SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

PGS.TS Mai Hà và những trăn trở về lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

08:17, 07/02/2021
(SHTT) - Vào những ngày cuối năm 2020, PV đã có buổi trò chuyện với PGS.TS. Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Khoa học Công nghệ. PGS.TS. Mai Hà đã chia sẻ những trăn trở về điểm mạnh và điểm yếu của sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong năm vừa qua.

PV: Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ đang ngày càng được nhiều người quan tâm và có tác động lớn tới sự phát triển của kinh tế xã hội. Vậy PGS đánh giá sao về điều này? Theo ông, Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn những điểm yếu gì cần phát triển hơn nữa?

PGS.TS Mai Hà: Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu rộng và toàn diện như hiện nay.

Việc xây dựng và phát triển một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh và hoàn thiện là một trong những nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào.

Thậm chí việc thực hiện nghiêm túc bảo hộ sở hữu trí tuệ được coi là điều kiện cần thiết, tối thiểu mỗi khi hợp tác với quốc gia khác hoặc hội nhập quốc tế. Không có điều khoản về bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc thực thi kém sẽ dẫn đến việc bị loại bỏ khỏi cuộc chơi trong hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang nỗ lực cố gắng thúc đẩy và phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục như sau:

Hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam chưa đầy đủ và thiếu đồng nhất;

Hệ thống thực thi quyền SHTT bị chồng chéo, không hiệu quả;

Thiếu vắng hệ thống tòa án chuyên trách về SHTT;

Lực lượng cán bộ xác lập quyền và thực thi quyền SHTT còn mỏng và tồn tại nhiều điểm yếu về chuyên môn và nhận thức;

Thông tin sở hữu công nghiệp chưa hình thành hệ thống có tính chất mạng lưới thông tin và khai thác dữ liệu thống nhất trong cả nước; cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp chưa đầy đủ, chưa được số hóa hoàn toàn;

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về SHTT chưa được thực hiện một cách chuyên nghiệp và dài hạn;

Nhận thức của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp về hệ thống SHTT chưa cao, ý thức chủ động tự bảo vệ quyền của mình cũng như tôn trọng quyền SHTT của người khác còn hạn chế. 

mai ha

PGS.TS. Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Khoa học Công nghệ 

PV: PGS.TS. Mai Hà đánh giá gì về hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong năm 2020?

PGS.TS. Mai Hà: Năm 2020, Việt Nam mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân đã luôn nỗ lực thúc đẩy hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Cục Sở hữu trí tuệ đã đưa ra các kết quả nổi bật như lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nhận được vẫn tăng 1,7%, trong đó đơn sáng chế tăng 3,8%, đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 4,3%, đặc biệt là đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đạt mức cao nhất từ trước đến nay (24 đơn). Kết quả xử lý đơn SHCN đạt mức khá (tăng 8,3% so với năm 2019); lượng văn bằng bảo hộ SHCN cấp ra tăng 15,6% so với năm 2019, trong đó giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tăng gấp đôi, Bằng độc quyền sáng chế tăng 63% và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tăng 14,8% so với năm 2019.Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được chú trọng: Chính phủ đang xây dựng đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2020. Ngoài ra, một số điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam đã mở ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy quan hệ thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và các nước phát triển trên thế giới.

PV: Với vai trò là Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông có thể chia sẻ về những kế hoạch sắp tới của Hội trong năm 2021?

PGS.TS. Mai Hà: Hội dự kiến phối hợp với Cục SHTT tổ chức buổi tọa đàm tại Hà Nội dành cho các tổ chức đại diện SHCN để có những trao đổi chuyên môn cần thiết, góp phần lành mạnh hóa hoạt động xác lập và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam cũng như góp phần thiết thực trong việc sửa đổi luật SHTT hiện hành theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn.

Hội tiếp tục phối hợp với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, INTA, Công ty PWC Việt Nam tổ chức Chương trình Truyền thông và Định giá Thương hiệu – Nhãn hiệu giá trị tại Việt Nam (bao gồm hội thảo, định giá cho khoảng 100 doanh nghiệp uy tín Việt Nam).

