Những khó khăn khi áp dụng biện pháp hình sự trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
Theo đó, các luật sư Lê Xuân Lộc, Bạch Hoàng Giang, Hoàng Thái Sơn đã nhấn mạnh biện pháp hình sự vốn dĩ là biện pháp có tính răn đe cao nhất trong thực thi quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT). Tuy nhiên, biện pháp hình sự lại rất khó áp dụng trên thực tế tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, những hành vi có dấu hiệu tội phạm có quy mô lớn, tinh vi, phức tạp lại xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt trên môi trường số. Thực tiễn này đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận, tư duy phù hợp để góp phần lý giải tại sao biện pháp hình sự lại có những khó khăn, trở ngại khi áp dụng và cần làm gì để vượt qua những khó khăn, trở ngại này xét cả từ góc độ xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật cũng như những hoạt động cụ thể của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và của cả các chủ thể quyền.
Các luật sư chỉ rõ, trong các diễn đàn thương mại quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia như ASEAN, WTO, lĩnh vực SHTT luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, giữ vị trí trung tâm khi đàm phán ký kết các hiệp định thương mại. Các quy tắc và chuẩn mực pháp lý trong các cam kết quốc tế đa phương và song phương về SHTT luôn cần tuân theo các quy định chung của pháp luật, điều ước quốc tế.
Năm 2022, sau gần 17 năm kể từ ngày Luật SHTT 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2002 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3, đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT 2005 với mục tiêu thiết lập một hệ thống bảo hộ quyền SHTT đầy đủ, toàn diện hơn trên cơ sở xét đến hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam và những cam kết của Việt Nam tại các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại song phương/đa phương, mà tiêu biểu là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“CPTPP”) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (“EVFTA”).
Đến nay hệ thống văn bản pháp luật về thực thi, bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam không khác biệt nhiều so với các hệ thống pháp luật hiện có tại nhiều nước, bao gồm cả các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn cần rất nhiều nỗ lực để đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp thực thi và bảo vệ quyền SHTT, đặc biệt đối với biện pháp xử lý hình sự các hành vi xâm phạm quyền. Ngoài các biện pháp tự bảo vệ như gửi thư cảnh báo, áp dụng công nghệ nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm, theo quy định tại Điều 199 Luật SHTT, hiện nay các chủ thể quyền SHTT đang có ba sự lựa chọn để bảo vệ quyền SHTT của mình, bao gồm biện pháp hành chính, biện pháp dân sự và biện pháp hình sự.
Tuy nhiên các luật sư của Công ty Luật TNHH Tilleke & Gibbins cũn chỉ ra những khó khăn trong quá trình áp dụng biện pháp hình sự
Cụ thể, trong qua trình áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHCN, chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự giải quyết, đánh giá, hướng giám định, cách thức phân định và áp dụng tội phạm về "Sản xuất, buôn bán hàng giả" theo Điều 192 BLHS và/hoặc tội "Xâm phạm quyền SHCN" theo Điều 226 BLHS. Các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát hay Tòa án thường lúng túng trong quá trình lựa chọn và áp dụng một trong các quy định trên để định tội danh. Đối với hai tội danh này, chế tài áp dụng hoàn toàn khác nhau, cụ thể tội danh "Sản xuất, buôn bán hàng giả" có chế tài nặng hơn rất nhiều tội "Xâm phạm quyền SHCN". Do vậy, việc lựa chọn và áp dụng không đúng quy định sẽ để lại những hậu quả pháp lý nghiêm trọng, dẫn đến không xử lý đúng người, đúng tội danh.
Ngoài ra, những điều kiện để chứng minh tội phạm khi xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bao gồm một số nội dung như: kết luận giám định hàng hóa giả mạo được thực hiện bởi Viện khoa học hình sự, các yếu tố cấu thành vật chất như quy mô thương mại, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho chủ thể quyền, giá trị hàng hóa vi phạm. Trên thực tế, việc chứngminh các điều kiện này cũng gặp rất nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, cơ chế bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cũng là một trong những khó khăn khi mỗi Tòa án cũng có những nhận định, quan điểm khác nhau đối với vấn đề này.
Quá trình áp dụng biện pháp xử lý hình sự các hành vi xâm phạm quyền quyền tác giả, quyền liên quan cũng đang gặp một số rào cản.
Theo số liệu tại Báo cáo của CAP8- Liên minh bảo vệ bản quyền tại Châu Á - Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở mức cao. Trong số những hành vi xâm phạm tại Việt Nam, khoảng 41% được thực hiện thông qua các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng, 19% thông qua phát trực tuyến (livestream), và 61% là từ việc sử dụng các nền tảng xâm phạm bản quyền. Trước thực trạng đó, làm sao để xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là áp dụng biện pháp xử lý hình sự - là biện pháp xử lý có tính răn đe nhất - luôn là vấn đề khó có lời giải đối với các chủ thể quyền cũng như các cơ quan chức năng.
Với những quy định của Luật SHTT hiện hành, ngay cả khi đã có hành vi xâm phạm quyền sao chép hoặc quyền phân phối – là những hành vi có thể áp dụng biện pháp hình sự để xử lý – việc chứng minh yếu tố cấu thành tội phạm cũng là một vấn đề rất khó.
Một số kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện pháp luật của Việt Nam
Trước thực trạng trên, các luật sư đã đưa ra một số kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện pháp luật của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cần mở rộng phạm vi áp dụng đối với các tội danh liên quan đến SHTT trên cơ sở tham khảo pháp luật và thực tiễn tại những quốc gia có hệ thống pháp luật và thực thi SHTT mạnh. Cụ thể, có thể xem xét bổ sung thêm vào Điều 226 BLHS về đối tượng của quyền SHCN là sáng chế và bí mật kinh doanh. Như vậy, đối tượng quyền SHCN của tội phạm này sẽ gồm có: nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế và bí mật kinh doanh. Quy định này nhằm mục đích bảo hộ đầy đủ và phù hợp hơn đối với các đối tượng thuộc quyền SHCN trước các hành vi xâm phạm bị coi là tội phạm.
Ngoài ra, các hành vi xâm phạm quyền SHTT khác bị xử lý hình sự cũng nên được mở rộng, như hành vi xuất nhập khẩu, hành vi xâm phạm bí mật thương mại, hay hành quay lén phim trong rạp chiếu phim sau đó hoặc cùng lúc tải lên hoặc truyền đạt tới công chúng trên môi trường số, hay các hành vi truyền đạt tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình tới công chúng trên môi trường số. Lý do cho điều này là vì do tính chất của môi trường số, các hành vi xâm phạm này có thể dễ dàng được thực hiện, gây hậu quả lớn đến các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền.
Bên cạnh đó, cần khắc phục những hạn chế trong các quy định của BLHS bằng việc hoàn thiện các quy định pháp luật, cụ thể như:
Ban hành văn bản hướng dẫn dấu hiệu “với quy mô thương mại” hoặc bỏ dấu hiệu này.
Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp nào thì hành vi giả về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý sẽ áp dụng các tội về sản xuất buôn bán hàng giả để giải quyết, trường hợp nào sẽ áp dụng tội xâm phạm SHCN.
Để tránh trường hợp người phạm tội mua chuộc hoặc có các thủ đoạn để người bị hại không yêu cầu hoặc rút đơn khởi tố, gây khó khăn cho quá trình tố tụng, Bộ luật Tố tụng hình sự không nên quy định tội xâm phạm quyền SHCN là tội danh chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc là người đại diện hợp pháp của người bị hại.
Hương Mi