Phát triển du lịch cộng đồng nước mắm Nam Ô: Bảo tồn, đừng thành bảo tàng
Hiện TP Đà Nẵng đang ban hành Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch TP Đà Nẵng”, tổng kinh phí gần 4,7 tỷ đồng. Đề án là tín hiệu vui cho thương hiệu nước mắm Nam Ô có cơ hội trở thành sản phẩm du lịch kết hợp khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích và danh thắng của địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, phía người dân vẫn còn nhiều bỡ ngỡ.
Nam Ô vùng đất “bài thơ” bên biển
Nam Ô nằm ở phía Tây TP Đà Nẵng. Vùng đất ven biển địa hình đa dạng kéo dài từ Hoà Hiệp Nam qua đến Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Song nhắc đến làng nghề nước mắm, người ta chỉ nhớ đến lõi Nam Ô nhỏ nhắn ở Hoà Hiệp Nam chưa đầy 1km. Làng nhỏ nhưng gần bên núi, bên biển, bên cửa sông, có gềnh và rạn san hô quý giữa vịnh Đà Nẵng.
Bà Trần Thị Sáu (70 tuổi), người dân làng hăm hở dẫn đường. Tự hào giới thiệu về ghềnh đá có Rạn Cả, Rạn Con, theo bà là “đẹp không thua nước ngoài”.
Giữa dải dài tường bê tông dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô đang xây dựng đã trừ 5 lối xuống biển ra khỏi ranh giới dự án để phục vụ cộng đồng, đưa gềnh Nam Ô, bãi cát ra khỏi dự án. Điều chỉnh vệt đất mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành thành công viên, bãi đỗ xe công cộng, mở rộng đường dân sinh hiện trạng từ 4m lên 5,5m.
“Nguyện vọng của chúng tôi là giữ nghề đi biển, nghề làm nước mắm, là ăn cá lưới và tắm biển tự do ngày hai lần”, bà Nguyễn Thị Hoàng Tâm - chủ thương hiệu nước mắm Hoàng Tâm - xúc động khi nhắc đến miền biển quê hương đã cho bà có nhà cao, cửa rộng như bây giờ.
Lối vào biển lởm chởm ngổn ngang vì công trình thi công dang dở. Niềm háo hức khám phá mùa rêu khiến chúng tôi mạnh dạn hơn trong mỗi bước chân qua khu vực thi công. “Ở đây, vào mùa rêu lên, người nhiều hơn đá”, anh Hồ Văn Hải - hiện vừa bán gỏi cá, nước mắm Nam Ô vừa làm thêm công việc giữ xe cho du khách - nói.
Ghềnh đá Nam Ô trăm năm tuổi mới trở thành địa điểm nổi tiếng năm 2017 đến nay. Thiên nhiên hoà màu xanh trời, xanh nước biển với xanh rêu bình yên làm nên bức tranh họa đồ nhất là khi chiều xuống hay hừng đông lên đẹp tựa miền cổ tích.
Bà Sáu ngồi trên vách đá, nở nụ cười tươi như thiếu nữ. Bà nhớ những buổi sáng, đàn ông ra biển đánh cá, đàn bà trong làng gánh quang gánh tất tả ra biển ngồi chờ cá về làm mắm và chuyện trò rôm rả. Tàu cập bến. Người đong cá, người trả tiền rồi bán cho người làm nước mắm. Cảnh đó với bà Sáu là “bài thơ của biển”.
“Chẳng những thiên nhiên ưu đãi cảnh quan, Nam Ô còn được biết đến với trầm tích văn hoá và nhiều di chỉ lịch sử”, ông Phan Công Quang – Giám đốc HTX Ô Long - cho hay.
Nhiều huyền sử và di tích Nam Ô giữ gìn về giải cứu công chúa Huyền Trân, di tích giếng Chăm, lăng Cá Ông, miếu thánh mẫu Liễu Hạnh cùng với tính cách người dân hiền hòa, thân thiện. Đặc biệt, nơi đây có những món ẩm thực độc đáo có hương vị nước mắm trong chế biến làm dậy hương thơm như gỏi cá, cháo chờ… mỗi lần ăn là khó buông đũa.
