Nông nghiệp hữu cơ, giải pháp phát triển kinh tế bền vững
Nông sản hữu cơ nhưng bán giá của nông sản thường
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, với sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển và mở rộng. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hữu cơ đạt hiểu quả kinh tế cao trên một số cây trồng như lúa, đậu tương, dưa hấu, rau và chăn nuôi gà, lợn,...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ hiện nay trên toàn tỉnh có 500ha; với 330ha lúa và rau; chăn nuôi lợn hữu cơ: 3.000 con/năm và gia cầm hữu cơ: 1.000 con/năm với 21 nhà lưới - tổng diện tích hơn 52.700m2.
Thực tế, tính đến nay số lượng sản phẩm hữu cơ được cấp chứng nhận trên đại bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn ít. Nguyên nhân là do chi phí chứng nhận của các công ty trong và ngoài nước rất cao (khoảng 10 triệu đồng/ha lúa/năm). Trong khi đó, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong tỉnh còn ít và nhỏ lẻ, sản xuất theo quy mô nông hộ, chưa phát triển trên quy mô rộng nên việc thuê tư vấn độc lập đánh giá, chứng nhận hữu cơ là không hiệu quả và không phù hợp.
Điển hình như ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, địa phương này có 70ha diện tích trồng rau má, trong đó có 52ha rau má được sản xuất theo đúng quy trình Vietgap nhưng chỉ có 0,5ha diện tích trồng rau má hữu cơ.
Ông Hoàng Trọng An (trú xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) cho biết: “Gia đình tôi trồng rau má hữu cơ được 3 năm với diện tích 1000m2, sản lượng mỗi năm khoảng 1,4 tấn/500m2. So với việc trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGap, canh tác rau má hữu cơ không dùng đến hóa chất, chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, sản lượng giảm gần như 1 nửa”.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi khắt khe hơn nhiều về kĩ thuật, đầu tư với giá trị lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại… Mặc dù đạt chất lượng cao nhưng giá thành của rau má hữu cơ khi bán ra thị trường chỉ ngang với nông sản thường. Mặt khác, nhiều sản phẩm không phải là sản phẩm hữu cơ nhưng vẫn "gắn mác" sản phẩm hữu cơ trên thị trường gây hiểu lầm, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Ông An nói thêm: “Vướng mắc lớn nhất nhất đối với nông sản hữu cơ là vấn đề đầu ra. Cần có những đơn vị thu mua, chế biến sản phẩm chất lượng cao để tạo cơ hội lớn cho nông dân”.
Ông Trần Lưu Quốc Doãn - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: “Sản xuất theo hướng hữu cơ đang là xu thế phát triển chung của nông nghiệp toàn cầu. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, với sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển và mở rộng. Nhiều mô hình sản xuất hữu cơ được đánh giá cao như gạo hữu cơ Phong Điền, dầu lạc hữu cơ Mỹ Á, rau má hữu cơ Quảng Thọ...”
Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ; có chính sách ưu đãi về quy hoạch đất đai, tài nguyên nước tập trung cho những vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ tiến tới nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách hỗ trợ, liên kết các nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học và hệ thống phân phối sản phẩm; xây dựng nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bố trí vốn ưu tiên cho nhà sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Tìm đầu ra cho sản phẩm sạch
Nhằm phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm hướng đi bền vững cho dòng sản phẩm này.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị tổng kết hợp tác về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm và ký kết biên bản hợp tác xây dựng, mở rộng và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh.
Hiện toàn tỉnh đã có 42 hộ dân và 2 Hợp tác xã đang hợp tác về phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi giá trị với hơn 300 lợn nái và 6.000 con lợn thịt tại các địa phương. Ngoài ra, có khoảng 500ha diện tích lúa, ngô, đậu tương sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý rơm rạ, các phụ phẩm trong trồng trọt, chất thải trong chăn nuôi để chế biến phân hữu cơ vi sinh tại nhà, gia trại nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Từ năm 2020, công ty đã phối hợp với các HTX xử lý rơm, rạ sau thu hoạch vụ đông xuân ngay trên đồng ruộng bằng chế phẩm vi sinh của Tập đoàn.
Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng hàng trăm mô hình ở các địa phương trong việc xử lý rác thải hữu cơ, phân gia súc, gia cầm bằng chế phẩm vi sinh, thành phần hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng.
Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ là phù hợp với xu hướng và tình hình thực tiễn, đồng thời cho thấy tiềm năng và dư địa để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, cần được tiếp tục đầu tư hợp tác để khai thác hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Ông Minh cũng đề nghị các đơn vị liên quan cần chú trọng vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Hợp tác mở rộng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gồm: Chuỗi giá trị sản xuất các loại gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ; Chuỗi giá trị sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và hữu cơ; Chuỗi giá trị cây thanh trà và các loại cây ăn quả khác theo hướng hữu cơ và hữu cơ; Chuỗi giá trị sản xuất thủy sản theo hướng hữu cơ,...
Tiếp tục hợp tác đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hữu cơ như xây dựng cửa hàng, siêu thị để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tối thiểu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1-2 cửa hàng, siêu thị. Bên cạnh đó, hợp tác xây dựng thôn, làng, bản kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tiến tới xây dựng xã kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Phan Hòa