SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Phát triển thành phố cà phê Buôn Ma Thuột thành thương hiệu quốc gia

18:27, 07/11/2022
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trong phiên họp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế đặc thù cho Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW. 

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng về ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, quy định nội dung này tại Điều 4 còn một số mặt chưa hợp lý.

ttxvn_hop_quoc_hoi

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Vì dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp sẽ dẫn đến phạm vi việc miễn, giảm khá rộng, thời gian áp dụng lại khá dài.

Do đó, sẽ dẫn đến tâm lý thiếu công bằng đối với các địa phương khác trong cả nước. Việc này cũng dẫn đến chuyển giá trốn thuế nếu không kiểm soát một cách chặt chẽ.

Đồng thời, tác động ưu đãi này có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, dễ thu hút nguồn lực đầu tư giữa các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên và tạo kẽ hở cho chuyển giá nội địa của một số doanh nghiệp.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Tạo, đối với dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng các ưu đãi đầu tư, Dự thảo quy định thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo.

ttxvn_pho_chu_tich_quoc_hoi

Phó Chủ tịch Quộc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. 

“Quy định trên cần làm rõ thêm nguồn gốc sản phẩm là dự án trồng cà phê và chế biến cà phê tại địa phương hay mang từ nơi khác đến. Đồng thời, phải xem xét mức đề xuất được miễn, giảm tại địa phương phải bảo đảm cạnh tranh đối với các huyện khác trong toàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên theo quy định,” đại biểu Nguyễn Tạo thảo luận.

Đề nghị Chính phủ làm rõ sản phẩm chế biến nông sản là những sản phẩm nông nghiệp nào, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhấn mạnh Tại Khoản 1, Điều 4 của dự thảo Nghị quyết đề cập việc nước nông nghiệp được xác định trong Hiệp định nông nghiệp là tất cả các sản phẩm liệt kê từ Chương 1 đến Chương 24, trừ cá và sản phẩm cá, một số sản phẩm thuộc các chương khác trong hệ thống thuế mã hóa, hệ thống hài hòa hóa mã số thuế.

Với cách hiểu này, nông sản bao gồm một phạm vi khá rộng các loại hàng hóa có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp như các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như lúa gạo, lúa mỳ, bột mì, sữa, động vật sống, cà phê, trà, ca cao, hồ tiêu, hạt điều, cao su, rau quả tươi như chuối, xoài, ổi, bông và nhóm có sợi khác như đai, lanh.

Các sản phẩm phái sinh như bánh my, bơ, dầu ăn thật, các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như bánh kẹo, sản phẩm từ sữa, xúc xích, nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá...

Qua xem xét dự thảo Nghị quyết, báo cáo, đề án thí điểm và báo cáo đánh giá tác động chính sách chỉ nêu một vài loại nông sản có sản lượng lớn của vùng Tây Nguyên trong năm 2020 như cà phê, hồ tiêu, cao su, trà, điều, bơ, sầu riêng, ca cao và gỗ khai thác.

“Đề nghị Chính phủ làm rõ sản phẩm chế biến nông sản là những sản phẩm nông nghiệp nào, cụ thể để thuận lợi cho địa phương thực hiện sau này,” đại biểu Nguyễn Minh Sơn nói.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng Nghị quyết đã xác định các dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch, văn hóa, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái; đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột góp phần đưa Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà phê của thế giới

“Đây là những lĩnh vực thực sự có tiềm năng và đang cần có cơ chế của Nhà nước để phát triển,” đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để chính sách được quy định trong nghị quyết đủ mạnh và không dàn trải, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề xuất nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa các quy định chính sách để đảm bảo không xung đột với các chính sách khác và đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra bao gồm chính sách về xây dựng; bảo vệ, phát triển các vùng nguyên liệu.

“Ngành cà phê không thể phát triển đơn độc, do đó, bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê thì rất cần phát triển các nguyên liệu khác có thể trở thành sản phẩm sau cà phê, sản phẩm phụ trợ cho cà phê,” đại biểu Lý Tiết Hạnh thảo luận.

Đại biểu cho rằng, việc tập trung vào một địa bàn, địa giới hành chính là chưa đủ mạnh, do đó cần phải mở rộng các vùng phụ cận, rộng hơn nữa là các vùng nguyên liệu của Tây Nguyên và trong nước.

Song hành với đó là chính sách việc làm, thu nhập cho người lao động ở trên các lĩnh vực cà phê và nguyên liệu nói chung.

Cần mở rộng phạm vi để tạo điều kiện phát triển cho thành phố

Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội chính sách đặc thù cho đơn vị cấp huyện, đây là điều chưa có tiền lệ, cần thực hiện phù hợp với Kết luận 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và cả những điểm nghẽn của thành phố, của tỉnh, của vùng Tây Nguyên, không phá vỡ hệ thống pháp luật chung đã thống nhất.

Một số lĩnh vực cần mở rộng phạm vi để tạo điều kiện phát triển cho thành phố, nhưng lại nằm ngoài phạm vi của thành phố Buôn Ma Thuột. Do vậy, Chính phủ cần cân nhắc, xem xét để đảm bảo hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật.

Để thực hiện Kết luận 67 này, Chính phủ đã xây dựng một chương trình hành động, đảm bảo không trùng lắp.

Sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế đặc thù cho Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW,  Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

“Về các chính sách ưu đãi, sẽ bám sát Kết luận 67 về nông sản và cà phê, đưa thành phố cà phê trở thành thương hiệu quốc gia, đảm bảo lan tỏa khắp các vùng miền. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện và tiến hành sơ kết, đánh giá, từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện tình hình thực tế, từ đó cân nhắc để có những giải pháp phù hợp trong việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù ở các địa phương,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, trở thành cực tăng trưởng có tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, bổ sung thêm các chính sách để thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết 67 của Bộ Chính trị…

“Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp đầy đủ, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua,” Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

  Theo TTXVN

Tin khác

Tin tức 7 giờ trước
Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng, máy móc,.. của Trung Quốc đến Việt Nam tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM năm 2021. Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đang học lớp 12 sẽ thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5-10/5 theo hình thức trực tuyến. Trước đó, thí sinh sẽ được đăng ký thử từ ngày 24/4-28/4.