Phát hiện mới: Hạt thủy tinh trên đất Mặt Trăng có thể dự trữ nước
Các vật thể giống như thủy tinh dạng hạt là một điểm đặc trưng của đất trên Mặt Trăng. Chúng được tạo ra trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao, chẳng hạn như trong núi lửa hoặc các vật thể va chạm. Tuy nhiên, những hạt thủy tinh này rất có thể sẽ trở thành nguồn nước quan trọng cho các phi hành gia trên Mặt Trăng.
Các nhà nghiên cứu tiết lộ họ đã tìm ra một lượng nước bên trong các hạt thủy tinh trên mặt trăng. Họ gọi đó là “dấu hiệu hydrat hóa” thông qua sự khuếch tán nước qua gió mặt trời. Được biết, hydrat hóa là quá trình bổ sung các phân tử nước vào các hợp chất hữu cơ. Trên thực tế, những hạt thủy tinh này rất có thể là nguồn nước ẩn giấu trên các thiên thể khác như Mặt Trăng, những nơi có bầu khí quyển riêng biệt chưa thể xác định rõ ràng.
"Những phát hiện này chỉ ra rằng thủy tinh trên bề mặt của Mặt Trăng và các thiên thể không có không khí khác trong hệ mặt trời có khả năng lưu trữ nguồn nước được chuyển tới bởi gió mặt trời", Giáo sư HU Sen, một thành viên của nhóm nghiên cứu nhận xét.
Nghiên cứu lưu ý rằng những hạt thủy tinh này hoạt động như một loại bọt biển, nhưng lượng nước bên trong chúng không nhiều. Theo nghiên cứu, do các thành phần hóa học đồng nhất và bề mặt nhẵn, hạt thủy tinh được tìm thấy trong các mẫu đất trên Mặt Trăng chỉ chứa khoảng 2.000 microgam nước trên mỗi gam vật liệu thủy tinh.
Đó là một lượng rất nhỏ, nhưng nếu xét trên toàn bộ lãnh thổ Mặt Trăng thì nhóm nghiên cứu ước tính rằng Mặt Trăng có thể chứa khoảng 2,7 triệu khối nước. Lượng nước này không thể so sánh với lượng nước dồi dào trên Trái đất, nhưng đây vẫn là một lượng đáng kể ngoài vũ trụ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất được đặt ra là làm sao để chiết xuất nước từ những hạt thủy tinh này.
Theo nghiên cứu, các phi hành gia trên Mặt Trăng sẽ phải làm nóng các hạt thủy tinh để chiết xuất, rồi lưu trữ để sử dụng và thực hiện các nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khác.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy rằng các chất cho thấy dấu hiệu của nguồn nước được tìm thấy trong các hạt thủy tinh này cực kỳ khan hiếm trong deuterium (một đồng vị bền của hydro, phổ biến trong nước của các đại dương trên Trái Đất). Vì gió mặt trời cũng chứa ít deuterium và mặt trời chứa một đồng vị khác của hydro gọi là protium, nên nhóm nghiên cứu kết luận rằng nước trong các hạt thủy tinh này đến từ gió mặt trời. Khi các nguyên tử hydro được gió mặt trời mang theo phản ứng với oxy và các vật liệu dựa trên oxy tạo thành các hạt thủy tinh, từ đó nước được tạo ra.
Phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng bởi các hạt thủy tinh có thể là một nguồn dự trữ nước quan trọng đọng lại dưới dạng băng ở các vùng cực của các thiên thể, vốn được nhận định sẽ vĩnh viễn sống trong bóng tối. Và nguồn nước này sẽ là thành phần quan trọng trong công việc, sinh hoạt của các nhà phi hành gia ngoài vũ trụ trong tương lai.
Thùy Mai