệ ở Việt Nam. Khi nói đến yêu cầu xử lý thì ở mỗi quốc gia sẽ được bảo vệ theo pháp luật ở quốc gia hiện hành. Do đó, chúng ta cần khẳng định quyền của mình đầu tiên. Doanh nghiệp cũng cần để ý đến việc trùng lặp ý tưởng bởi SHTT là vấn đề vô cùng phức tạp. Việc đầu tư đội ngũ cán bộ của các doanh nghiệp Việt nam gần như không có. Vấn đề SHTT không chỉ thuê dịch vụ là xong mà cần có nhận thức đúng và đầu tư đội ngũ làm SHTT để có cách tiếp cận phù hợp.
Hiện nay, nhãn hiệu là 1 trong những đối tượng bị xâm phạm nhiều trên internet và thương mại điện tử. Trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó. Khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ mình. Các doanh nghiệp starup có nguồn lực hạn chế nhưng nếu không tính đến các yếu tố cạnh tranh nhất là về SHTT và nhãn hiệu thì chỉ cần 1 vụ việc về pháp lý thì chúng ta sẽ mất hoàn toàn khả năng hoạt động.
Cùng quan điểm, ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả), cho biết cơ chế xử lý vi phạm trên không gian mạng liên quan đến nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ Văn hóa và Bộ TT&TT. Cơ chế hiệu quả nếu có đầy đủ cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch.
Về YouTube, Cục Bản quyền tác giả cũng chủ động phối hợp, yêu cầu bên YouTube đến các chương trình hội thảo hội nghị để làm việc, thuyết trình về cơ chế "đánh gậy" bản quyền. Về bản chất, YouTube hay FaceBook, Google là doanh nghiệp trung gian. Doanh nghiệp trung gian đã được luật hóa trong Luật Sở hữu trí tuệ vừa được ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2023.
Các bằng chứng khi có tranh chấp có thể dựa vào Điều 198A, chuẩn hóa quy định trong các điều ước quốc tế, cũng như các Nghị định 105, 119. Chúng ta đều có văn bản về mặt thể chế, chính sách. Doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp nên bảo vệ quyền tác giả trước khi thực hiện các việc khác, bảo vệ quyền của mình ngay từ ý tưởng.
Hương Mi