Những “ông lớn” Bất động sản nào đang bị chậm cấp sổ hồng nhiều nhất?
Điều đáng nói là danh sách này cũng chỉ mặt điểm tên một vài “ông lớn”, có thể kể đến: Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty CP Tập đoàn Novaland, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn... Theo thống kê của HoREA, toàn thị trường của TP. HCM hiện có 27.390 căn nhà và 2.693 căn hộ officetel thuộc 490 dự án được đầu tư xây dựng trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019 đang bị chậm cấp sổ hồng.
Những “ông lớn” đang bị “tắc nghẽn” sổ hồng
Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh (Tập đoàn Hưng Thịnh) đã có hơn 18 năm hình thành phát triển, các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư và phát triển trải dài khắp cả nước, không chỉ dừng lại ở các thành phố trọng yếu như TP.HCM mà còn mở rộng ở các khu vực nhiều tiềm năng như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định và Hà Nội.
Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, hiện nay Hưng Thịnh có 13 dự án với với gần 8.800 căn hộ chưa được cấp sổ hồng, mặc dù có đầy đủ điều kiện để cấp sổ. Đơn cử như dự án Lavita Garden ở quận Thủ Đức, dự án này Hưng Thịnh đã xin xác định tiền sử dụng đất để nộp từ năm 2015, song đến nay vẫn chưa có kết quả.
Công ty CP Tập đoàn Novaland (Novaland Group) là một trong những công ty có uy tín trong lĩnh vực Đầu tư và Phát triển Bất động sản với tổng số vốn điều lệ 9.695 tỷ đồng (tính đến 31/12/2019). Doanh nghiệp này hiện có tổng số 11 dự án cùng với 7.283 căn nhà và căn hộ officetel bị “tắc” sổ hồng dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Dường như thấu hiểu sự bất cập ấy, mới đây vào ngày 15/9/2020, Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức lễ trao 1.000 giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở của 16 đơn vị có dự án hoàn chỉnh đầy đủ các quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng dự án theo đúng quy định trên địa bàn thành phố do ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM chủ trì buổi lễ. Trong đó có cư dân tại dự án Tropic Garden tại Thảo Điền, Q.2 do Tập đoàn Novaland đầu tư phát triển.
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hiện có 7 dự án chậm cấp sổ hồng, với 4.095 căn. Công ty được bắt đầu thành lập năm 1994 với lĩnh vực kinh doanh chính là: khai thác chế biến gỗ xuất khẩu, mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê, xuất nhập khẩu phân bón với hơn 500 lao động.
Theo thông tin trên website quoccuonggialai.com.vn, Quốc Cường Gia Lai là chủ đầu tư của nhiều dự án như tổ hợp công trình Khu thương mại phức hợp căn hộ cao cấp De Capella (đường Lương Định Của, Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM), Central Premium (Tạ Quang Bửu, Phường 5, quận 8, TP HCM), Khu căn hộ Southern Park (Lô 6B Phạm Hùng, Bình Chánh, TP.HCM)...
Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (Sài Gòn Res) cũng góp mặt cùng 3 dự án với 1.377 căn. Với hơn 30 năm năm hình thành và liên tục phát triển, Sài Gòn Res đã đầu tư, xây dựng nhiều dự án dân cư, công trình đáp ứng nhu cầu về nhà ở thương mại trên thị trường bất động sản; Tham gia các chương trình nhà ở của Thành phố, nhà ở xã hội...
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty Cổ phần địa ốc Sài gòn, ông Đặng Văn Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigonres cho biết, năm 2019, Sài Gòn Res đạt 116 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nguồn thu ghi nhận đáng kể từ doanh thu hợp đồng hợp tác đầu tư và chuyển nhượng vốn.
Ông Phúc cũng cho biết, hiện công ty có hơn 10 dự án trong giai đoạn giải phóng mặt bằng hoàn tất các thủ tục pháp lý và đầu tư xây dựng như: dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza, chung cư An Phú Đông, chung cư An phú River view, An Phú Residence, dự án Khu phức hợp Saigonres Nhơn Trạch, dự án Khu đô thị mới Nghĩa Hà, Khu đô thị Sinh thái Việt Xanh, Khu resort nghỉ dưỡng Bắc Vũng Bầu Phú Quốc...
Ngoài ra, danh sách còn có một số "ông lớn" khác như Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam Công ty CP Tập đoàn C.T, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát, Công ty CP Bất động sản Sơn Kim (Sonkim Land), Công ty CP ĐT Phát triển Bất động sản An Gia...
HoREA nói gì?
Đại diện HoREA cho biết, hiện nay còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, việc chậm cấp sổ hồng cơ bản là do chủ đầu tư bị tắc tiền sử dụng đất, không nộp được tiền sử dụng đất đồng thời do việc thực thi pháp luật của các cơ quan chuyên môn và một số cán bộ công chức còn quá bất cập, cùng với đó là việc luật pháp còn đánh đố gây lúng túng cho cán bộ.
Ngoài ra, việc các chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa được thông báo số tiền sử dụng đất phải nộp, để nộp bổ sung (hoặc được hoàn trả), để được xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và cấp sổ hồng cho khách hàng cũng là một nguyên nhân trực tiếp. Như trường hợp 11 dự án nhà chung cư của Tập đoàn Novaland, 2 dự án nhà chung cư của Tập đoàn Hưng Thịnh.
HoREA cũng đã kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, vì họ là bên vô can. Nhằm tránh những “điểm đen” có thể xảy ra trong tương lai gần.
Vừa qua, UBND TP HCM đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Tài chính nhằm xem xét tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai cấp sổ hồng cho toàn bộ các dự án trên địa bàn Tthành phố.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường, tính đến tháng 8/2020, toàn thành phố đã cấp được 1.558.821 Giấy chứng nhận (sổ hồng), đạt 97,91%.
Trước những con số rất cụ thể, Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM vẫn đang tiếp tục đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Bao giờ việc cấp sổ hồng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những “ông lớn” đã nêu mới “đi đến hồi kết”?.
Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM – ông Nguyễn Toàn Thắng thể hiện quyết tâm khi chia sẻ: “Xin được khẳng định ngay là với dự án hoàn chỉnh pháp lý, Sở sẽ giải quyết ngay việc cấp sổ hồng. Còn với những vướng mắc phát sinh thì ở cấp độ TP, Sở Tài nguyên & Môi trường đã kiến nghị UBND TP HCM xem xét, chấp thuận tiếp tục tổ chức buổi họp với các sở ngành, đơn vị có liên quan về những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể và giải pháp tháo gỡ”
Trọng Linh
vnfinance.vn
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Bảng giá Vinhomes Global Gate Cổ Loa