SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 20/03/2024
  • Click để copy

Nông sản Việt và những rào cản trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

10:00, 01/11/2018
(SHTT) - Hiện tại nhiều mặt hàng nông sản Việt đã có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều nông sản chưa được quan tâm tới việc bảo hộ sở hữu trí tuệ nên không đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Nhằm xây dựng chiến lược thương hiệu, bảo vệ thương hiệu nông sản cho các doanh nghiệp Việt Nam góp phần phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển nền nông nghiệp bền vững và hội nhập, Cục công tác phía Nam - Bộ KHCN đã phối hợp với Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vào sáng ngày 31/10.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi cần thiết phải xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho nông sản Việt “ngay bây giờ hoặc không bao giờ”. Điều đó đã cho thấy, việc bảo hộ quyền SHTT nông sản đang cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, hiện có hơn 800 sản phẩm nông - lâm - thủy sản Việt Nam có uy tín nhưng chỉ mới có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và một số ít thương hiệu được tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

bao ho quyen so huu tri tue

 Nông sản Việt và những rào cản trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Bên cạnh đó, vẫn có các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam nhưng phải thông qua thương hiệu nước ngoài. Một số sản phẩm mặc dù đã được Nhà nước bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận thị trường người tiêu dùng cũng như bất lợi lớn trong cạnh tranh.

Bà Hồng Lý cho rằng, một trong nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đúng mức đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến có tình trạng thương hiệu Việt Nam đã bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài. Hậu quả là doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí mới đòi lại được như các vụ thương hiệu lớn về nước mắm, cà phê…

Các đại biểu dự hội thảo cũng cho rằng, từ nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp, nông dân có những sáng kiến mang lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm nên vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại càng cần thiết. Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ về các yếu tố của tài sản trí tuệ như: quyền tác giả, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng…

Một sản phẩm ra thị trường gần như tập hợp được tất cả các tài sản trí tuệ đó. Vậy nông sản Việt Nam ra thị trường có đáp ứng đủ các điều kiện đó không, giá trị về nội dung và hình thức như thế nào và được bảo hộ ra sao… là những điều mà doanh nghiệp và nông dân buộc phải quan tâm trong điều kiện xuất khẩu nông sản ngày càng nhiều như hiện nay.

Để xây dựng thương hiệu cho nông sản, một số chuyên gia cho rằng, trước hết cần xác định được doanh nghiệp có tâm với sản phẩm đó; cải tiến chất lượng hàng hóa; huấn luyện để người sản xuất nông nghiệp áp dụng kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn đã chọn; đăng ký tên thương hiệu và xúc tiến thương mại…

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng đại diện Cục Trồng trọt tại phía Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, trước mắt cần tham vấn cho DN, nông dân đăng ký quyền sở hữu các giống cây trồng.

“Việc mua các loại giống cây trồng kích thích sự sáng tạo trong cả nước. Hiện chúng ta có khoảng 800 giống lúa và tồn tại trong sản xuất khoảng 100 giống, gạo xuất khẩu đi 150 quốc gia. Làm tốt tác quyền sẽ kích thích cho sự phát triển trong sản xuất”- ông Tùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng phía Nam - Cục Sở hữu trí tuệ - cho rằng, trước những thách thức trong thương mại quốc tế, cũng như tầm quan trọng trong việc đăng ký bảo hộ nông sản, đỏi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên tham gia từ DN, nhà sản xuất đến chính quyền địa phương các cấp. Bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam, sẽ góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển nền nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Theo GS Võ Tòng Xuân - Viện Lúa ĐBSCL, để đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu và bảo hộ quyền SHTT sản phẩm nông nghiệp, một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay là xây dựng mối liên kết 4 nhà: Nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà nước, nhất là 2 nhà: Doanh nghiệp với nông dân. Ông Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cũng đồng tình với ý kiến này.

Theo GS Xuân, nếu doanh nghiệp và nông dân làm đúng quy trình sản xuất sẽ cho ra sản phẩm nông nghiệp tốt, rồi xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền SHTT nông sản tránh việc bị đánh cắp.  Từ đây GS Xuân đề xuất, Hội Nông dân cần tìm kiếm những doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính, đầu ra tốt để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ông Xuân cũng cho rằng, Hội cần đẩy mạnh việc vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” nhằm tạo ra những cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao.

Hạ Lan

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.