Hội dự kiến phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ thành phố Hồ Chí Minh (IPA HCMC) và AIPLA (Hoa Kỳ) tổ chức 2 khóa đào tạo về nội dung thực thi quyền SHTT; soạn thảo bản mô tả sáng chế và yêu cầu bảo hộ sáng chế tại Hà Nội.

Hội dự kiến phối hợp với WIPO, VCCI tổ chức hội thảo về kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu dành cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hội chuẩn bị kế hoạch cho công tác tổ chức hội nghị ASEAN IPA tại Hà Nội vào năm 2022-2023, hội nghị APAA tại Đà Nẵng vào năm 2026-2027.

Hội tiếp tục tổ chức chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp hội viên: Chương trình Nhãn hiệu Nổi tiếng – Nhãn hiệu Cạnh tranh Việt Nam năm 2021, Chương trình Nhãn hiệu hàng đầu, Sản phẩm Vàng – Dịch vụ Vàng Việt Nam năm 2021.

Hội tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh hoạt động quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước.

Tăng cường công tác tư vấn và phản biện xã hội, đặc biệt là đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ.

mai ha1

 PGS.TS Mai Hà chia sẻ những trăn trở về lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

PV: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Vậy PGS.TS Mai Hà đánh giá gì về Chương trình này? 

PGS.TS Mai Hà: Việc Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 là phù hợp với chiến lược phát triển tài sản trí tuệ chung của quốc gia, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, cũng như tình hình phát triển kinh tế và xã hội của đất nước hiện nay.

Chương trình đã tập trung vào việc phát triển đối tượng sở hữu trí tuệ, trong đó chú trọng phát triển quyền đối với các đối tượng này (tức là quyền sở hữu trí tuệ) thông qua việc khuyến khích các hoạt động tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ cụ thể, đẩy mạnh thực hiện hoạt động bảo hộ và quản trị quyền sở hữu trí tuệ, song song với hoạt động đào tạo và nâng cao nhận thức của chủ thể quyền cũng như công chúng nói chung về quyền sở hữu trí tuệ.

Tôi hy vọng, thông qua Chương trình này, Việt Nam sẽ dần xóa bỏ được những hạn chế vừa nêu trên, hoàn thiện hệ thống pháp lý về sở hữu trí tuệ, tránh hình thức và luôn cầu thị. Cần đặt quyền lợi của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, của các doanh nghiệp Việt Nam lên trên hết để họ có thể cạnh tranh bình đẳng trên chính sân nhà của mình và trên trường quốc tế.

PV: Hiện nay có rất nhiều sáng chế hữu ích đến từ những người nông dân. Tuy nhiên nhiều nhà sáng chế nông dân cho biết vấn đề đăng ký bản quyền, sáng chế còn gặp nhiều khó khăn. Vậy theo PGS.TS Mai Hà, nhà nước cần làm gì để hỗ trợ sự sáng tạo của những nhà sáng chế này?

PGS.TS. Mai Hà: Hiện nay, có rất nhiều sáng chế được tạo ra bởi những người nông dân. Điều đó cho thấy, sức sáng tạo của con người là vô tận. Thế mạnh của những nhà sáng chế nông dân ấy chính là sự đam mê, kiên trì học hỏi, nghiên cứu kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn để tạo ra những sáng tạo phục vụ có ích cho quá trình sản xuất. Bên cạnh số ít những sáng chế thật sự có ý nghĩa, đa số sáng tạo (gần sáng chế) của những người nông dân chính là thiếu cơ sở lý luận, cơ sở khoa học để giải quyết những khúc mắc đặt ra trong quá trình hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu của mình.

Câu chuyện của người nông dân thường bắt đầu từ sáng kiến, sáng tạo, sáng chế và sáng chế có tính ứng dụng cao.

Để trả lời rõ hơn ở phần dưới, tôi xin nêu những điều gần như nguyên lý như sau: Ở bất kỳ đâu có môi trường cạnh tranh lành mạnh, thì ở đó tất cả các sáng kiến, sáng tạo, sáng chế và sáng chế có tính ứng dụng cao đều được trân trọng và chắc chắn sẽ được đầu tư để ứng dụng vào thực tế, nếu không từ nguồn của Nhà nước thì sẽ có từ nguồn đầu tư của các doanh nghiệp.

Môi trường cạnh tranh lành mạnh có thể được thiết lập ở quy mô quốc gia, quy mô doanh nghiệp…, hoàn toàn phụ thuộc vào trí tuệ của người đứng đầu đất nước hoặc đứng đầu doanh nghiệp. Khi người đứng đầu không hiểu, hoặc không biết làm thế nào để có được môi trường cạnh tranh lành mạnh thì nên nghiêm túc hội nhập quốc tế, (tức là đi cùng đám đông thông minh) thì sẽ hình thành được môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Từ sáng kiến trở thành sáng tạo, rồi sáng tạo phải đăng ký để có được sáng chế hoặc giải pháp hữu ích và trong các sáng chế ta lựa chọn/khoanh lại những sáng chế có tính ứng dụng cao. Những sáng chế có tính ứng dụng cao tức là những sáng chế đã khẳng định được quyền sở hữu trí tuệ và tính ưu việt trong cạnh tranh thì luôn có sức hút của thị trường trong nước và quốc tế.

Nếu thị trường nội địa chưa hiểu, hay chưa có nhu cầu, thì thị trường quốc tế sẽ quan tâm ứng dụng. Những quốc gia đã hình thành được môi trường cạnh tranh lành mạnh (thực ra đây chính là kinh tế thị trường) và với những nhà lãnh đạo thông minh, người ta sẽ làm những bước cao hơn, đó là hỗ trợ, ươm tạo những sáng tạo để có thể hình thành nên những sáng chế có tính ứng dụng cao.

Quay trở lại việc các nhà sáng chế nông dân gặp khó khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, theo tôi, một mặt các nhà sáng chế nông dân ấy cần phải tự học hỏi, nâng cao trình độ trong lĩnh vực mà mình đam mê nghiên cứu hoặc có thể nhờ hỗ trợ từ các chuyên gia, các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực.

Mặt khác, Nhà nước cần hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh thực sự. Chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ việc đào tạo, phổ biến thông tin, hỗ trợ đăng ký sáng chế, kết hợp có hiệu quả hoạt động giữa các nhà khoa học với những người trực tiếp sản xuất, giữa những nhà sáng chế với các doanh nghiệp thì mới có khả năng thúc đấy nền kinh tế phát triển.

Xin cảm ơn ông Mai Hà về những chia sẻ, chúc ông thật nhiều sức khỏe để làm việc và cống hiến!

 Hương Mi (thực hiện)

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 giờ trước
(SHTT) - Spotify không phải là công ty duy nhất thử nghiệm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo danh sách phát. Amazon vừa thông báo họ cũng sẽ làm điều tương tự, và hiện đang thử nghiệm một công cụ tạo danh sách phát AI - Maestro.
Khoa học Công nghệ 1 giờ trước
(SHTT) - Một nghiên cứu mới từ Turnitin, nhà phát triển nền tảng chống đạo văn hàng đầu, đã khám phá xu hướng mới trong việc viết bài của sinh viên trên toàn cầu, từ đó mở ra cuộc thảo luận về vai trò của AI trong giáo dục hiện đại.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Hãng xe Mercedes-Benz vừa phát đi thông tin triệu hồi dòng xe E-Class vì lỗi bơm nhiên liệu tại Việt Nam.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Vắc-xin chlamydia, sau những thử nghiệm ban đầu, đã mang lại những kết quả đầy hứa hẹn, mở ra triển vọng mới trong việc kiểm soát sự lây lan của bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Với sự hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà nghiên cứu đã huấn luyện một thuật toán học máy để nhận biết các tín hiệu điện tương ứng 16 cử chỉ tay thường được thợ lặn sử dụng dưới nước, bao gồm cử chỉ từ ngón trỏ đến ngón cái để ra dấu "OK".