Ở đây “kho tàng” sống đậm đà bản sắc của thành phố biển, có lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.
Từ sản phẩm đặc sản đặc sắc đến phát triển du lịch cộng đồng
Theo hẻm 884 Nguyễn Lương Bằng về làng nghề, nơi có nhiều người làm nước mắm truyền thống nổi tiếng Nam Ô, chúng tôi tìm đến nhà của ông Bùi Thanh Phú. Hẳn sẽ khó tìm khi con đường không có số nhà, nhưng tấm bảng hiệu Hương Làng Cổ được vẽ tay theo phong cách thập niên 80 - 90 rất mộc mạc, gợi bao ký ức đẹp trở thành điểm nhấn dễ nhận ra.
“Thời trước, sân nhà vừa đủ chỗ đậu cho 2 chiếc thuyền sau mỗi lần đánh cá. Những thúng cá tươi xanh được dùng để muối nước mắm”, ông Phú nhắc lại. Rồi chỉ về phía biển, nơi đó, miền ký ức còn mới xanh như màu của đại dương.
Nhưng nay cá cơm than gần bờ rất ít, cần chủ động nguồn nguyên liệu cho làng nghề sản xuất nước mắm. Theo đề án, quận Liên Chiểu sẽ khôi phục đội đánh bắt cá cơm than với 5 tàu lớn vươn khơi. Nhưng thực tế, số tàu đáp ứng yêu cầu vươn khơi không nhiều, đáp ứng được yêu cầu thì các thợ tàu không mặn mà với việc đánh bắt cá cơm than.
Bẵng đi gần chục năm kể từ khi dự án Khu du lịch sinh thái được xây dựng, nhiều người làm nghề rời làng, di dời đến nơi ở mới. Nước mắm Nam Ô gần như “im hơi lặng tiếng”, người tiêu dùng nhớ nhớ quên quên, Nam Ô - nước mắm danh tiếng tiến Vua - bị nước chấm pha gia vị “lấn sân”.
“Tôi mang nước mắm Nam Ô cho các chị, các mẹ, các bà từ độ tuổi 40 - 60 đăng ký dùng thử loại 60 ml và chạy giao hàng từng nhà”, ông Phú kể.
Ông may mắn nhận được nhiều phản hồi tốt qua quá trình đặt gian hàng, quảng cáo trên mạng xã hội, siêu thị, tham gia nhiều triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước. Có thời điểm, ông chấp bù lỗ đắp đổi mỗi bên một ít để giới thiệu sản phẩm để dẫn hương nước mắm trở về.
“Bữa ấy có người mua chai nước mắm Nam Ô về biếu mẹ. Bà mẹ cầm chai nước mắm, mở nút ra hít hà. Xúc động bà đòi con phải đưa về Nam Ô để bà tận mắt nhìn thấy người ta vẫn đang làm nước mắm Nam Ô. Từng làm nghề nước mắm, nay nhà khấm khá chuyển lên phố, bà về đây kể bao nhiêu câu chuyện xưa khiến tôi thật ấm lòng”, ông Phú nhớ lại.
Ông Phú là giáo viên THPT, vừa làm người “lái đò trí tuệ” vừa “chăm mắm như chăm con”. Ông luôn ước mong có thêm đất sản xuất để đầu tư phát triển nghề, để cho nhiều người biết đến “quê hương là mùi nước mắm”.
“Gia đình tôi có khoảng 250m2 đất để sản xuất nước mắm do nhiều đời không chia đất. Còn ở làng bây giờ có những gia đình chỉ có 20m2 đất để sinh hoạt, đặt vài hũ nước mắm. Nếu phát triển du lịch cộng đồng, phải dọn nơi đặt hũ nước mắm cho khách ngồi sao được?”, ông Phú băn khoăn.
Nhiều khu dân cư ở Nam Ô là những ngôi nhà không có số. Những ngõ ngách vừa đủ lối cho một quang gánh đi ngang, vốn là nét đẹp xưa cũ nay lại trở nên chật chội so với sự tiện lợi giao thông cần thiết để giao thương hay tham quan.
