Những ngày Hà Nội tại TP.HCM: Đưa Thủ đô vào phương Nam
Chuỗi hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp người dân TP.HCM hiểu hơn về lịch sử, văn hóa Thăng Long xưa - Hà Nội nay.
Quảng bá sản phẩm, kết nối du lịch
Chương trình “Quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội – TP.HCM diễn ra 2 hoạt động là: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, làng nghề, nghệ nhân trình diễn, xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội – TP.HCM; Trình diễn ẩm thực Hà Nội của các nghệ nhân ẩm thực, đầu bếp, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội của du khách tham quan.
Chương trình hoạt động có quy mô khoảng 10.000m2, được phân bổ tại 2 khu vực là phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu Thương xá Tax ở Quận 1, TP.HCM.
Tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ là không gian "Phố nghề, làng nghề Hà Nội xưa và nay", quy mô 28 gian hàng được thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh phố cổ Hà Nội như nghề gốm sứ Bát Tràng, nghề mây tre đan Phú Vinh, nghề lụa Vạn Phúc, nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, nghề lược sừng Thụy Ứng, nghề đúc đồng Ngũ Xã, nghề dệt Phùng Xá, nghề thêu Thường Tín,…
Ngoài trưng bày giới thiệu sản phẩm, du khách còn được xem nghệ nhân trình diễn nghề, kể câu chuyện sản phẩm. Đặc biệt, trước mỗi gian hàng, người tham quan có thể quét mã QR để đọc thông tin về làng nghề cũng như thông tin về nghệ nhân đại diện.
Ở khu đất của Thương xá Tax là 42 gian không gian không gian quảng bá, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm đặc sản, quà tặng, OCOP Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Hà Nội” và “Hương vị Hà Nội”.
Bên cạnh hình ảnh về phố cổ Hà Nội và chợ Đồng Xuân, nhiều nhóm sản phẩm ẩm thực thể hiện nét văn hóa trải nghiệm khi đến Hà Nội như Bia hơi Hà Nội, phở, bún chả, bún ốc, cốm Làng Vòng,… cũng đã được các nghệ nhân, đầu bếp đưa đến để phục vụ người dân và du khách tham quan.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, Thủ đô có hơn 1.300 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống nhưng mức độ phổ thông lại chưa xứng tầm. Qua hoạt động quảng bá, bà Hà hoan nghênh các nghệ nhân, thợ giỏi đã tham gia vơi nhiều tâm huyết, trình diễn nghề, câu chuyện sản phẩm, góp phần đưa làng nghề, phố nghề của Thủ đô vươn xa.
Trong khuôn khổ chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đánh giá cao sự chỉn chu và thẩm mỹ của các gian hàng, đồng thời nhấn mạnh, đây là dịp rất thuận lợi, là cơ hội để đại diện các làng nghề, doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của Thủ đô đến với người dân TP.HCM và cả nước. Ông Quyền cũng lưu ý đến các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần được các gian hàng đảm bảo.
Nhiều di sản được phỏng tác
Ngoài các hoạt động quảng bá, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1), nhiều di sản đã được tái hiện qua nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội.
Điển hình, mô hình cầu Long Biên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ được làm bằng sắt thép, dài khoảng 30m, cao khoảng 5m. Bề mặt mô hình cầu với các nhịp đều bằng sắt thép, phía dưới là đường ray ở giữa, 2 bên dành cho phương tiện đường bộ, có thảm đá để tạo tính chân thực. Hai bên cầu và phía dưới là triển lãm các hình ảnh về Thủ đô xưa và nay.
Mô hình Khuê Văn Các cao khoảng 10m đươc tái hiện lại với đường nét khá tương đồng bản gốc. Khuê Văn Các có ý nghĩa là nơi tập trung của mọi tinh hoa giữa đất và trời, có ý tưởng đề cao trung tâm giáo dục văn hoá nho học của Việt Nam. Vừa thể hiện được truyền thống hiếu học, nền văn hiến lâu đời, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ và trang trọng, năm 2012, Khuê Văn Các trở thành biểu tượng của Hà Nội.
Cầu Thê Húc là cây cầu nổi tiếng bắc qua Hồ Gươm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Cầu gồm 15 nhịp, 32 chân gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm. Trong lịch sử tồn tại, cây cầu này đã nhiều lần bị gãy và được dựng lại.
Ô Quan Chưởng - một trong các công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội, nằm nằm trên phố cùng tên, được xây dựng năm 1749 dưới đời Lê và là cửa ô duy nhất còn lại trong số các cửa ô của Hà Nội. Công trình gồm hai tầng, được xây dựng theo kiến trúc cổng vọng lâu. Cổng có một cửa chính trên có tháp canh và cửa phụ ở hai bên. Tầng hai có vọng lâu 4 mái uốn cong 4 góc, có lan can bao quanh.
Ngoài ra, các tiểu cảnh như: Trung thu Hà Nội, Hồ Gươm, phố Bích họa, Sắc hoa Hà Thành và Trụ sở Báo Hà Nội mới cũng góp phần làm phong phú thêm không gian sự kiện, giúp người dân miền Nam có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về tâm hồn, vẻ đẹp của Hà Nội.
Chương trình diễn ra trong 3 ngày đã thu hút một lượng lớn người dân và du khách quan tâm, khẳng định tầm quan trọng trong sự kết nối giao thoa văn hóa, quảng bá để cùng phát triển giữa Hà Nội và TP.HCM.
An Nguyên
TIN LIÊN QUAN
-
Đoàn đại biểu TP Hà Nội tặng quà người có công tiêu biểu của TPHCM
-
Lãnh đạo Hà Nội thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh
-
Khai mạc 'Những ngày Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh': Đặc sắc chương trình 'Dấu son Hà Nội'
-
Trưng bày di sản văn hóa, tinh hoa đạo học của Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh