SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Phân bón lá ComCat bị đạo nhái tràn lan, cơ quan chức năng nói gì?

07:13, 12/11/2020
(SHTT) - Các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hiện nay bị làm giả, làm nhái tràn lan. Tình trạng này khiến cho nhà nông, các doanh nghiệp làm ăn chân chính và cơ quan chức năng đau đầu.

Một trong những loại phân bón bị làm nhái nhiều nhất hiện nay là Comcat 150WP của Công ty Hoá nông Lúa Vàng. Comcat được nhiều người dân vùng ĐBSCL biết đến bởi khả năng ức chế bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, giúp cho lúa phục hồi nhanh sau khi bị bệnh. Sau vài năm ra thị trường, sản phẩm này đã có rất nhiều sản phẩm làm nhái.

Chia sẻ với báo chí, bà Trần Thị Mai Phương, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Hóa Nông Lúa Vàng bày tỏ bức xúc trước việc nhãn hiệu ComCat (được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 107563 ngày 19/8/2008 theo Quyết định số 16578/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ và được gia hạn theo Quyết định số 26539/QĐ-SHTT ngày 08/5/2015) của Công ty bị một số doanh nghiệp xâm phạm. Những sản phẩm nhái này là phân bón nhưng có mùi hôi của thuốc BVTV, rất nguy hiểm cho môi trường và không an toàn vệ sinh thực phẩm.

phan bon comacat thai

 Phân bón lá ComCat bị đạo nhái tràn lan, cơ quan chức năng nói gì?

“Nhãn hiệu Comcat đã được công ty đăng ký sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thị trường có đến gần 100 sản phẩm nhái theo nhãn hiệu ComCat như đặt tên là ComaCat hay thậm chí nhái y tên ComCat. Khi bà con nông dân mua phải các sản phẩm không phải của Công ty Lúa Vàng dùng không có chất lượng thì ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Một số bà con nông dân nghĩ đây là sản phẩm của Công ty Lúa Vàng dẫn đến công ty mất uy tín, mất doanh thu", bà Phương bức xúc nói.

Theo thông tin được đăng tải trên VTC News, kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy dấu hiệu “ComaCat Thái” gắn trên bao gói sản phẩm phân bón lá hỗn hợp NPK ComaCat Thái của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sao Vàng là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ.

“Việc dấu hiệu có thêm chữ “Thái” ở sau chữ “ComaCat” so với Nhãn hiệu không những không tạo sự phân biệt giữa Dấu hiệu với Nhãn hiệu mà còn khiến cho người tiêu dùng dễ dàng hiểu nhầm rằng các sản phẩm mang nhãn hiệu và dấu hiệu đều do chủ sở hữu nhãn hiệu sản xuất nhưng ở các địa điểm khác nhau”, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ nêu quan điểm trong bản kết luận giám định.

Từ kết luận giám định nói trên, Công ty TNHH Hóa Nông Lúa Vàng có đơn kiến nghị xử lý gửi đến Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang.

Sở này sau đó kiểm tra thực tế tại Văn phòng Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sao Vàng (tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) và nhà máy sản xuất (tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) thì phát hiện 6 thùng sản phẩm phân bón mang nhãn hiệu “ComaCat Thái” (400 gói/thùng, mỗi gói nặng 25g, ngày sản xuất ghi trên bao bì là 20/3/2020).

Tuy nhiên, từ tháng 4/2020 đến nay, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sao Vàng không sản xuất thêm sản phẩm phân bón mang nhãn hiệu “ComaCat Thái”.

Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang yêu cầu Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sao Vàng loại bỏ dấu hiệu “ComaCat Thái” là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên sản phẩm phân bón lá do công ty này sản xuất.

Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sao Vàng không sản xuất, đóng gói các sản phẩm mang dấu hiệu “ComaCat Thái” có yếu tố gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “ComCat” và phải thu hồi các sản phẩm phân bón lá mang nhãn hiệu “ComaCat Thái” còn trên thị trường.

Có thể thấy, vì hám lợi, không ít đại lý đã hướng nông dân mua những sản phẩm kém chất lượng. Thậm chí, nhiều đại lý không nhập phân bón thật mà chỉ nhập toàn phân bón giả, nhái, hàng kém chất lượng về bán cho nông dân. 

Trong khi đó, người nông dân do thiếu kiến thức trong việc phân biệt hàng giả, hàng thật, chỉ biết đặt niềm tin hoàn toàn vào các đại lý. Chính vì niềm tin đặt không đúng chỗ, có nhiều vụ phân bón giả, kém chất lượng đã giết chết cây trồng của người nông dân đã bị phát hiện. 

Hải Châu (t/h)

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.