Theo Phòng Kinh tế quận Liên Chiểu, chính quyền mấy năm qua cũng đã tìm đất để mở rộng sản xuất song chưa có địa điểm phù hợp.
“Phải có khu sản xuất tập trung và trong làng chỉ là nơi trình diễn nghề mà thôi”, ông Phú cho rằng đô thị trực thuộc trung ương nhưng người dân không có số nhà mà nói chuyện to tát không khác nào “nói cho vui”.
Trong khi đó, "Sử gia" Đặng Dùng cho biết: "Câu chuyện về Tổng đốc Nam Ngãi xưa cũng đã thể hiện được việc nước mắm Nam Ô ngon nhờ thổ nhưỡng, thổ khí. Nếu sản xuất chỉ cần cách xa khoảng 5km hương vị sẽ khác hẳn".
Phòng Văn hóa Thông tin quận Liên Chiểu chia sẻ, phát triển du lịch ở trên địa bàn quận trong đó có cụm di tích tại Nam Ô, quận vẫn đang xây dựng kế hoạch khai thác. Sắp tới, sẽ đưa các đơn vị lữ hành cùng đi khảo sát. Để thực hiện đề án, quận sẽ mời một số hộ tham gia. Tìm nơi thích hợp làm homestay, nơi thao diễn nghề, tạo điều kiện cho tất cả các hội viên hội làng nghề đều được hưởng thụ.
Những năm qua, số lượng hội viên hội làng nghề mỗi năm một giảm làm ảnh hưởng tới việc truyền đời bí quyết nghề, lực lượng sản xuất, sản lượng nước mắm và việc đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người làm nghề chủ yếu là người già và phụ nữ chiếm 50% số lao động, còn lại là con cháu tham gia hỗ trợ.
Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở KH & CN Đà Nẵng.
Lần đầu tiên TP Đà Nẵng đề xuất một nhiệm vụ cấp quốc gia cũng như công tác quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Tạo niềm tin cho người tiêu dùng từ đó nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu cộng đồng Nam Ô. Giúp bảo vệ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và nâng cao tính cạnh tranh so với các sản phẩm mang nhãn hiệu thông thường.
"Tôi mong có một khu trưng bày sản phẩm cho hội viên, được tạo điều kiện thuê đất ngay tại Nam Ô để du khách tới tham quan và mua sắm", ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô - chia sẻ.
Để bảo tồn nghề sản xuất nước mắm gắn với phát triển du lịch cộng đồng cần hoàn thiện hạ tầng đô thị, nâng cao tri thức cho cộng đồng để họ hiểu từ đó gìn giữ các giá trị làng nghề đã được tôn vinh là di sản phi vật thể quốc gia. Quan tâm đội ngũ kế nghiệp, khai thác tài sản trí tuệ, giá trị thương hiệu, câu chuyện văn hóa và nâng tầm sản phẩm để phát triển sinh kế bền vững cho người dân Nam Ô.
Nước mắm truyền thống – thứ gia vị được xem là quốc hồn, quốc túy của Việt Nam sẽ mang đến cuộc sống tươi đẹp cho người dân nơi đây.
“Bảo tồn chứ đừng để nghề của cha ông chỉ còn trong bảo tàng. Tôi muốn con cháu tự hào về mùi nước mắm là hương của quê hương”, ông Bùi Thanh Phú tâm tình sau khi trở về từ hội chợ Foodex Japan 2023 tại Tokyo (Nhật Bản). Ông đưa chúng tôi xem sản phẩm nước mắm ủ 2 năm với bộ nhận diện thương hiệu bắt mắt có cá đánh bắt khi bình minh lên tươi xanh, quang gánh trĩu vai mẹ, hạt muối trắng được cất trước khi ủ chượp truyền đời bí quyết người dân Nam Ô làm ra những giọt “mật biển” cho bữa ăn ngon.
"Đây là thương hiệu của cộng đồng chứ không phải của riêng cá nhân nào. Do đó, cần có chính sách phù hợp ưu đãi chung cho hội làng nghề", ông Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Bảo Hòa