Phim hot Little Women bị tố đạo nhái poster, nhà sản xuất nói gì?
Little Women là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi danh cùng tên của tác giả Louisa May Alcott, trước đó đã từng có phiên bản Mỹ với bối cảnh sát với nguyên tác. Ở phiên bản Hàn, câu chuyện được đưa về thời hiện đại, số nhân vật được lược bớt (từ 4 chị em còn 3) nhưng vẫn xoay quanh hành trình trưởng thành đầy nước mắt, nụ cười và sự ấm áp của những người phụ nữ kiên cường.
Với kịch bản gốc vốn đã quá xuất sắc cộng thêm sự sáng tạo vừa đủ và sự đầu tư chỉn chu về mặt diễn xuất, bối cảnh, hai tập đầu của phim nhận được những phản hồi rất tích cực. Về tỷ suất người xem, ngay tập 1, phim đã cán mốc 6,4% và sau đó là thăng hạng lên 7,7% cho tập 2. Những con số quá sức ấn tượng này giúp phim đứng đầu về rating trong khung giờ trên tất cả các kênh truyền hình cáp.
Tuy nhiên bộ phim đã vướng cáo buộc ăn cắp ý tưởng poster của một nhãn hiệu mỹ phẩm. Bố cục, tông màu, cách sắp xếp của hai bản poster tương đồng tới 90%. Nhiều khán giả tỏ ra thất vọng bởi phim vừa phát sóng, đang nhận được sự ủng hộ của người xem thì lại vướng cáo buộc đạo nhái. Cộng đồng mạng cho rằng poster của Little Women không chỉ dừng lại ở việc trùng ý tưởng mà chắc chắn là đạo nhái.
Trước ồn ào này, nhà sản xuất phim lên tiếng: “Tấm poster này là poster quảng cáo của chúng tôi với khái niệm về ba chị em nhân vật chính và bóng của họ đang đi về phía một nơi tươi sáng. Công ty phụ trách thiết kế của chúng tôi đã thực hiện nó sau khi xem xét nhiều tác phẩm. Dù vậy, trong tương lai, chúng tôi sẽ chú ý tỉ mỉ hơn nữa”.
Sự việc vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
Trước đó, phim Việt 'Cù lao xác sống' cũng vướng nghi án đạo nhái poster từ một dự án phim của Hàn Quốc đã hoàn thành từ năm 2015 mang tên Seoul Station. Tác phẩm này được thực hiện bởi đạo diễn Yeon Sang Ho. Seoul Station thực tế đã hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến sau khi Train To Busan thành công và tạo được tiếng vang, Seoul Station mới được đạo diễn Yeon Sang Ho nhắc đến.
Về phần poster, cả Seoul Station và Cù Lao Xác Sống đều có điểm tương đồng từ màu sắc, bố cục đến cả cách hình thành ý tưởng. Cả hai đều nằm dưới dạng như một bức tranh vẽ lại thay vì sử dụng hình ảnh thật. Seoul Station cho thấy hình ảnh đám đông xác sống chạy giữa đường phố, sự xuất hiện và xâm chiếm thế giới của sinh vật này. Cù Lao Xác Sống cũng tương tự, chỉ khác ở điểm thay đổi góc nhìn từ trên hướng xuống. Tựa phim đều được đặt trên mặt đường.
Được biết, Cù Lao Xác Sống lấy bối cảnh miền Tây sông nước. Người nông dân sẽ bị đặt vào hoàn cảnh phải đối diện với xác sống. Chính điều này đã gợi nhiều tò mò cho khán giả Việt.
Hà Anh