Phan Tấn Phong: Chàng 'kỹ sư' nông dân sáng chế máy xắt chuối, rau đa năng
Xưởng cơ khí của anh Phan Tấn Phong nằm ở xóm Lẫm, ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Bà con nơi đây ai ai cũng biết tới những sáng chế hữu ích của anh Phong.
Sinh ra trong gia đình nghèo và chỉ học hết lớp 9, nhưng anh Phong đã chế tạo chiếc máy xắt chuối, rau đa năng giúp nông dân chủ động nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.
Anh Phong cho biết năm 2015, anh được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà theo công nghệ sinh học nên về làm chuồng nuôi 500 con. Do nuôi với số lượng lớn, đòi hỏi phải có nguồn thức ăn dồi dào nên anh tận dụng các loại rau và thân cây chuối có sẵn trong vườn cho gà ăn để tiết kiệm chi phí.
Từ suy nghĩ đó, anh Phong bắt đầu nghiên cứu, chế tạo chiếc máy xắt chuối, rau. Những ngày đầu khi bắt tay vào sáng chế, anh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc máy không cắt được nên phải tháo ra làm lại, khắc phục nhược điểm. Cứ thế, sau nhiều lần lắp vào, tháo ra cuối cùng chiếc máy xắt chuối cây cũng hoàn thiện.
Do “tay ngang” và ý định làm máy phục vụ nông dân nên các chi tiết về máy của anh cũng đơn giản, dễ vận hành, với một mô-tơ đấu nối với trục xoay và lưỡi dao dùng để cắt nguyên liệu, có chế độ tự điều chỉnh để lưỡi dao có thể cắt nguyên liệu theo kích thước lớn, nhỏ.
Tiếng lành đồn xa, đến nay, gia đình anh Phong đã bán trên 300 cái máy, giá từ 6 - 7 triệu đồng/máy. Anh còn xuất bán máy qua châu Phi, Campuchia… Theo anh Phong, trước đây để nuôi một con heo, trung bình mỗi ngày người nuôi phải mất hơn 2 giờ để xắt, bằm chuối cây cho ăn. Nhưng với chiếc máy của anh, mỗi giờ có thể xắt được từ 1,2 - 1,3 tấn chuối cây mà không cần thêm công đoạn băm nhuyễn, qua đó giúp ích rất nhiều cho người chăn nuôi với số lượng lớn. Không những thế, máy còn xắt được lục bình, lỏi quầy chuối, vỏ chuối… để làm phân hữu cơ.
Không chỉ say mê, sáng tạo trong chế tạo, cải tiến máy móc, anh Phong còn được biết đến là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Hiện nay, gia đình anh có 2ha vuông, chăn nuôi heo, gà, chuẩn bị xây nhà nuôi yến, riêng xưởng máy tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2 lao động. Bên cạnh đó, anh Phong còn tích cực tham gia ủng hộ, giúp đỡ vốn cho các hộ khó khăn trong xã, tham gia đóng góp vào các phong trào của địa phương.
“Xưởng chế tạo máy” hiện chỉ là phần kho phía sau nhà, thế nhưng mơ ước của anh “kỹ sư chân đất” Phan Tấn Phong không chỉ dừng lại ở đó. Anh cho biết: “Dự định sắp tới của tôi là mở một cơ sở để người dân có thể dễ dàng liên hệ, máy móc của bà con mình vì thế cũng được bảo hành đàng hoàng”.
Hà Vân