Những sáng chế hữu ích của học sinh hỗ trợ người bị tai biến
Học sinh Hà Nội chế tạo thiết bị thông minh hỗ trợ bệnh nhân tai biến
Tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI năm 2024 có một sáng chế được ban giám khảo đánh giá cao, đó là dự án Thiết bị tập phục hồi chức năng cho người hạn chế vận động và sau tai biến thuộc lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp. Đây là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm học sinh đến từ Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Là thành viên chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bùi Minh Quang cho biết: Sản phẩm tích hợp nhiều yếu tố công nghệ và kỹ thuật hiện đại như Quản lý dữ liệu người dùng, tích hợp công nghệ AI làm bác sĩ ảo đưa ra những chỉ dẫn phù hợp với chỉ số sức khỏe của người dùng.
Ở giai đoạn 1, nhóm tập trung ứng dụng một số công nghệ làm nên sự khác biệt của sản phẩm như: Tích hợp các cảm biến để thu thập tình trạng sức khỏe và vận động của người dùng; điều khiển bằng bảng điều khiển hoặc ứng dụng di động; đồng thời những tính năng mới sẽ được cập nhật liên tục.
Học sinh miền núi sáng chế thiết bị hỗ trợ người bị tai biến
Với mong muốn hỗ trợ người bị tai biến, hai em học sinh ở huyện miền núi Đồng Xuân là Đặng Kỳ Anh và Lương Minh Hoàng (học sinh lớp 9A, Trường THCS Phan Lưu Thanh) đã tự nghiên cứu và sáng chế Thiết bị hỗ trợ người bị tai biến bằng công nghệ AI.
Gần 3 tháng nuôi dưỡng ý tưởng và hoàn thành sản phẩm, các em xây dựng sản phẩm theo hướng: Phát triển mô hình AI để nhận diện các cử chỉ tay, giọng nói, chuyển động mắt… để hỗ trợ người bệnh trong việc điều khiển các thiết bị điện và liên lạc với người chăm sóc; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thông qua việc theo dõi dữ liệu sức khỏe của người bệnh để giúp chăm sóc tốt hơn; xây dựng chatbot hoặc ứng dụng AI để cung cấp hỗ trợ tâm lý và tư vấn cho người bệnh tật già yếu, giúp giảm cảm giác cô đơn và cải thiện tinh thần; sử dụng AI để theo dõi biểu hiện tâm trạng và tự động cung cấp các phương tiện giải trí, nhận diện giọng nói và ngôn ngữ tự nhiên để tăng cường khả năng tương tác giữa người bệnh và các thiết bị AI...
Theo chia sẻ trên Báo Phú Yên, em Lương Minh Hoàng cho biết, các tính năng chính của sản phẩm bao gồm: Điều khiển điện và liên lạc với người chăm sóc bằng các hệ thống nhận dạng qua ký hiệu tay, giọng nói, cơ mặt, chuyển động ánh mắt... Hệ thống AI được luyện, khi kích hoạt sẽ truyền các tín hiệu đến các hoạt động mà người bệnh cần.
Sau khi có tín hiệu điều khiển các thiết bị điện, phần vi mạch Arduino Nano sẽ xử lý thao tác tắt bật điện theo phương hướng thích hợp, an toàn và tiết kiệm điện. Hoặc khi có tín hiệu liên lạc với người chăm sóc, bộ xử lý sẽ chuyển đổi những dữ liệu từ các cử chỉ tay, giọng nói hay khuôn mặt sang thành những nội dung như lời nói mà người bệnh muốn nói và truyền nội dung đến các thiết bị thông minh của người nhà (ngoài ra cũng có thể phát qua loa của thiết bị). Đồng thời, thiết bị sẽ giúp xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thông qua việc theo dõi dữ liệu sức khỏe của người bệnh…
Theo Đặng Kỳ Anh, Thiết bị hỗ trợ người bị tai biến bằng công nghệ AI gồm phần mềm và phần cứng. Phần mềm được sử dụng ngôn ngữ lập trình Python và C++. Phần cứng tích hợp bộ Arduino, CPU xử lý nhỏ và màn hình cảm ứng. Hoạt động của phần mềm là chuẩn bị các hệ thống xử lý cho các chức năng, sau đó sẽ chạy giao diện phần mềm. Khi đó, người dùng có thể tương tác qua màn hình của thiết bị, phần mềm sẽ tiếp nhận các tương tác của người dùng và mở các giao diện nhỏ khác tương ứng (hay chạy các chức năng cụ thể trong các giao diện nhỏ). Phần mềm sẽ giúp gửi tín hiệu điều khiển đến phần cứng từ tương tác của người dùng.
Nhóm SV Bách khoa Đà Nẵng sáng chế “găng tay vàng” cho người tai biến, đột quỵ
Vào năm 2023, nhóm sinh viên AnNam của Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng đã “trình làng” sản phẩm găng tay phục hồi chức năng ứng dụng Robot mềm hoàn chỉnh.
Đây là sản phẩm công nghệ được đánh giá cao bởi những ứng dụng độc đáo trong thực tế và từng đạt giải Nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, giải Nhì cuộc thi sinh viên khởi nghiệp công nghệ năm 2022 Đại học Đà Nẵng.
Chia sẻ trên Tạp chí điện tử Giáo dục, bạn Lê Nhất Chính và bạn Đào Duy Anh cho biết: “Sắp xếp các dữ liệu, cả nhóm bắt đầu chế tạo chiếc găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng. Đây là sản phẩm ứng dụng bộ truyền động đàn hồi mềm.
Theo đó, các ngón tay mềm được chế tạo từ vật liệu silicon bằng phương pháp đúc, khuôn chế tạo bằng công nghệ in 3D FDM, nhựa PLA dựa trên kỹ thuật PneuNet tích hợp vào găng tay vải thông thường.
Nó được thiết kế thành thiết bị đeo tay giúp người có nhu cầu phục hồi chức năng luyện tập co, duỗi các ngón tay. Khi tập, các đầu ngón tay có thể chạm đến lòng bàn tay để kích thích xúc giác, giúp người sử dụng sớm phục hồi chức năng, cảm giác.
Ngoài ra, sản phẩm còn có thiết bị điều khiển cho người dùng tuỳ chọn chế độ với 3 bài tập cơ bản được tích hợp sẵn. Để đảm bảo an toàn, các linh kiện điện tử được thiết kế lắp đặt tách biệt với người sử dụng”.
TH
TIN LIÊN QUAN
-
Quảng Ninh: Tiêu hủy 229 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, 270 bánh trung thu nhập lậu
-
Kinh doanh hơn 5.000 phụ tùng ô tô không giấy tờ, một hộ kinh doanh bị phạt 52,5 triệu đồng
-
Đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại vùng cao, biên giới
-
Hải Phòng: Kiểm tra 06 cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng