SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Phân bón giả tràn lan, cần có biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn

15:21, 02/02/2023
(SHTT) - Mặc dù cơ quan chức năng luôn phải nâng cấp các biện pháp nghiệp vụ để hạn chế nạn hàng kém chất lượng, hàng giả, đặc biệt là phân bón giả, tuy nhiên, vì lợi nhuận lớn, vẫn có không ít đối tượng vẫn bất chấp vi phạm luật pháp.

Phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tràn lan thị trường

Vừa qua, tỉnh Long An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền lên tới 142 triệu đồng đối với một doanh nghiệp trên địa bàn có hành vi vi phạm về sản xuất phân bón không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Trước đó, từ nguồn tin được cung cấp bởi Cục QLTT tỉnh Tây Ninh, cơ quan chức năng tỉnh Long An đã nắm bắt được sự việc xuất hiện các hàng hóa là sản phẩm phân bón không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường do một doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn sản xuất.

Ngày 20/12/2022, Đội QLTT số 6, phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Long An, tiến hành kiểm tra doanh nghiệp sản xuất phân bón có trụ sở trên địa bàn huyện Đức Hòa. Đây là doanh nghiệp sản xuất loại phân bón do Cục QLTT tỉnh Tây Ninh kiểm tra, phát hiện vi phạm về chất lượng.

Qua làm việc, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đã thừa nhận loại phân bón vi phạm về chất lượng do Cục QLTT tỉnh Tây Ninh kiểm tra là do doanh nghiệp sản xuất, số lượng là 100 bao, loại 50kg/bao. Đây là số lượng phân bón mà doanh nghiệp đã bán cho một hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trị giá hàng hóa vi phạm là 71 triệu đồng.

Với hành vi sản xuất hàng hóa (phân bón) không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, doanh nghiệp đã bị UBND tỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 142 triệu đồng.

PHANGIA.2.JPG

 

Để truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm về chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT Long An đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố, khi phát hiện hàng hóa vi phạm về chất lượng thì thông tin đến Cục QLTT các tỉnh, nơi có doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ghi trên nhãn để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.   

Trước đó, hộ kinh doanh của ông H.V.T (49 tuổi, ấp Hiếu Văn, xã Hiếu Nghĩa, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) cũng bị phạt hơn 150 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón với thời hạn 4,5 tháng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật liên quan. Các biện pháp xử lý được cơ quan chức năng đưa ra sau khi đã xác định cơ sở này có hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng. Tổng số lượng 2 loại phân bón đã tiêu thụ là 60 bao (loại 50 kg/bao), với tổng giá trị 39 triệu đồng.

Hành vi của ông H.V.T đã vi phạm quy định tại Nghị định số 98 ngày 26.8.2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cần những biện pháp xử lý mạnh tay hơn để nghiêm trị hành vi sản xuất và kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để có chế tài liên quan đến xử lý phân bón giả, hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ, gồm: Nghị định số 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón; Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cả ba Nghị định này đã bao trùm đầy đủ hành vi, chế tài xử phạt, thẩm quyền xử phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm.

Mặc dù vậy, tuy nhiên, tình trạng sản xuất sản xuất phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn trên thị trường vì bản chất các đối tượng có thủ đoạn rất tinh vi.

Trước thực tiễn đó, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, từ thanh tra thường xuyên đến thanh tra đột xuất... nhưng vẫn còn một số hiện tượng sản xuất phân bón giả ở một số nơi vì các doanh nghiệp thường chọn vùng sâu, vùng xa, tổ chức sản xuất vào các thời điểm khác nhau như sản xuất vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, họ sản xuất ở tỉnh này nhưng đi bán ở nhiều tỉnh khác, bán với số lượng rất nhỏ ở các đại lý để trốn tránh hành vi vi phạm. Với các đại lý, vì lợi nhuận, họ còn cam kết với nhau như “khế ước ngầm” nhằm tạo niềm tin cho người dân. Nguồn lực thanh tra ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định hiện nay tình trạng sản xuất phân bón giả được kiểm soát tương đối, còn xảy ra ở một vài nơi.

p11-anh-anhien-phan-bon-3898

 

Để giải quyết vấn đề, cần các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp… để đưa ra các biện pháp đúng, xử lý triệt để các vấn đề này. Cần nâng cao năng lực, trình độ nguồn lực thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương để triển khai đồng loạt trên diện rộng nhằm kiểm soát tốt, dẹp được mầm mống của các đối tượng.

Nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương. Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bằng các phương pháp như đưa video, clip… Xây dựng hệ thống giám sát sản phẩm giả, nhái thương hiệu để người dân dễ dàng tiếp nhận. Nâng cao nhận thức người dân về nhận diện hàng giả, hàng nhái và minh bạch hóa các sản phẩm trên thị trường.

Phối hợp với công ty công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các cơ sở dữ liệu giúp lực lượng chức năng, người dân, doanh nghiệp nhận diện được sản phẩm, có thể tra cứu trên điện thoại di động, các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, nhiều ý kiến của các vị đại diện cơ quan chức năng cũng cho rằng, cần tăng cường các biện pháp xử lý, tăng mức xử phạt, đồng thời có giải pháp căn cơ hơn, chặt chẽ hơn để quản lý thật tốt hoạt động kinh doanh phân bón.

Bên cạnh vấn đề pháp lý, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng cần phải chủ động hơn nữa công tác xây dựng chiến lược chống hàng giả, nhất là công tác truyền thông về sản phẩm và chủ động đề xuất, bắt tay với các cơ quan nhà nước trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả.

Về phía nông dân, cần lựa chọn nhãn hiệu, thương hiệu tốt, có uy tín, đại lý có uy tín, không ham rẻ, không mua thiếu. Khi nông dân mua phân bón, nên lưu mẫu, lấy hóa đơn khi mua. Nông dân mua phân bón với số lượng lớn có thể yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng phân bón thì báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh để xử lý.

Hải An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, bài hát hit của Ed Sheeran - "Thinking Out Loud" một lần nữa được đưa ra tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ để xem xét lại vụ kiện bản quyền cáo buộc Sheeran đã sao chép ý tưởng từ "Let's Get It On" của Marvin Gaye.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Anh trai của ông trùm ma túy Colombia cố gắng đăng ký tên nhãn hiệu tại Văn phòng Bản quyền và Sở hữu Trí tuệ của Liên minh châu Âu nhưng bị bác bỏ.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Theo hội đồng xét xử liên bang Texas, Samsung Electronics phải trả cho chủ sở hữu bằng sáng chế G+ Communications 142 triệu USD vì vi phạm các bằng sáng chế của G+ liên quan đến công nghệ không dây 5G trên dòng điện thoại thông minh Galaxy của hãng.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép tại địa chỉ của Phòng khám Medigo (296 Trần Não, phường An Khánh, TP Thủ Đức).
Tài sản trí tuệ 8 giờ trước
(SHTT) - Công tác bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để hướng tới xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm nhiều việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.