SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Nông dân Bình Định trăn trở giải quyết bài toán đầu ra ổn định cho cây lạc

12:34, 24/07/2022
Xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) những năm qua đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, người dân cũng như chính quyền địa phương vẫn không ngừng trăn trở cảnh được giá, mất mùa – được mùa, mất giá.

Cây lạc (hay còn gọi là cây đậu phộng) là cây trồng có ý nghĩa đối với nhiều nước trên thế giới. Đây là loại cây công nghiệp ngắn ngày, dễ trồng, thích hợp trong sản xuất chuyên canh, cơ cấu luân canh, cải tạo đất do khả năng cố định đạm và có vị trí quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Người dân xã Bình Thuận “thoát nghèo” nhờ trồng cây lạc

Những năm qua, xã Bình Thuận đã chọn cây lạc là loại cây trồng chính để thực hiện công tác chuyển đổi, nhất là trên diện tích lúa năng suất thấp, đất bạc màu,... Xã đã định hướng đưa lạc là một trong những cây trồng chủ lực trong nhóm cây công nghiệp hàng năm.

1

 Mô hình cánh đồng mẫu cây lạc tại xã Bình Thuận.

Theo thống kê 06 tháng đầu năm 2022 của Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, diện tích lạc toàn huyện đạt gần 1.700ha, tăng 66ha so với năm 2021. Trong đó, xã Bình Thuận - “thủ phủ” cây lạc của Tây Sơn - có 821ha, tăng hơn 43ha so với năm 2021.

Từ năm 2017 đến năm 2021, diện tích trồng lạc của xã Bình Thuận liên tục tăng, các vùng sản xuất đầu tư các giống lạc với năng suất và sản lượng cao. Lạc là một trong số ít sản phẩm trồng trọt có giá cả tiêu thụ tương đối ổn định, bên cạnh đó hệ thống kênh tưới chính đã được quan tâm đầu tư (kênh tưới Văn Phong, kênh tưới Thuận Ninh), đảm bảo nguồn nước tưới nên diện tích trồng lạc tăng qua các năm. Trong thời gian qua, xã đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu cây lạc. Mô hình này đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân về tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, năng suất tăng qua các năm do nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như công nghệ tưới tiết kiệm nước bằng béc quay tự động, tưới phun mưa, tăng cường đầu tư thâm canh, bố trí đất trồng lạc hợp lý, thoát nước tốt, sử dụng các giống cho năng suất cao như: Lạc mỏ két, LDH 04, L14, HL 25. Trong thời gian tới, nếu đưa các giống lạc mới cho năng suất cao, chất lượng tốt gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, cây lạc sẽ trở thành một trong những cây thế mạnh của “thủ phủ” cây lạc.

2

Cán bộ nông nghiệp huyện Tây Sơn trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng lạc ở xã Bình Thuận.

Ông Đặng Văn Hiền – Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: “Xã đã xác định lạc là cây trồng chủ lực trên địa bàn và cũng xác định đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, là cây “xoá đói giảm nghèo” cho bà con nông dân. Hiện tại, diện tích cây lạc trên địa bàn xã đã có hơn 800ha. Xã đã mở rộng sản xuất, nhưng vẫn phải tìm hướng nâng cao giá trị sản phẩm chứ không đơn thuần chỉ là trồng lạc để ép dầu, mà cần có thêm nhiều sản phẩm về lạc khác nữa. Xã đang trong quá trình phấn đấu hình thành và xây dựng thương hiệu của “thủ phủ” cây lạc nên rất cần sự giúp đỡ của các ngành, các cấp".

Ông Nguyễn Công Thuấn (thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định) chia sẻ: “Bà con xã Bình Thuận hiện nay đã làm ăn ổn định nhờ có nước từ các kênh tưới đổ về. Vụ lạc đông xuân vừa rồi không những có năng suất tốt mà đầu ra cũng ổn định, giá dao động 24.000 – 26.000 đồng/kg đậu khô, trừ hết chi phí cũng còn lãi rất nhiều, với mức giá đó thì người dân trồng lạc như tôi thấy rất thành công.”

Theo ông Thuấn, so với các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn khác, cây lạc mang lại thu nhập cao hơn cả. Điều kiện canh tác thuận lợi, giá bán ổn định nên người dân địa phương đã chủ động chuyển đổi, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung. Các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp cũng đồng hành và hỗ trợ người dân rất tận tình.

3

 Ông Nguyễn Công Thuấn chia sẻ với PV về tình hình trồng lạc tại địa phương.

Ông Lê Hà An - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, Bình Định cho biết: “Hiện nay sản xuất lạc là cây trồng có thị trường tiêu thụ rất rộng lớn, vừa phục vụ cho nhu cầu gia đình, chế biến, có thể xuất khẩu. Do đó, giá lạc thương phẩm trong những năm qua không ngừng tăng.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2017- 2022 diện tích, năng suất và sản lượng cây lạc trên địa bàn xã Bình Thuận năm sau tăng hơn năm trước. Có được những kết quả này là nhờ sự quan tâm của các cấp đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh tưới Văn Phong, Thuận Ninh đi qua địa bàn xã, giá bán lạc tương đối cao và ổn định hơn so với giá các loại cây trồng khác trong vùng như lúa, mì, ngô,… đồng thời nông dân được cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức tập huấn, hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông về quy trình trồng lạc, nhất là kỹ thuật tưới nước bằng phương pháp tưới phun, quản lý sâu hại theo nguyên tắc IPM,… Qua đó người dân đã hưởng ứng, mạnh dạn áp dụng rộng rãi vào thực tế để nâng cao năng suất, chất lượng lạc góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và địa phương".

Giải quyết bài toán đầu ra ổn định cho cây lạc

Mặc dù có những điều kiện thuận lợi, năng suất và sản lượng ổn định nhưng người dân cũng như chính quyền địa phương vẫn không ngừng trăn trở, bởi khi đến mùa thu hoạch người dân vẫn thấp thỏm trong cảnh được giá, mất mùa – được mùa, mất giá, bị thương lái ép giá,… Ngoài ra các sản phẩm phụ từ cây lạc như thân lạc, vỏ lạc, bã lạc sau khi ép dầu,… vẫn chưa được tận dụng triệt để.

Tại xã Bình Thuận, người dân sẽ dùng thân lạc, vỏ lạc sau khi tách hạt và bã lạc sau khi ép dầu cho gia súc ăn hoặc ủ để bón cho cây trồng.

Người nông dân xã Bình Thuận hiện nay mất đi một nguồn thu sau mỗi mùa thu hoạch và những phụ phẩm từ cây lạc vẫn đang bị lãng phí do không có người thu mua, không được tận dụng triệt để. Ngoài làm thức ăn, ủ làm phân bón thì số lượng lớn phụ phẩm còn lại của cây lạc bị hư hỏng vì không được bảo quản đúng cách.

4

 Lạc sau khi ép dầu được ép khuôn thành bánh dầu lạc. Bánh dầu lạc tại xã Bình Thuận được bán rẻ nhưng hiếm người mua.

Anh Nguyễn Thành Mười, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm “Dầu đậu phộng Thành Mười” cho biết: “Cơ sở ép dầu lạc Thành Mười đã hình thành hơn 10 năm, ban đầu chỉ ép thủ công nhưng cảm thấy không đạt hiệu quả cao nên tôi đã đầu tư, bố trí máy móc gần 500 triệu đồng để phục vụ sản xuất với hi vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, nhu cầu sử dụng dầu lạc an toàn cho sức khoẻ ngày càng tăng, gia đình tôi đã liên kết với các hộ dân trong vùng xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lạc hợp chuẩn VietGAP quy mô 5ha để sản xuất dầu lạc an toàn”.

Anh Mười cho biết thêm, sản phẩm của cơ sở đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Dầu lạc sản xuất từ nguyên liệu hợp chuẩn VietGAP, với đầy đủ thông tin xuất xứ, nguồn gốc, giá bán cao hơn so với dầu ép truyền thống thông thường.

Dù đầu tư nhiều và bài bản như thế, nhưng hiện nay sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh và mở rộng thị trường. Việc huyện xây dựng vùng nguyên liệu hợp chuẩn, có sự đầu tư, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, thu hút thêm doanh nghiệp lớn là một hướng đi phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

5

 Anh Nguyễn Thành Mười, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm “Dầu đậu phộng Thành Mười” bên sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Huyện Tây Sơn đã xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi liên kết sản xuất lạc, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Tây Sơn giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng các vùng sản xuất tập trung; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện như vùng chuyên sản xuất lạc ở xã Bình Thuận. Trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2025, xã Bình Thuận xây dựng và phát triển vùng sản xuất theo chuỗi giá trị cây trồng chủ lực - cây lạc; diện tích cây lạc được chứng nhận VietGAP trên 30 ha. Xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản gắn với công nghiệp chế biến sau thu hoạch.

Ông Lê Hà An - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn nhấn mạnh: “Việc quan trọng nhất hiện nay là thu hút, tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp chế biến sâu nông sản, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lạc, đặc biệt là khâu chế biến lạc sau thu hoạch như: dầu, bơ, phân bón… nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng ngày càng cao của thị trường cũng như tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, chúng tôi khẩn trương triển khai quy hoạch và hình thành vùng sản xuất tập trung, hướng dẫn nông dân tham gia các chuỗi liên kết bền vững tạo vùng nguyên liệu; đồng thời mở rộng các kênh hỗ trợ kết nối, quảng bá sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân”.

Bích Loan

Tin khác

Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 14 giờ trước
(SHTT) - Được chú trọng quy hoạch về không gian sống, từ hệ sinh thái xanh an lành đến các tiện ích thể dục thể thao, vui chơi thư giãn…, Eurowindow Twin Parks không chỉ đón đầu xu hướng sống xanh năng động mà còn góp phần thay đổi diện mạo đô thị phía Đông Hà Nội.
Kinh tế 17 giờ trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.